Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sáng kiến, cách làm hay trong công tác mặt trận: Kỳ 1 - Mầm sáng kiến từ trong nhân dân

Cập nhật: 08:06 ngày 17/11/2014
(BGĐT) - Làm thế nào để nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào chung ở cộng đồng dân cư; làm sao khơi dậy được ý chí, phát huy nội lực của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; có cách gì hiệu quả trong việc vận động nhân dân hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi?… Đó là những trăn trở, suy nghĩ đang đặt ra trong công tác mặt trận hiện nay.
{keywords}
Phong trào dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu đang được triển khai ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ảnh: Cánh đồng mẫu lớn tại xã Tiến Dũng (Yên Dũng). Việt Hưng

{keywords}

Để có câu trả lời, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức cuộc thi “Sáng kiến, cách làm hay trong công tác mặt trận”, qua đó đã tìm ra những cách làm thiết thực, hiệu quả trên địa bàn dân cư. Thì ra, sáng kiến không phải ở đâu xa, không phải là cái gì khó tìm, mà mầm sáng kiến từ chính nhân dân, trong nhân dân.   

Công khai, minh bạch trong bồi thường, giải phóng mặt bằng

Phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) là một trong những phường có tốc độ đô thị hóa nhanh. Việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp, chỉnh trang đô thị đã tác động không nhỏ đến đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn. Để nhân dân hiểu và tự giác giải phóng mặt bằng là một việc không đơn giản. 

Hơn 10 năm làm công tác mặt trận, ông Đỗ Xuân Cung, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ phường, hiện là Trưởng ban công tác mặt trận Tổ dân phố Đồng Cửa, phường Lê Lợi nhận thấy, có những chủ trương chính sách đúng đắn, nhưng khi phổ biến đến người dân lại nảy sinh mâu thuẫn. Giải quyết sao đây? Căn cứ vào nghị quyết của Đảng ủy, MTTQ phường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là hội nghị tại khu dân cư nhằm quán triệt đến từng hộ gia đình, cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân thấm nhuần chủ trương, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước về bồi thường, giải phóng mặt bằng; nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của các dự án đối với sự phát triển của quê hương. 

Đồng thời, công khai niêm yết các chế độ, chính sách đền bù thu hồi đất, đơn giá... ở trụ sở UBND, nhà văn hóa để nhân dân biết và thực hiện. Bên cạnh đó, Mặt trận và các tổ chức thành viên phân công cán bộ xuống các khu dân cư phối hợp với cấp ủy, tổ dân phố và các đoàn thể tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt tình hình tư tưởng của nhân dân để phản ánh với các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Đối với những gia đình thực hiện đúng tiến độ được biểu dương kịp thời; trường hợp cố tình gây khó khăn, cản trở, cán bộ gặp gỡ, phân tích, thuyết phục.

Với tinh thần kiên trì, trách nhiệm cao, đồng thời phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, của những người có uy tín trong khu dân cư, phường Lê Lợi đã thực hiện thành công việc giải phóng mặt bằng gần chục dự án lớn như: Khu thương mại, dịch vụ Tuấn Mai; chợ Tiền Môn; Tiểu khu Đồng Cửa; cải tạo hồ bánh kẹo, hồ Cúc Mần... mà chưa có trường hợp nào phải cưỡng chế.

Góp công, góp của xây dựng nông thôn mới

Hiến đất là việc làm rất ý nghĩa trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ phong trào này, nhân dân các địa phương trong tỉnh đã hiến hơn 600.000 m2 đất, trị giá hàng trăm tỷ đồng để làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng. 

Ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn (Tân Yên), khi vận động, cán bộ mặt trận đứng ra "có lời" với bà con trong các cuộc họp. Nghe xong, nhiều người gật gù, tâm đắc: "Trong kháng chiến, bao người còn xung phong đi bộ đội, sống chết không màng, tiền vàng còn đóng góp cho cách mạng huống chi vài mét đất bỏ ra làm đường phục vụ cho chính bà con và con cháu mình".

{keywords}
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân là một trong những hoạt động góp phần xây dựng khu dân cư vững mạnh. Ảnh: Biểu diễn văn nghệ chào mừng Ngày hội tại thôn Công Thành, xã Quang Tiến (Tân Yên). Anh Tuấn.

Cũng với cách làm này và suy nghĩ như vậy, ông Đặng Hồng Kế, thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) mặc dù mắc bệnh hiểm nghèo, bản thân là bệnh binh, kinh tế gia đình còn rất khó khăn nhưng ông không ngần ngại hiến hơn 80m2 mà không nhận bất cứ đồng nào. Tương tự, hơn 100 hộ dân thôn Chấn Sơn, xã Liên Sơn (Tân Yên) cũng đã đồng loạt hiến 18.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Còn rất nhiều những tấm gương đã không vì chút lợi ích cá nhân mà quên đi tập thể, tự nguyện hiến đất, góp công, góp của… xây dựng nông thôn mới. 

