Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

"Lỗ hổng" trong phòng bệnh dại cho vật nuôi

Cập nhật: 14:10 ngày 13/08/2014
(BGĐT) - Theo các chuyên gia y tế, không có bệnh dại trên chó, mèo thì sẽ không có bệnh dại trên người. Thế nhưng, hiện nay công tác phòng bệnh dại cho vật nuôi vẫn còn nhiều “lỗ hổng”.
{keywords}

Tiêm vắc-xin phòng dại cho vật nuôi tại xã An Hà (Lạng Giang).

Hậu quả  

Cách đây khoảng 2 tháng, một người đàn ông chưa tròn 40 tuổi ở xã Trung Sơn (Việt Yên) đã tử vong do mắc bệnh dại. Anh để lại gánh nặng lên đôi vai người vợ với ba con nhỏ. Tháng 3 năm nay, anh bị chó cắn nhưng không tiêm vắc-xin phòng dại. 

Giữa tháng 7 vừa qua, tại thôn Lý 1, xã Ngọc Lý (Tân Yên), con chó của gia đình ông Nguyễn Văn Xâm chưa tiêm vắc-xin phòng dại đã cắn 5 người cùng thôn. Trong đó có cháu Nguyễn Văn Minh, 12 tuổi bị chó cắn nhiều vết bầm tím, rỉ máu. 

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Trạm Thú y huyện Tân Yên và cơ sở y tế địa phương đã hướng dẫn 5 người bị chó cắn đi tiêm vắc-xin phòng dại tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, đồng thời phối hợp với Chi cục Thú y, UBND xã Ngọc Lý tiêu hủy con chó bệnh của gia đình ông Xâm, phun hóa chất tiêu độc khử trùng đường làng, ngõ xóm trong thôn để diệt mầm bệnh. 

UBND xã thông báo cho tất cả các thôn về mức độ nguy hiểm của bệnh dại, khuyến cáo các biện pháp phòng chống; yêu cầu các hộ ở thôn Lý 1 làm cam kết không thả rông chó, giết thịt hoặc bán chạy khi chưa được chính quyền cơ sở và cơ quan chuyên môn cho phép. Cơ quan thú y khoanh vùng, tiêm vắc-xin dại ngay cho toàn bộ đàn chó toàn xã với tổng số 1.050 con. Nhờ đó, đến nay ở Ngọc Lý không có thêm trường hợp nào bị chó cắn.

Vẫn chủ quan, lơ là 

Dại là bệnh nguy hiểm, lây từ động vật sang người thế nhưng công tác phòng bệnh trên đàn vật nuôi chưa được chú trọng. Ông Lê Văn Dương, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Toàn tỉnh có hơn 250 nghìn con chó, mèo. Hằng năm, Chi cục đều triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng dại tập trung; có đủ vắc-xin cung ứng với giá 10-11 nghìn đồng/liều nhưng kết quả tiêm phòng dại bình quân chỉ đạt 30%-35%/năm, chưa bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi”. 

Một số huyện gần như bỏ trắng hoặc có tiêm phòng dại nhưng kết quả thấp như: Lục Ngạn và Sơn Động tỷ lệ tiêm chỉ đạt hơn 0,6% tổng đàn; Yên Thế 10%, Hiệp Hòa hơn 12%; Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam đạt từ 19%-33%. 

Ông Hoàng Văn Điểm, Chủ tịch UBND xã Lệ Viễn (Sơn Động) nói: “Khoảng tháng 3, tháng 4 hằng năm, UBND xã tổ chức tiêm phòng dại chó mèo. Cán bộ thú y xã thông báo trên loa ngày tiêm, địa điểm tại các thôn hoặc cụm thôn nhưng nhiều hộ vẫn không đưa chó, mèo đến tiêm. Toàn xã chỉ tiêm được gần 80/300 con”. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do nhiều hộ dân chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hại của bệnh này nên không chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi. Ông Ngô Văn Thực, Trưởng Trạm Thú y huyện Lục Ngạn phản ánh: “Trước thời điểm tiêm 10-15 ngày, Trạm họp toàn bộ thú y xã để triển khai kế hoạch tuy nhiên do địa bàn khá rộng, đường đi lại khó khăn, chó thả rông là chủ yếu nên nhiều hộ ngại không đem chó đi tiêm phòng”.  

Phớt lờ quy định

Theo Nghị định 40/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y thì chủ nuôi chó, mèo không thực hiện tiêm phòng bị phạt từ 100- 500 nghìn đồng nhưng chính quyền cơ sở hầu như không áp dụng. Do đó, nhiều hộ ở cả ở nông thôn và thành phố vẫn có thói quen thả rông chó không có rọ mõm chạy khắp đường làng, vỉa hè, xuống cả quốc lộ gây mất an toàn giao thông. 

Không ít người bị chó thả rông đuổi cắn, phải đi tiêm phòng mất hàng triệu đồng, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là trẻ em. Ví như 5 người bị chó cắn ở xã Ngọc Lý (Tân Yên) trong tháng 7 vừa qua đã phải tiêm phòng với chi phí gần chục triệu đồng.

Trước diễn biến bệnh dại trên đàn vật nuôi, ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Sở đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, TP thành lập các đoàn kiểm tra đôn đốc UBND cấp xã thống kê đàn chó, thực hiện biện pháp phòng chống dại. Chi cục Thú y chỉ đạo các trạm thú y tham mưu cho UBND các huyện, thành phố tổ chức tiêm phòng dại cho 100% đàn chó, mèo. Tăng cường kiểm soát việc lưu thông, vận chuyển, giết mổ chó không qua kiểm dịch”.

Theo Chi cục Thú y, thời điểm này thời tiết nắng nóng nên nguy cơ bệnh dại  phát sinh rất cao, nhất là trên đàn chó. Từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh dại đã xuất hiện trở lại, gây chết người ở trong tỉnh Bắc Giang và nhiều tỉnh, thành khác. Trong gần ba năm qua, toàn tỉnh có khoảng 7.000 người bị chó, mèo cắn.


Hải Minh 


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...