Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Bốn nhà” cần đồng hành

Cập nhật: 13:43 ngày 24/09/2014
(BGĐT) - Theo quyết định của Bộ Nông nghiệp Mỹ, từ ngày 6-10-2014, Việt Nam sẽ được xuất khẩu nhãn và vải thiều sang quốc gia này. Là “vựa” vải thiều của cả nước, Bắc Giang đã chủ động tiếp cận thị trường tiềm năng này như thế nào?

{keywords}

Vườn vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn). Ảnh: HÀ MI 


{keywords}
Nhiều cơ hội

Vải thiều, nhãn tươi của Việt Nam sẽ được xuất khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng được tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm: Được trồng trên vùng đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam theo dõi nhằm bảo đảm không có bệnh; sản phẩm phải được chiếu xạ để loại bỏ ký sinh trùng; mỗi lô hàng kèm theo chứng chỉ của Cục Bảo vệ thực vật xác định sản phẩm phù hợp với quy định. Ngoài ra, các sản phẩm trên còn phải tuân thủ quy định khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... 

Với tổng diện tích hơn 32,3 nghìn ha, trong đó có 8,5 nghìn ha vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Bắc Giang là vùng nguyên liệu vải thiều lớn và có chất lượng tốt nhất cả nước. Trước kia, thị trường xuất khẩu vải thiều tươi chủ yếu của tỉnh vẫn là Trung Quốc, bình quân mỗi vụ khoảng 40% tổng sản lượng. Do đó, việc Mỹ mở cửa cho vải và nhãn Việt Nam sẽ giảm sức ép và rủi ro khi chỉ tập trung vào một thị trường xuất khẩu.

Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ), vụ vải thiều năm 2014, đơn vị đã lựa chọn 10 tấn vải thiều Lục Ngạn để xử lý bảo quản bằng công nghệ CAS xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Qua kiểm tra của Công ty ABI (Nhật Bản), chất lượng quả vải cơ bản đạt tiêu chuẩn để đưa vào thị trường này. Giá từ 300 đến 650 yên/10 quả (tương đương từ 60 đến 130 nghìn đồng). Một số chuyên gia hoa quả Nhật Bản sau khi dùng thử đánh giá chất lượng vải thiều của Việt Nam hơn hẳn so với vải thiều Trung Quốc và Malaysia. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ CAS không những có thể đưa vải thiều tươi sang thị trường Nhật Bản mà còn có thể xuất khẩu sang Tây Âu, Ả rập Xê út... 
Rào cản trước mắt

Theo PGS. TS Lê Tất Khương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng thì vụ vải thiều vừa qua, khi khảo sát vùng nguyên liệu ở Lục Ngạn để thử nghiệm công nghệ CAS xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, dù là vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng không có nhiều hộ đáp ứng được yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, muốn xuất khẩu được vải thiều vào thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật Bản, Thụy Sỹ... thì phải sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn GlobalGAP và chỉ có thực hiện nghiêm các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn này thì vải thiều Bắc Giang mới có thể lọt qua được sự kiểm soát chặt chẽ ở các thị trường cao cấp. 

{keywords}

Dây chuyền chế biến vải thiều xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Bắc Giang.

Một số vấn đề nữa là vải thiều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ yếu qua các tiểu thương người Việt Nam và Trung Quốc nên rất tự phát. Vì vậy, muốn xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” hơn cần phải có sự vào cuộc của doanh nghiệp. Trước những yêu cầu khắt khe về chiếu xạ hay cách bảo quản, vận chuyển, hợp đồng, các tiểu thương khó có thể thực hiện được, cần có các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản được đầu tư nhà xưởng, máy móc, có nhiều kinh nghiệm trong việc xuất khẩu. 

Ông Phan Văn Thường, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC (Lạng Giang) cho biết: Chúng tôi rất quan tâm đến công nghệ bảo quản vải thiều CAS, đây có thể là chìa khóa để nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu. Một khi nông sản Bắc Giang vào được thị trường Nhật Bản thì cũng có thể “xâm nhập” hầu hết các thị trường khác trên thế giới. Song do vải thiều chín tập trung, mỗi vụ chỉ kéo dài khoảng hơn 1 tháng nên việc đầu tư hàng chục tỷ đồng cho một hệ thống bảo quản nông sản sẽ rất lãng phí. Vì vậy, Công ty đang tìm hiểu công nghệ này để không chỉ áp dụng với vải thiều mà còn bảo quản các nông sản khác trước khi xuất khẩu như: Dứa, thanh long…   

“Bốn nhà” đồng hành

"Với sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan, từ cuối năm 2014, huyện Lục Ngạn sẽ xây dựng vùng vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng diện tích hơn 100 ha. Đây sẽ là vùng nguyên liệu chính để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp mà trước hết là thị trường Mỹ và Nhật Bản". 

Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn

Hiện tại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở: Công thương, Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ... lập kế hoạch triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu vải thiều Bắc Giang, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho người dân vùng vải... 

Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng cũng sẵn sàng hỗ trợ chuyển giao công nghệ bảo quản vải thiều CAS cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu. Đồng thời, Viện có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận một số đối tác ở thị trường Nhật Bản. 

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có HTX Bình Minh (Việt Yên) đăng ký nhận chuyển giao công nghệ bảo quản CAS để ứng dụng với vải thiều, thịt tươi và một số nông sản khác. Một số doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cũng đã sẵn sàng liên kết với Bắc Giang, đứng ra làm đầu mối để xuất khẩu vải thiều sang các thị trường cao cấp.

Việt Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...