Ở nông thôn, rác thải, vệ sinh môi trường là một trong những vấn đề nan giải. Trước thực trạng này, MTTQ xây dựng mô hình “ Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”. Với những cách làm sáng tạo, hơn 1000 khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng được mô hình này, góp phần làm thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi xả rác bừa bãi của người dân. Có một thực tế, ở nhiều nơi, nhân dân đổ rác đúng quy định, có xe chở rác hàng ngày mà môi trường vẫn bẩn. Qua nghiên cứu, ông Nguyễn Ngọc Tuyết, Bí thư chi bộ thôn Nội Hạc, xã Việt Lập (Tân Yên) đã có sáng kiến sử dụng thùng rác thủng, sau đó buộc túi ni-long dưới đáy thùng, treo cách mặt đất chừng hơn 1mét. 

Với kiểu thùng rác này, súc vật sẽ không bới bẩn, lôi rác ra môi trường xung quanh; nước rỉ rác cũng được chảy xuống túi ni-long, dễ dàng cho việc thu gom để đổ xuống cống, không chảy ra đường mỗi khi xe rác đi qua. Sáng kiến của ông Tuyết đã được nhiều người dân trong thôn, xã áp dụng. 

Hay như ông Dương Văn Cảnh, thôn Phi Mô, xã Phi Mô (Lạng Giang) đã thành công với mô hình tự chế lò đốt rác gia đình mà chi phí chỉ hết khoảng 200 nghìn đồng nhưng rất hiệu quả. Cách thức vận hành đơn giản, từ cháu nhỏ đến người già đều có thể làm được. Đến nay, toàn xã Phi Mô đã xây được gần 1000 lò đốt rác. Sáng kiến của ông Cảnh đã đem lại lợi ích lớn cho cộng đồng dân cư. Từ đây, công tác bảo vệ môi trường ở xã có những chuyển biến tích cực, đường làng ngõ xóm cơ bản sạch sẽ, không còn hiện tượng vứt rác bừa bãi.

Trong quy hoạch đồng ruộng, giao thông thủy lợi phục vụ xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở thôn Tân Mỹ, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng), cán bộ, đảng viên phụ trách từng xóm. Mọi quy định đều được đưa ra họp bàn, công khai dân chủ trong Chi bộ trước, sau đó đến các đoàn thể, nhất là người cao tuổi, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên... Khi đã có sự đồng thuận từ cán bộ, đảng viên thì việc triển khai đến nhân dân sẽ không còn là vấn đề lớn nữa. Hiện nay, trên những cánh đồng của thôn, đường giao thông rộng rãi, bà con đưa máy móc xuống tận ruộng, ô tô đỗ thu mua nông sản sát bờ.

Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng

Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động từ năm 2000 đã khẳng định ý nghĩa thiết thực và giá trị nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, làm thế nào để các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tích cực và tự nguyện hưởng ứng là điều không đơn giản. Quan điểm xuyên suốt mà MTTQ tỉnh thực hiện đó là phải công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng và trúng đối tượng người nghèo. Từ cách làm này và sự sáng tạo, cách làm hay ở mỗi địa phương, đơn vị, qua hơn 10 năm thực hiện, “Quỹ Vì người nghèo” các cấp đã nhận được khoảng 184 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ hơn 9000 hộ nghèo cải thiện nhà ở, tặng quà Tết cho 235.000 lượt gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đây là “điểm nhấn” trong công tác Mặt trận thời gian qua, được nhân dân ghi nhận.

Ông Ngô Trí Thành, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 2, phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang) có sáng kiến trong việc xây dựng đô thị sáng, lắp bóng điện đến từng ngõ. Tuy nhiên khi triển khai, chỉ tính riêng tiền mua cột bê tông đã là 2,5 triệu đồng mỗi cột, tương đương với gần nửa cây vàng vào thời điểm năm 2007, tính ra mỗi hộ phải đóng gần 2 chỉ vàng, đây là số tiền lớn đối với đa số hộ dân. Cái khó ló cái khôn, sau nhiều lần họp lên bàn xuống, các hộ quyết định mua sắt thép, xi măng, cát sỏi về tự đúc cột. 

Người góp công, người góp của, người xung phong chuyên chở vật liệu không lấy công. Vậy là những buổi tối lao động để đúc cột, lắp bóng lại trở thành ngày hội của cả tổ dân phố. Khi hạch toán, giảm được 3/4 chi phí, mỗi hộ chỉ phải đóng hơn 600.000 đồng. Từ 10 cột thử nghiệm, đến nay cả tổ có 30 cột tương đương với 30 bóng cao áp, chiếu sáng đến 100% ngõ ngách, phủ đến gần 300 hộ dân. Khi hoàn thành, tổ dân phố giao vài hộ quản lý một bóng điện, mưa bão các hộ chủ động be bịt, bóng hỏng bỏ tiền túi để thay. 

Như vậy, người dân tự làm, có giá thành rẻ, quản lý được, lại sử dụng tiết kiệm, hợp lý. Có điện cao áp chiếu từng ngõ ngách, đời sống văn minh hẳn, vừa tốt cho an ninh, lại thuận tiện đi lại ban đêm, trẻ em, người già có chỗ vui chơi, đàm đạo ngay nhà, góp phần đưa tổ dân phố số 2 đạt danh hiệu văn hoá cấp tỉnh 8 năm liền.

Chỉ chưa đầy một năm kể từ ngày phát động, Ban tổ chức đã nhận được 1.150 sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của MTTQ các cấp. Đây quả là con số ấn tượng thể hiện sự chung sức, đồng lòng và đầy trách nhiệm của những người làm công tác mặt trận, của nhân dân và cộng đồng khu dân cư.

  (Còn nữa)

Thu Hương - Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...