Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Xung quanh vấn đề cấp giấy phép lái xe ở Bắc Giang: Củng cố từ đào tạo đến sát hạch

Cập nhật: 14:20 ngày 12/12/2014
(BGĐT) - Lĩnh vực đào tạo, cấp giấy phép lái xe của tỉnh Bắc Giang thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Không chỉ khắc phục được tình trạng quá tải ở các cơ sở dạy nghề lái xe như trước đây mà chất lượng đào tạo từng bước  nâng lên. Thế nhưng, công tác đào tạo lái xe vẫn còn những bất cập, hạn chế, rất cần sự nhìn nhận, quan tâm đúng mức của các cơ sở đào tạo, người học, nhất là ngành chức năng.

{keywords}

Sát hạch lái xe ô tô tại Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Bắc Giang.

Năng lực tăng, chất lượng được nâng lên

Những năm gần đây, các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, tuyển dụng nhân lực từng bước tăng năng lực đào tạo nhằm chống quá tải, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. 

Theo Sở Giao thông-Vận tải, lưu lượng đào tạo lái xe ô tô của tỉnh hiện nay là 3.010 học viên, tăng khoảng 1.000-1.500 học viên so với năm 2010, 2011. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo cũng được chú trọng. Năm 2012, sau khi Bộ Giao thông-Vận tải ban hành Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông, Sở Giao thông-Vận tải xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện, xác định rõ mục đích yêu cầu, những vấn đề cấp thiết trong quản lý, đào tạo, cấp giấy phép lái xe và lộ trình, đơn vị, bộ phận thực hiện cụ thể. 

Công tác quản lý sát hạch cũng có nhiều đổi mới. Ban Quản lý sát hạch lái xe cơ giới đường bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trong việc bố trí kế hoạch ôn luyện, kế hoạch sát hạch hợp lý, đáp ứng yêu cầu. Việc xét duyện hồ sơ dự sát hạch được thực hiện nghiêm túc, hạn chế sai sót, nhầm lẫn. Đặc biệt, tại các phòng thi lý thuyết đều có camera giám sát; thi thực hành lái xe ô tô hoàn toàn tự động với chế độ chụp ảnh ngẫu nhiên để chống gian lận trong thi cử.

Với sự nỗ lực từ nhiều phía, 11 tháng năm 2014, các cơ sở đã đào tạo được 5.727 học viên lái xe ô tô và 42.627 lái xe mô tô. Sở Giao thông-Vận tải tổ chức 315 kỳ sát hạch, kết quả, tỷ lệ đạt yêu cầu qua sát hạch đối với ô tô 82,63%, đối với xe mô tô 88,52%. Trên cơ sở đó, đơn vị đã cấp giấy phép lái xe cho các học viên đạt yêu cầu, nâng tổng số giấy phép lái xe các hạng đã cấp trên địa bàn tỉnh đến nay là 803.089 giấy.   

Những băn khoăn

Một phần không nhỏ người học giấy phép lái ô tô hạng B2 và 100% người học hạng C trở lên xác định theo nghề lái xe như các nghề nghiệp khác trong xã hội. Thế nhưng, thực tế có lẽ hiếm nghề nào lại có thời gian đào tạo ngắn như lái xe (trung bình khoảng 3-5 tháng học tập trung đối với hạng B2 và C). Sau khi có giấy phép lái xe hạng B2 và C cùng một số điều kiện khác sẽ được phép thi nâng hạng để lấy giấy phép lái xe hạng D,E,F... 

Một số nghề như may công nghiệp, thợ thủ công…có thể học trong vài tháng nhưng đây là những ngành nghề lao động giản đơn, việc ai đó không thạo nghề cũng không “cháy nhà, chết người”. Riêng đối với nghề lái xe ô tô chở khách hay chở hàng hóa, khi đã cầm vô lăng mà không thạo nghề, không nắm được quy định của pháp luật giao thông, vận tải chắc chắn sẽ gây nguy hiểm tới tài sản, tính mạng cho không chỉ riêng mình. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 cơ sở đào tạo lái mô tô và lái xe ô tô từ hạng B đến E, Fc gồm: Trường Trung cấp nghề Giao thông - Vận tải Bắc Giang, Trường Trung cấp nghề số 1 Bắc Giang, Trường Trung cấp nghề Xương Giang (Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang), Phân hiệu 2 Trường Trung cấp Kỹ thuật phòng không - không quân, Trường Trung cấp nghề số 12 Bộ Quốc phòng, Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe Đức Trung (Lạng Giang). 

Đáng quan tâm là thời gian đào tạo lái xe mô tô (hạng A1) chỉ gói gọn trong khoảng một ngày (quy định hiện nay là 12 giờ). Trong khi đó, đối tượng học lái mô tô lại rất đa dạng về độ tuổi, trình độ, nhận thức; hệ thống báo hiệu đường bộ hiện có tới hàng trăm biển báo và các quy tắc giao thông. Với thời gian đào tạo ngắn như vậy, việc nắm được các quy định của pháp luật về giao thông là điều không đơn giản. Mới đây, tại kỳ sát hạch lái xe mô tô tại một cơ sở đào tạo có học viên chỉ trả lời được 2/20 câu hỏi trong khi để được cấp giấy phép lái xe mô tô cần trả lời được tới 16/20 câu hỏi lý thuyết và thực hành đạt yêu cầu. 

