Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khai thác khoáng sản: Khó quản lý sau cấp phép

Cập nhật: 14:16 ngày 21/11/2014
(BGĐT) - Được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng nhiều tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật là thực trạng khá phổ biến hiện nay ở Bắc Giang. Thậm chí, một số bị tạm dừng hoặc tước giấy phép khai thác nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.

{keywords}

Đoạn sông Lục Nam đã cấp phép cho Công ty Thành Thảo (đang bị tạm dừng hoạt động) luôn có hàng chục tàu khai thác cát. (Ảnh chụp lúc 11 giờ ngày 11-11-2014).

Đình chỉ, tước giấy phép vẫn hoạt động

Khoảng 10 giờ ngày 11-11, có mặt tại khu vực khai thác đất của ông Vũ Văn Thịnh, thôn Nghè 1, xã Tiên Nha (Lục Nam), chúng tôi chứng kiến khu đồi bị đào nham nhở. Ông Thịnh được Sở Tài nguyên và Môi trường chấp thuận cho san gạt mặt bằng, hạ cốt nền từ ngày 21-10 đến 23-11-2014 với độ sâu 2,5m nhằm tận dụng khối lượng đất dư thừa làm đường giao thông nông thôn trong xã. Thế nhưng, nhiều ngày gần đây, gia đình ông lắp cầu cảng trên sông Lục Nam rồi vận chuyển đất xuống thuyền đưa ra khỏi địa bàn tiêu thụ. 

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, ngoài việc không sử dụng đất đúng mục đích, ông Thịnh còn chưa kê khai, nộp thuế theo quy định, không đăng ký phương tiện khai thác, vận chuyển đất với chính quyền địa phương... Tổ công tác liên ngành huyện Lục Nam đã lập biên bản đình chỉ, yêu cầu ông Thịnh chấm dứt vi phạm, hoàn thiện các thủ tục theo quy định. 

Nhiều ngày gần đây, đoạn sông Lục Nam chảy qua các xã: Tiên Nha, Trường Giang, Cương Sơn (Lục Nam) luôn có hàng chục tàu cuốc, tàu hút cát hoạt động suốt ngày đêm. Khoảng 11 giờ ngày 11-11, có mặt tại đoạn sông giáp ranh giữa thôn Nghè 1, xã Tiên Nha và thôn Vườn, xã Cương Sơn chúng tôi ghi nhận gần 10 tàu cuốc, tàu hút đang khai thác cát trên sông, nhiều tàu còn tiến sát bờ, tiếng máy nổ đinh tai nhức óc gây bức xúc cho người dân địa phương. Nhiều người dân và cán bộ xã Tiên Nha cho biết đây là điểm đã được cấp phép của Công ty TNHH Thành Thảo (Công ty Thành Thảo), đơn vị này đã bị Sở Tài nguyên và Môi trường đình chỉ khai thác hơn hai năm nay nhưng không hiểu sao vẫn hoạt động  (?).

{keywords}

Mặc dù chưa kê khai, nộp thuế nhưng gia đình ông Vũ Văn Thịnh, thôn Nghè 1, xã Tiên Nha (Lục Nam) vẫn khai thác lượng lớn đất đem bán (ảnh chụp ngày 11-11-2014).

Cũng có điểm được cấp phép trên đoạn sông này từ năm 2010 nhưng tháng 8-2012, Doanh nghiệp tư nhân Quang Hùng, thôn Kim 1, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) bị tạm đình chỉ khai thác để hoàn thiện thủ tục pháp lý như: Cắm biển báo mốc giới khu vực khai thác, thiết kế mỏ, lập dự án cải tạo phục hồi môi trường và đóng các khoản thuế, phí liên quan. Đến nay, dù chưa khắc phục xong vi phạm nhưng doanh nghiệp này vẫn khai thác trở lại.  

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm 

Thống kê của Phòng Tài nguyên - Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường), từ năm 2010 đến nay toàn tỉnh có 32 tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó có 7 đơn vị bị tạm dừng khai thác, 6 đơn vị bị tước giấy phép với các lý do như: Chưa thực hiện đầy đủ việc cắm biển báo, mốc giới khu vực được khai thác tại thực địa; không có thiết kế mỏ được phê duyệt, không thực hiện hoặc không lập đầy đủ cam kết bảo vệ môi trường, chưa ký hợp đồng thuê đất; không thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản khu vực được cấp phép để các đối tượng khai thác trái phép kéo dài...  Thế nhưng, một số doanh nghiệp bị tạm dừng không chịu khắc phục sai phạm mà vẫn lén lút khai thác cát sỏi, đất làm thất thoát hàng tỷ đồng thuế, phí tài nguyên môi trường; phá vỡ cảnh quan, sạt lở bờ bãi, đê điều. 

{keywords}
Huyện Lục Nam có 45 chủ thuyền hút cát, hơn 300 lao động hành nghề nhưng không có tổ chức, cá nhân nào được cấp phép khai thác dẫn đến xung đột lợi ích, khó giải quyết dứt điểm. Việc thành lập HTX là biện pháp hữu hiệu giúp nâng cao công tác quản lý khoáng sản, tránh thất thoát tài nguyên, tạo việc làm, thu nhập cho người dân”.

Ông Lê Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam
Ngoài ra, do đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản chủ yếu là người nơi khác đến gây ra xung đột về lợi ích với người dân địa phương.

Nhằm khắc phục bất cập trên, mới đây, UBND huyện Sơn Động và UBND huyện Lục Nam đã quyết định thành lập các HTX kinh doanh vật liệu xây dựng, tập hợp các tàu chuyên khai thác cát, sỏi trái phép tại các xã Yên Định (Sơn Động), Yên Sơn, Cương Sơn (Lục Nam) trình Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông trên địa bàn. 

Đến nay, HTX sản xuất vật liệu xây dựng Yên Định đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác, chấm dứt tình trạng “khoáng tặc” lộng hành, hai HTX còn lại cũng đang tích cực hoàn thiện thủ tục xin cấp phép. 

Ông Ngô Xuân Chung, Trưởng Phòng Tài Nguyên - Khoáng sản khẳng định: “Để quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản sau cấp phép, phòng tiếp tục phối hợp với thanh tra ngành kiểm tra thường xuyên và đột xuất các doanh nghiệp, đề xuất xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm. Doanh nghiệp vi phạm chưa khắc phục mà tiếp tục khai thác có thể sẽ bị thu hồi giấy phép”.  Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý sau cấp phép, chính quyền các huyện, TP cần tăng cường kiểm tra, kịp thời tham mưu với UBND tỉnh tước giấy phép đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng kéo dài.

Văn Thương - Hải Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...