Thứ tư, 08/05/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương sở tại

Cập nhật: 10:12 ngày 24/10/2014
(BGĐT)- Nhu cầu sử dụng cát, sỏi làm vật liệu xây dựng ngày càng tăng, nhất là thời điểm hiện nay là mùa khô nên nhiều cá nhân ngang nhiên khai thác trái phép. 

{keywords}
Vải thiều, lúa của các hộ dân thôn Tòng Lệnh 1, xã Trường Giang (Lục Nam) sạt lở, trôi sông, trong khi các tàu hút cát đỗ cách đó không xa.

Tài sản của dân trôi sông

Theo phản ánh của một số hộ dân ở thôn Tòng Lệnh 1, xã Trường Giang, huyện Lục Nam (Bắc Giang), thời gian qua, nạn khai thác cát trái phép hoành hành trên sông Lục Nam làm thiệt hại tài sản, đe dọa cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây. Một ngày giữa tháng 10, chúng tôi “mục sở thị” khu vực này. Bờ bãi người dân đang canh tác tan hoang, sạt lở xuống sông dài tới vài chục mét cuốn theo cây ăn quả, lúa, hoa màu... 

Bà Lại Thị Tuệ, thôn Tòng Lệnh 1 và nhiều người dân khác chỉ cho chúng tôi những cây vải thiều đổ chỏng trơ vẫn còn lấp ló giữa lòng sông trong sự xót xa. Bà Tuệ nói: “Gia đình tôi sống ở ven sông Lục Nam. Hàng chục năm nay, diện tích đất bãi vẫn trồng vải thiều, hoa màu. Do một số chủ tàu ngày đêm liên tục dùng vòi hút cát thành hàm ếch nên tháng 8 vừa qua bãi canh tác của gia đình tôi bị sạt lở chừng 20 m cuốn trôi gần 20 cây vải thiều, hoa màu và 4 bụi tre ven sông chắn lũ, bão, thiệt hại cả trăm triệu đồng”.

Khu vực này là bến bồi, đất bãi, phù sa pha cát bồi đắp qua nhiều thế kỷ nên việc hút cát trái phép còn tăng nguy cơ làm sập nhà ở của một số hộ dân. Cách khu sạt lở chưa đầy 10m là nhà bà Tuệ và nhà bà Nguyễn Thị Tỉnh đang chênh vênh bên miệng “hà bá”. 

Trước đó, ngày 29-9, bà Ngô Thị Huấn ở cùng thôn ra bờ sông đuổi tàu hút cát đúng lúc lũy tre chắn sóng sạt lở khiến bà ngã nhào xuống sông, được người thân phát hiện cứu kịp thời mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần. “Thời gian gần đây, gia đình tôi mất ăn, mất ngủ vì lo tàu hút cát làm cuốn trôi tài sản. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, cứ đà này chẳng mấy chúng tôi mất hết nhà cửa, đất đai. Vì vậy, nhiều tháng nay tôi phải cầm đơn kêu cứu khắp các cơ quan”, bà Huấn nói. 

Không chỉ nhà ở, đất sản xuất, ngay cả trạm bơm cạnh đó cung cấp nước cho hàng trăm ha lúa, hoa màu của 3 thôn cũng đứng trước nguy cơ trôi xuống sông bất cứ lúc nào. Một số xã khác trên địa bàn huyện Lục Nam như Bắc Lũng, Yên Sơn cũng xảy ra tình trạng tương tự. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh hiện có 10 doanh nghiệp, HTX được cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông trên các tuyến sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam chảy qua địa bàn các huyện: Hiệp Hoà, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động. Do nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng ngày càng tăng nên ngoài những đơn vị được cấp phép hoạt động, nhiều tổ chức, cá nhân gia tăng khai thác cát, sỏi trái phép. 

Trách nhiệm của chính quyền sở tại

Theo ông Ngô Trí Dũng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường), năm nay số vụ khai thác cát, sỏi trái phép tuy giảm hơn so với năm trước nhưng hoạt động vẫn phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Đặc biệt, ở một số nơi, chính quyền cơ sở có biểu hiện “nể nang”, thậm chí làm ngơ cho người thân khai thác trái phép… dẫn đến tình trạng “nhờn” luật. 

Ông Vũ Trí Học, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Nam cho biết: Do xã Trường Giang cách xa trung tâm huyện, giáp với xã Phượng Sơn (Lục Ngạn), đối tượng khai thác cát trái phép là công dân huyện Lục Ngạn nên khi thấy cán bộ Phòng lên đến nơi là các chủ tàu lại chạy sang bờ sông bên kia, rất khó xử lý. Ngoài những nguyên nhân trên, một số huyện giáp ranh có sông chảy qua đã có quy chế phối hợp quản lý cát, sỏi song hầu hết chưa có tàu chuyên dụng nên khó ngăn chặn và hiệu quả thấp. 

Trước nạn khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp, tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các huyện phải quyết liệt xử lý dứt điểm. Dự thảo Đề án Quản lý, bảo vệ và khai thác cát, sỏi lòng sông giai đoạn 2014-2020 của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy định: “Huyện uỷ, HĐND, UBND cấp huyện, xã để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép trên 1 tháng mà không giải toả, truy quét, xử lý được thì phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh. Chủ tịch UBND cấp xã nơi có sông chảy qua ký cam kết về trách nhiệm quản lý cát, sỏi lòng sông với Chủ tịch UBND cấp huyện”. 

Mới đây, UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Kiểm tra và xử lý khai thác cát, sỏi trái phép do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Thanh Sơn làm trưởng ban; các ban, ngành tỉnh là thành viên làm nhiệm vụ chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, TP thực hiện nghiêm túc các quy định quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi; tham mưu, đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác cát sỏi kéo dài nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời. 

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hiện nay, Sở đã hoàn thành dự thảo đề án “Quản lý, bảo vệ và khai thác cát, sỏi lòng sông giai đoạn 2014 – 2020” trình UBND tỉnh phê duyệt. Mục tiêu nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu từ huyện đến xã. Ngoài ra, Sở tiếp tục đôn đốc các huyện, TP tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; tịch thu phương tiện và khởi tố các vụ vi phạm nghiêm trọng”. 

Theo đề án này, UBND các huyện, TP phải có quy chế phối hợp quản lý khoáng sản vùng giáp ranh; xử lý theo pháp luật các trường hợp vi phạm và hiện tượng "tiếp tay" cho các chủ thuyền cát. Đồng thời, bố trí kinh phí hợp lý để trang bị phương tiện chuyên dụng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hải Minh - Văn Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...