Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Văn hóa phẩm độc hại vấy bẩn đạo đức xã hội: Kỳ II - Khó quản lý nhưng không thể buông

Cập nhật: 14:31 ngày 22/10/2014
(BGĐT) - Trước sức lây lan mạnh mẽ của văn hóa phẩm độc hại, ngành chức năng trong tỉnh Bắc Giang đã có nhiều cố gắng ngăn chặn, xử lý, song công tác đấu tranh gặp không ít trở ngại.  

{keywords}

 Học sinh chơi trò chơi bạo lực trên địa bàn thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế).

Siết chặt khâu kiểm tra

Thời kỳ công nghệ thông tin, xuất bản tiến bộ, các sản phẩm văn hóa độc hại dễ dàng xâm nhập, lan truyền với tốc độ nhanh khiến công tác kiểm soát của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Chỉ với máy tính kết nối Internet, một đầu thu kết nối với ti vi đã có thể truy cập vào địa chỉ phim, ảnh, truyện trái với thuần phong mỹ tục và các trang thông tin phản động, trong khi đó kỹ thuật quản lý của ngành chức năng luôn đi sau sự phát triển của công nghệ. Đại tá Lương Văn Đạo, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh) cho biết: Bắc Giang hiện có Đội kiểm tra liên ngành về lĩnh vực văn hóa. 

Tuy nhiên việc quản lý văn hóa phẩm độc hại ngày càng khó khăn, cam go hơn, bởi công nghệ đã vượt qua sự kiểm soát, các sản phẩm phát tán nhanh, tinh vi và biến đổi khôn lường, nhất là khi các đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ cao để phạm tội. Tuy nhiên không vì khó mà ngành chức năng "buông tay", lực lượng an ninh công nghệ cao, thanh tra liên ngành và các đơn vị chức năng đã tích cực vào cuộc. 

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, từ năm 2009 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 1.400 tài liệu có nội dung xấu (trong đó có 36 tài liệu do đối tượng nước ngoài phát tán, 684 tài liệu do đối tượng trong nước phát tán, số còn lại do các đối tượng trong tỉnh phát tán). Cùng đó, Công an tỉnh đã phối hợp kiểm tra, xử lý 755 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa vi phạm, thu giữ gần 30 nghìn băng, đĩa hình trái phép. Trong đó thu hồi 6 bộ đĩa VCD với 2 loại đĩa có tựa đề “Chân dung người phụ nữ Việt Nam" và “Huế - Sài Gòn - Hà Nội” có nội dung phản động do trung tâm ca nhạc ở nước ngoài sản xuất, phát tán. Ngoài ra, phát hiện, xử lý hơn 2.400 bản sách trái phép; điều tra, xử lý 83 đối tượng tuyên truyền văn hóa đồi trụy và một số tội phạm khác, trong đó có 14 đối tượng sử dụng công nghệ cao phạm tội…

Cũng theo thống kê của ngành công an, 5 năm qua, lợi dụng sự phát triển nhanh chóng của Internet, các thế lực thù địch, chống đối ở nước ngoài đã sử dụng 63 đài phát thanh, 88 nhà xuất bản, trên 400 báo, tạp chí, khoảng 500 trang web, blog, mạng xã hội tuyên tuyền chống phá nhà nước và chế độ ta. Riêng năm 2012, trên Internet có 32 trang web, blog nước ngoài đưa tin sai sự thật, bình luận suy diễn, nói xấu, chia rẽ nội bộ, xuyên tạc làm sai lệch bản chất sự việc, kích động lôi léo nhân dân chống đối chính quyền… 

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý văn hóa phẩm độc hại còn những khó khăn, hạn chế do hoạt động phối hợp, quản lý văn hóa phẩm chưa tốt, việc kiểm tra, xử lý chưa triệt để. Đặc biệt, khi các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng văn hóa, công nghệ thông tin, văn học nghệ thuật để tiến hành âm mưu "Diễn biến hòa bình", "xâm lăng văn hóa" và phá hoại tư tưởng. 

Tăng sức đề kháng

Ở một số nước phương Tây có những kênh riêng dành cho người lớn, trẻ em được giáo dục không xem phim này. Ở nước ta, trong mỗi gia đình, công tác tuyên truyền, giáo dục rất quan trọng, giúp mỗi người phân biệt, chọn lọc các sản phẩm văn hóa có lợi, nâng cao nhận thức và cách ứng xử trước những sản phẩm độc hại. Trong giáo dục cần chú ý bồi dưỡng giá trị thẩm mỹ, những giá trị văn hóa tốt đẹp truyền thống, lòng yêu nước và sâu xa hơn là cuộc đấu tranh tạo sức đề kháng bảo vệ nền văn hóa dân tộc.

{keywords}

Thời kỳ kỹ thuật số và “mạng hóa” toàn cầu khiến cho văn hóa phẩm độc hại tràn lan, theo con người đến mỗi gia đình, thậm chí đến tận đầu giường thông qua các thiết bị điện tử cầm tay nên rất khó ngăn chặn, ngay cả đối với nước triển như Mỹ. Do vậy, vấn đề là mỗi người dân phải biết cách phân biệt, chọn lọc loại hình văn hóa và chung sống như thế nào để không bị tác động tiêu cực tới tâm lý, tư tưởng, đạo đức và hành vi”.


Đại tá Lương Văn Đạo, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Bắc Giang) 

Công an là lực lượng quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động phát tán các sản phẩm văn hóa độc hại trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, cùng với công an, các ngành chức năng liên quan tăng cường kiểm soát bảo đảm an ninh mạng, kiểm tra các điểm kinh doanh Internet, game online và kiên quyết dẹp bỏ, chấm dứt kinh doanh đối với những cơ sở vi phạm. 

Tuy nhiên để giải quyết từ gốc của vấn đề cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp, nhất là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục cho lớp trẻ theo hướng tiếp thu có chọn lọc những mặt tiến bộ, loại bỏ những cái xấu, cái ác. Cần chú trọng cả ba yếu tố: Gia đình, nhà trường và xã hội trong chọn lọc và tiếp thu văn hóa, bởi đó là môi trường có tác động mạnh mẽ đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Thường xuyên duy trì phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và các phong trào thi đua yêu nước. 

Bên cạnh đó, đầu tư phương tiện, thiết bị và các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại qua mạng Internet; bồi dưỡng nâng cao trình độ, có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ làm công tác văn hóa, tư tưởng. Đồng thời nâng cao trách nhiệm, quản lý chặt chẽ các nhà mạng cung cấp dịch vụ Internet trong việc bài trừ văn hóa phẩm độc hại. 

Chị Nguyễn Thị Kim Dung, Bí thư Tỉnh đoàn cho rằng: Nhiều thanh, thiếu niên chưa có đủ bản lĩnh, quyết tâm vượt qua sự lôi kéo của những sản phẩm văn hóa độc hại, do vậy việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội cần được chú trọng hơn, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, bởi tâm lý lứa tuổi này chưa ổn định. 

Vì thế nhà trường, đoàn thanh niên cần tăng cường phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi bổ ích, qua đó giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử văn hoá và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Còn theo ông Nguyễn Trọng Bắc, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, việc xây dựng hạnh phúc gia đình, gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho trẻ em phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ và thẩm mỹ phụ thuộc rất nhiều vào các bậc phụ huynh. Qua đó nâng cao ý thức phòng ngừa từ mỗi gia đình nhằm tẩy chay sản phẩm văn hoá độc hại, bảo vệ các giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Nhóm PV VHXH

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...