Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quản lý, vận hành công trình nước sạch: Kỳ I - Đầu tư nhiều, hiệu quả ít

Cập nhật: 14:37 ngày 26/11/2014
(BGĐT) - Với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, miền núi, những năm qua, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh Bắc Giang được đầu tư xây dựng hơn 100 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Tuy nhiên, chỉ có một số công trình phát huy tác dụng, còn lại phần lớn rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc thi công dang dở.  
{keywords}

Trạm cấp nước sạch xã Quang Minh (Hiệp Hòa) bảo đảm cấp nước cho người dân trong xã.

Công trình hiệu quả ít

Nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chất lượng cuộc sống người dân ở một số nơi đã được cải thiện đáng kể. Tiếp chúng tôi tại trụ sở, ông Vũ Xuân Đăng, Chủ tịch UBND xã Quang Minh (Hiệp Hòa) vặn nước từ vòi vào cốc mời khách rồi vui vẻ nói: “Đây là nước được dẫn trực tiếp từ công trình nước sạch của xã. Ngọt mát không kém nước đóng chai chính hãng đâu đấy”.  

Theo lời ông Đăng, trước đây bà con trong xã chủ yếu dùng nước giếng khoan và nước lấy từ sông Cầu để sinh hoạt. Thế nhưng dòng sông Cầu trong xanh ngày nào đã bị ô nhiễm do hoạt động khai thác cát sỏi tràn lan và rác thải, chất thải trong quá trình sản xuất, sinh hoạt đổ xuống. Nhiều người dân trong xã bị bệnh ngoài da, đường tiêu hóa. 

Trong khi nước sông không sử dụng được thì nguồn nước ngầm cũng bị nhiễm sắt, vôi nặng. Năm 2002, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng được xây dựng tại xã. Sau khi thi công hết phần vốn của Nhà nước thì phải dừng lại bởi việc thu vốn đối ứng của người dân gặp  khó khăn. 

Để bù đắp số vốn còn thiếu, lãnh đạo UBND xã, một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã vận động và được Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam hỗ trợ không hoàn lại hơn 80 nghìn đô la cùng công nghệ, quy trình xử lý nước. Công trình được tiếp tục thi công trở lại, hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2009. Ngày khánh thành trạm cấp nước, cả xã vui như có hội.

Bà Dương Thị Phương, thôn Hương Thịnh cho biết: “Gia đình tôi có 6 khẩu, mỗi tháng dùng 15m3 nước sinh hoạt. Có nước sạch, gia đình tôi yên tâm, không còn lo lắng khi phải sử dụng nước giếng, nước sông không bảo đảm vệ sinh như trước kia”. 

Theo kết quả rà soát của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) và Sở Tài chính, trong tổng số hơn 100 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được xây dựng thì chỉ có 22 công trình hoạt động hiệu quả (chiếm 21,8%) còn lại là cầm chừng, kém hiệu quả hoặc “đắp chiếu”.

Để bảo vệ và sử dụng công trình hiệu quả, UBND xã thành lập Ban quản lý Trạm nước sạch gồm 6 người có chuyên môn về kỹ thuật điện, nước. Ban chịu trách nhiệm thu phí sử dụng nước hằng tháng của các hộ dân, vận hành, sửa chữa các hạng mục khi cần thiết. Ông Vũ Thế Hùng, Trưởng Ban quản lý Trạm nước sạch xã Quang Minh cho hay: “Định kỳ chúng tôi dành một khoản kinh phí để duy tu bảo dưỡng công trình, tránh hỏng hóc, xuống cấp. Hơn 5 năm qua, công trình luôn cấp nước ổn định cho gần một nghìn hộ dân trong xã”.

Được quản lý, vận hành bài bản, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Tiến Dũng (Yên Dũng) cũng phát huy hiệu quả từ khi đưa vào sử dụng đến nay. Năm 2011, UBND tỉnh bố trí vốn xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nơi đây với các hạng mục như: Bể thu nước từ sông Thương, cụm xử lý nước, đường ống dẫn nước thô, mạng lưới đường ống phân phối nước với tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng. Trong đó, 70% từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn còn lại là ngân sách tỉnh và nhân dân đối ứng. 