Việc chấp hành quy định về đào tạo lái xe của nhiều cơ sở dạy nghề còn chưa nghiêm. Sở Giao thông-Vận tải thời gian qua đã kiểm tra, phát hiện những lỗi tồn tại nhiều năm nay tại một số cơ sở dạy lái xe như: Thực hiện chưa đủ nội dung chương trình đào tạo lái xe cả phần lý thuyết và thực hành; quản lý học viên chưa nghiêm.

Ở một số lớp học, học viên vắng mặt còn nhiều, đặc biệt là các lớp đào tạo lái xe mô tô, thời gian học lý thuyết ở các khóa đào tạo lái xe ô tô. Vấn đề này thật đáng lo ngại bởi khả năng tự cập nhật kiến thức pháp luật nói chung, Luật Giao thông đường bộ nói riêng của người dân rất hạn chế. Thế nhưng, ngay từ khi mới tiếp cận pháp luật về giao thông đã có tư tưởng chủ quan, thích dễ dãi, không chú trọng tới việc học lý thuyết để nắm được những quy định, quy tắc giao thông cơ bản thì khi tham gia giao thông khó có thể biết được những điều cấm, cảnh báo hay chỉ dẫn trên đường. 

Những bất cập, hạn chế nêu trên là nguyên nhân sản sinh ra một bộ phận không nhỏ lái xe (nhất là người điều khiển mô tô) không nắm bắt được những quy định pháp luật về giao thông (biển báo, quy tắc giao thông) mặc dù đã qua kỳ sát hạch và được cấp bằng. Quan sát tại những nơi giao cắt có chia làn đường và hệ thống đèn tín hiệu giao thông không khó để bắt gặp những trường hợp người điều khiển phương tiện rẽ trái nhưng lại đi vào phần đường dành cho người đi thẳng hoặc rẽ phải; các trường hợp tránh vượt không đúng quy định, không biết thế nào là đường ưu tiên, nhường đường cho phương tiện khác khi chuyển hướng...11 tháng năm nay, mặc dù tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm trước nhưng kết quả trên có bền vững và điều đáng lo ngại hiện nay là hầu hết các vụ tai nạn là do đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt sai; không nhường đường, chuyển hướng sai; vi phạm quy định về tốc độ chạy xe…

Như vậy, có thể khẳng định, các vụ tai nạn giao thông trên ít nhiều có liên quan tới công tác đào tạo lái xe hiện nay. Lý do là nếu các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm các quy định, uốn nắn học viên kịp thời chắc chắn người học sẽ có nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật hơn.

Kiến nghị, đề xuất

Chương trình đào tạo lái xe xác định rõ mục tiêu đào tạo là dạy người lái xe nắm được các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, có đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn. Trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển, thu nhập của người dân tăng, phương tiện giao thông công cộng lại chưa tiện dụng như hiện nay, việc sử dụng phương tiện cá nhân (ô tô, mô tô) trong xã hội còn cao. Vì vậy, thời gian tới, nhu cầu học bằng lái xe của người dân còn rất lớn. Bảo đảm chất lượng cấp phép lái xe sẽ là nhiệm vụ lâu dài của ngành giao thông vận tải vì các mục tiêu nêu trên và khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác đào tạo, cấp phép lái xe hiện nay. 

Theo đó, vấn đề trước tiên là tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung, yêu cầu của Đề án nâng cao chất lượng đào tạo cấp phép lái xe do Bộ Giao thông-Vận tải ban hành năm 2012. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải nói: “Sở xác định hai nhiệm vụ trọng tâm đó là tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở đào tạo trong việc chấp hành các quy định nhà nước về lĩnh vực này, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm và siết chặt khâu sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiên quyết không để những trường hợp yếu kém qua sát hạch”. 

Đây là nhiệm vụ không đơn giản, yêu cầu các bộ phận, phòng, ban liên quan công tâm, khách quan, không vì bất cứ lý do gì mà bao che, dung túng sai phạm của các cơ sở trong quá trình đào tạo lái xe; không để học viên qua kỳ sát hạch không bằng đúng năng lực, kiến thức của mình.   

Đi đôi với các biện pháp trên, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người có nhu cầu học lái xe cũng là vấn đề quan trọng. Chừng nào những người này còn tư tưởng đi học để đủ điều kiện được thi hoặc lợi dụng các mối quan hệ để không phải học lý thuyết thì chừng ấy chất lượng đào tạo khó bảo đảm được. Học viên học lái xe cần ý thức rõ việc trang bị kiến thức pháp luật về giao thông, làm chủ phương tiện là phục vụ chính mình chứ không phải học lấy bằng lái xe để “bằng  chúng bạn” hay đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra hành chính. 

Sau một thời gian dài quá tải tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh thì nhu cầu học lái xe hiện nay lại chỉ bằng khoảng 60-70% so với lưu lượng đào tạo được cấp phép của các cơ sở. Như vậy “cung” tại chỗ đã vượt quá xa “cầu”, đó là chưa kể các cơ sở ở các tỉnh lân cận cũng tổ chức tuyển sinh tại Bắc Giang. Điều này dẫn tới việc cạnh tranh ngày càng gay gắt trong tuyển sinh lái xe giữa các cơ sở dạy nghề. 

Mặc dù vậy, các cơ sở đào tạo lái xe nên xác định rõ trách nhiệm của mình, đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu, không chạy theo số lượng, lợi nhuận mà dễ dãi trong tuyển sinh, buông lỏng quản lý trong thời gian đào tạo, nhằm xóa bỏ tư tưởng chọn cơ sở đào tạo dễ dãi khi có nhu cầu học lái xe của người dân.

Nhóm Phóng viên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...