Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quản lý chặt thuốc thúc chín hoa quả

Cập nhật: 14:09 ngày 27/10/2014
(BGĐT) - Thông tin nhiều loại hoa quả chín quá nhanh do sử dụng thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc khiến không ít người tiêu dùng lo ngại bị ảnh hưởng sức khỏe.
{keywords}

Quầy hàng bán thuốc dấm quả tại chợ Phố, thị trấn Kép (Lạng Giang).

Dễ dàng mua hàng... cấm

Biết chúng tôi muốn mua thuốc dấm quả, một số người kinh doanh tại chợ Mọc, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) chỉ ra dãy bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nằm trên vỉa hè gần cổng chợ. Quầy bán không treo biển, một số sản phẩm được bày trên mặt tủ còn đa phần đựng trong tủ. 

Khi hỏi mua 100 lọ thuốc dấm chuối, bà chủ cửa hàng nhanh tay lôi từ trong ngăn tủ ra bọc túi bóng chứa những lọ nhựa nhỏ màu trắng đục bằng ngón tay út, ngoài vỏ lọ được ghi bằng chữ  Trung Quốc và có chữ tiếng Việt là “điền phong”. Theo lời bà, bán cho khách từ sáng đến giờ chỉ còn hơn chục lọ. Dạo này, trời bắt đầu trở lạnh, dấm bằng cách thông thường quả lâu chín, mã xấu, nhiều người tìm mua thuốc dấm nên hàng bán chạy hơn. Muốn lấy đủ 100 lọ thì ngày mai quay lại, hiện bà chỉ còn 10 lọ bán cho tôi với giá 18 nghìn đồng. 

Không chỉ chợ Mọc, tại chợ Vôi (thị trấn Vôi), chợ Triển (xã Mỹ Thái), chợ Bằng, xã An Hà (Lạng Giang) chúng tôi cũng dễ dàng mua được loại thuốc này. Một số cửa hàng dùng bút dạ ghi ở ngoài vỏ túi bóng đựng các lọ nhỏ hướng dẫn sử dụng pha 1 lọ với 3 lít nước. Tuy nhiên, đa phần những người bán mặt hàng này đều dặn dò người mua muốn quả chín nhanh (sau một ngày) thì một lọ chỉ pha với một lít nước trong chậu rồi nhúng quả vào. Còn hai ngày thì pha một lọ với hai lít nước hoặc nhỏ 1-2 giọt vào cuống quả. 

Theo chỉ dẫn của người bán, chúng tôi lấy một nải chuối xanh nhúng vào chậu nước đã pha thuốc. Chỉ sau hai ngày cả nải quả đã ngả màu vàng ươm rất bắt mắt. Thử với đu đủ, hồng, cà chua chúng tôi cũng thu được kết quả tương tự. 

Thông tin về sử dụng thuốc dấm quả khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, hạn chế mua hoa quả ở chợ để bảo vệ sức khỏe. Chị Trần Thị Ly, thị trấn Vôi (Lạng Giang) nói: “Từ khi nghe một số người nói dấm quả bằng thuốc hôm trước hôm sau chín vàng ươm, tôi lo lắm nên chỉ hỏi mua sản phẩm của người quen, họ hàng. Đôi khi phải mua cả buồng chuối xanh mang về nhà cho chín dần để ăn”.

Cần phân tích rõ các thành phần hóa chất

Để tìm hiểu về loại thuốc này, chúng tôi mang số lọ “điền phong” mua ở chợ về trao đổi với ông Dương Văn Lợi, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT). Dù chưa lấy mẫu phân tích song ông Lợi khẳng định vỏ hộp giấy chứa những lọ nhựa này ghi là “thúc chín tố” và trong các lọ nhỏ đó chứa hoạt chất Ethephon. Hoạt chất này không độc hại khi dùng dấm quả như một số người lo ngại. Kết quả phân tích của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), thuốc này không màu, không mùi, chứa hoạt chất chính là Ethephon có tác dụng điều hòa sinh trưởng thực vật. Các nghiên cứu về độc tính của  Ethephon cho thấy hoạt chất này thuộc nhóm không gây ung thư cho người. 

{keywords}

Thuốc dấm quả có nguồn gốc từ Trung Quốc dễ dàng mua được tại nhiều chợ nông thôn.

Tuy nhiên có thể gây hại đối với mắt, gây kích ứng, đỏ, xót mắt nếu bị thuốc bắn vào trong quá trình sử dụng hoặc thuốc sẽ ăn mòn, gây sưng, đỏ da nếu tiếp xúc trực tiếp. Hiện chưa có nghiên cứu nào xác nhận về nguy cơ gây ung thư hay ảnh hưởng đến cơ quan khác trong cơ thể. 

Cũng theo ông Lợi, mặc dù hoạt chất được phép sử dụng nhưng các loại thuốc thương phẩm (ví như “điền phong”) không có nguồn gốc rõ ràng, chưa được đăng ký tại Việt Nam thì vẫn là hàng vi phạm. Do đó, khi phát hiện Chi cục xử lý theo quy định là thuốc ngoài danh mục. Lý giải việc nhiều người dễ dàng mua được loại thuốc nhập lậu trên thị trường, trong khi từ đầu năm đến nay Chi cục mới xử phạt một trường hợp vi phạm liên quan đến thuốc thúc chín tố, ông Dương Văn Lợi cho biết: “Theo quy định, khi đến kiểm tra, chúng tôi không có quyền lục soát, khám xét. Thế nên gặp tình huống người bán giấu hàng đi hoặc vắng mặt thì chúng tôi rất khó xử lý”. 

Hiện Ethephon là hoạt chất mới được bổ sung vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và chỉ dùng trên thực vật với liều lượng nhất định, tuyệt đối không dùng cho thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, phụ trách Phòng Thanh tra Chi cục BVTV khẳng định: “Năm nay, tình trạng sử dụng thuốc thúc chín tố để dấm hoa quả giảm nhiều so với vài năm trước. Hiện còn khoảng 30% lượng hoa quả trên thị trường sử dụng loại này”. Việc dễ dàng mua thuốc dấm hoa quả trái phép trên thị trường cộng với không ai kiểm soát được quy trình sử dụng và liều lượng thì nguy cơ dùng hóa chất không đúng cách rất cao. Một số người lo ngại nếu thuốc còn tồn dư trên quả khi đi vào cơ thể có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bởi rất khó để phân biệt quả dấm bằng thuốc hay không (?).

Như vậy, hoạt chất Ethephon không độc hại nếu dùng với liều lượng và quy trình đúng. Tuy nhiên, người tiêu dùng đặt câu hỏi lọ thuốc dễ dàng mua được ngoài chợ có đúng là Ethephon hay chất gì khác, hoặc ngoài thành phần Ethephon còn có hóa chất gì độc hại hay không? Trước những thông tin thất thiệt về sự độc hại của loại thuốc dấm hoa quả đang được lưu hành vừa công khai, vừa lén lút trên thị trường, cơ quan chức năng cần kiểm tra, xét nghiệm để đưa ra thông tin rõ ràng, đầy đủ để người dân yên tâm. 

Cùng đó, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, quản lý chặt từ cửa khẩu, đường biên; tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh rau quả sử dụng đúng mục đích hoạt chất Ethephon trong danh mục thuốc được đăng ký, cấp phép lưu hành có hướng dẫn chi tiết.

Trịnh Lan - Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...