Ông Nguyễn Thế Mừng, thôn Ninh Xuyên nói: “Chúng tôi như thoả cơn khát khi nước sạch dẫn đến nhà. Tôi xây bể rộng 3m3 để chứa nước dùng hằng ngày, chỉ cần vặn vòi là có nước dùng”. Nguồn nước ổn định, chất lượng tốt nên đến nay, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn đang triển khai dự án đấu nối, mở rộng phạm vi cấp nước cho xã Cảnh Thụy cùng huyện với kinh phí đầu tư hơn 5 tỷ đồng. 

Có công trình nước sạch tiền tỷ, dân vẫn khát 

Thường xuyên thiếu nước trong mùa khô, nhiều thời điểm người dân bản Nà Hin, xã Vân Sơn (Sơn Động) phải gạn từng vốc nước ở khe suối về để ăn uống. Nhằm khắc phục tình trạng này, năm 2006, hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung được khởi công xây dựng. Khi thấy nhà thầu xây xong tràn qua suối, bể chứa nước tại các điểm dân cư, đào rãnh chôn ống dẫn nước, người dân trong xã khấp khởi mừng thầm vì ngỡ được dùng nước sạch đến nơi. 

{keywords}
Bể thu nước của công trình nước sạch thôn Nòn, thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động) bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Tuy nhiên, niềm mong mỏi của người dân không thành hiện thực do quá trình xây lắp kéo dài, đoạn lắp ống, đoạn không; chỗ để lộ thiên, chỗ thì lấp kín. Sau mấy trận mưa rừng, đường ống dẫn nước bị đứt các mối nối, trôi dạt rồi thất lạc. Người dân thắc mắc thì đơn vị thi công cho biết dự án hết vốn. Nguồn nước ngầm tại các bản của xã Vân Sơn bị vẩn đục, có mùi khó chịu, đóng cặn ở đáy xoong nồi. Để có nước cho sinh hoạt hằng ngày, nhiều hộ dân phải góp tiền mua đường ống dẫn nước từ những ngọn núi cao, cách bản gần chục cây số song rất ít hộ có điều kiện lắp đường ống như vậy. Hiện nay hàng trăm hộ trên địa bàn xã sống gần công trình vẫn đang chật vật tìm nguồn nước.

Không chỉ ở vùng cao, tình trạng nhiều công trình nước sạch ở miền xuôi cũng cám cảnh không kém. Là một trong những nơi có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng toàn quốc, làng chuyên giết mổ trâu bò Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh (Việt Yên) được ưu tiên đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung để cải thiện điều kiện sống của người dân. 

Khởi công từ năm 2009, công trình có tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hơn 12,6 tỷ đồng còn lại vốn đối ứng của người dân. Sau nhiều năm thi công, đến nay, công trình vẫn chưa thể vận hành mặc dù ngân sách trung ương, tỉnh đã cấp gần 14 tỷ đồng, công trình gần như đã hoàn tất. 

Theo ông Đỗ Văn Vấn, Chủ tịch UBND xã, nguyên nhân là do nhà thầu đề nghị xã đứng ra thu của người dân “vốn ban đầu đối với công trình nước sạch” với mức 2,5 triệu đồng/hộ nhưng xã chưa nhất trí. Cũng vì thế, nhiều hộ dân trong thôn hằng ngày vẫn phải mua nước đóng bình ở các đại lý để đun nấu bởi nước giếng bị nổi váng. 

Có thể kể ra nhiều công trình cấp nước đã được đầu tư xây dựng nhưng các hộ dân vẫn “khát” nước sạch. Đơn cử như công trình dẫn nước sạch thôn Mòng và thôn Trạm, xã Xa Lý (Lục Ngạn) dù được xây dựng trên đỉnh núi cao khá công phu song  giờ đây bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều đoạn ống bị đứt vỡ, hư hỏng nặng. Nước tại bể chứa, bể xử lý nổi váng đen. 

Hàng loạt các công trình khác tại thôn Bài, xã An Lạc (Sơn Động), thôn Thác Dèo, xã Phú Nhuận, thôn Hố Bông, xã Kiên Lao (Lục Ngạn), xóm Chồi, xã Lục Sơn (Lục Nam)... cũng ngừng hoạt động. Mỏi mòn ngóng nước sạch song không có kết quả, cực chẳng đã, nhiều hộ quay lại dùng nước giếng khoan, giếng khơi hay nước sông, suối.

(Còn nữa)

Nhóm PVKT

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...