Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mất an toàn lao động trong chế biến gỗ

Cập nhật: 14:19 ngày 15/10/2014
(BGĐT) - Nghề chế biến gỗ hiện tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn người dân trong tỉnh Bắc Giang. Thế nhưng, cả chủ sử dụng lao động và người làm thuê đều xem nhẹ công tác an toàn dẫn đến nhiều vụ tai nạn xảy ra.  

{keywords}

Công nhân còn chưa mang đủ bảo hộ lao động tại xưởng gỗ thôn Mỹ Hưng, xã Tân Hưng (Lạng Giang). 

{keywords}

Chủ quan, tai nạn rình rập

Tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhiều hộ dân xã Đông Sơn (Yên Thế) đã đầu tư máy móc, nhà xưởng mở rộng nghề bóc gỗ. Đến nay, toàn xã có hơn 30 xưởng, tập trung tại các thôn Bến Trăm, Vi Sơn, Gia Bình. 

Ông Ngô Quang Sản, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết: "Du nhập về địa bàn từ năm 2008 và phát triển mạnh trong 2-3 năm gần đây, nghề bóc gỗ đã giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động. Riêng năm 2013, doanh thu toàn xã từ nghề này là 20 tỷ đồng, trừ chi phí thu hơn 8 tỷ đồng".

Hấp dẫn bởi lợi ích kinh tế song nghề bóc gỗ cũng tiềm ẩn không ít rủi ro đối với người lao động. Giữa tháng 8 năm nay, khi cho gỗ vào máy bóc, anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Gia Bình đã bị máy cuốn vào áo rồi xé mất mảng thịt dọc cánh tay khiến anh phải cấp cứu, chi phí điều trị hàng chục triệu đồng. Đến nay vết thương đã lành  nhưng mỗi khi nhắc lại anh Tuấn vẫn thấy nổi da gà. 

Do sơ sểnh, ông Vũ Văn Bẩy cùng thôn vừa bị máy bóc gỗ phạt mất ba ngón tay. Nghiêm trọng nhất là trường hợp anh Nông Văn Dũng ở thôn Vi Sơn bị điện giật chết tại một xưởng gỗ khi đang làm việc. Nguyên nhân do trong quá trình vận hành, máy bóc gỗ bị hở điện. 

Ông Đặng Văn Vương, Trưởng thôn Vi Sơn nói: "Trước đó, một số lao động phát hiện máy bị hở điện, sau nhiều lần đề nghị nhưng chủ xưởng vẫn chưa sửa nên họ đã nghỉ làm. Chẳng may đến lượt anh Dũng động vào máy thì xảy ra tai nạn". Ngoài Đông Sơn, tại xã Tân Hưng, Nghĩa Hưng, Hương Sơn (Lạng Giang), Nghĩa Phương (Lục Nam) cũng có nhiều trường hợp bị tai nạn khi làm việc tại các xưởng chế biến gỗ. Đơn cử anh Lê Văn Tống, thôn Mỹ Hưng, xã Tân Hưng bị mất hai ngón tay khi xẻ gỗ.

Mặc dù có nhiều vụ tai nạn xảy ra nhưng khi khảo sát tại các xưởng gỗ vào đầu tháng 10, chúng tôi thấy người lao động vẫn còn chủ quan. Tại cơ sở chế biến gỗ của anh Mã Trung Hiếu, thôn Mỹ Hưng, xã Tân Hưng (Lạng Giang), các lao động đang xẻ gỗ tại đây hầu hết không đeo khẩu trang, không đội mũ và đi chân trần.

Xưởng gỗ của anh Nguyễn Văn Tùng, thôn Bến Trăm, xã Đông Sơn có hai tổ máy, tạo việc làm cho gần 20 lao động. Bên cỗ máy cắt gỗ xoèn xoẹt, người lao động đều đặn đặt từng cây lớn vào cưa rồi phân thành đoạn có kích thước đều nhau trước khi đưa vào máy bóc. Kế đó, các  lao động dùng lưỡi dao sắc lẹm phạt loại bỏ phần gỗ xấu để phân loại… Làm việc với máy móc sử dụng điện, có nhiều dao, lưỡi cưa cắt, bụi, đầu mẩu gỗ văng ra… song nhiều lao động không đeo khẩu trang, mũ chống chấn thương sọ não, găng tay… theo quy định về an toàn lao động. Ông Nguyễn Quốc Hùng, thôn Bến Trăm cho biết: “Gần 5 năm bóc gỗ thuê, tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn xảy ra, đôi khi thấy sợ cũng muốn nghỉ việc. Thế nhưng, nhà đông người lại chỉ trông vào mấy sào ruộng, xin vào nhà máy xí nghiệp thì đã quá tuổi nên tôi phải gắng làm dù biết nghề này lắm rủi ro”.

Tuân thủ quy định an toàn lao động

Hiện toàn tỉnh có hàng trăm cơ sở chế biến gỗ, trong đó chủ yếu là xưởng sản xuất gỗ bóc, xẻ gỗ, tập trung tại huyện Lạng Giang, Lục Nam, Yên Thế. Đứng máy chính tại xưởng là các lao động trẻ, sức khỏe tốt; còn thu dọn phế - phụ phẩm dành cho người có độ tuổi trung niên song phần lớn không được đào tạo về quy trình vận hành máy mà thường “cầm tay chỉ việc”. Qua tìm hiểu thấy hệ thống máy sử dụng tại các xưởng phần lớn mua trôi nổi trên thị trường, nhiều máy không rõ nguồn gốc. 

Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, người sử dụng lao động có nghĩa vụ bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nhà xưởng tại nơi làm việc, phải có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy... 

Người lao động phải chấp hành các quy định, quy trình, nội quy về an toàn lao động có liên quan đến công việc được giao; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang bị, cấp phát... Nhưng trên thực tế, cả chủ và người lao động tại nhiều xưởng chế biến gỗ đều bỏ qua các quy định này.

Theo khuyến cáo, bộ phận bánh xích của máy cần phải che kín bởi dễ cuốn các vật dụng ở gần hoặc quần áo gây thương tích cho người vận hành nhưng các cơ sở đều để hở. Vì vậy đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm. Hơn nữa giữa người lao động và chủ xưởng gỗ đều không có hợp đồng lao động, khi xảy ra sự cố rủi ro thường tự thỏa thuận giải quyết với nhau nên cơ quan chức năng rất khó can thiệp, xử lý. 

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến nay chưa có số liệu thống kê chính xác song nhận định của ngành thì số vụ tai nạn trong lĩnh vực sản xuất và chế biến gỗ luôn ở mức cao so với một số ngành nghề khác. Ông Phạm Văn Mạnh, Trưởng thôn Bến Trăm, xã Đông Sơn cho biết: “Toàn thôn có khoảng chục trường hợp bị mất ngón tay, còn xây xát chân tay trong quá trình làm việc là chuyện xảy ra thường ngày”. 

Trước thực trạng trên, để giảm thiểu tình trạng mất an toàn lao động, các cơ sở chế biến gỗ cần trang bị hoặc yêu cầu người lao động tự trang bị những dụng cụ bảo hộ cần thiết khi làm việc như: Kính, khẩu trang, mũ chống chấn thương sọ não. Chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp cần tăng cường kiểm tra, yêu cầu các cơ sở sản xuất tuân thủ quy định; vận động các chủ xưởng ký hợp đồng, đóng bảo hiểm nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động; tuyên truyền, khuyến cáo để người dân có ý thức bảo vệ mình khi vận hành máy móc trong quá trình sản xuất.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...