Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Điểm yếu trong quản lý vật tư, nông sản

Cập nhật: 17:21 ngày 26/12/2014
(BGĐT) - Thiết bị, phương tiện hiện đại giúp phát hiện nhanh những vi phạm về chất lượng vật tư, nông sản, là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trong lĩnh vực này chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

{keywords}

Lấy mẫu thóc giống kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh giống, phường Xương Giang (TP Bắc Giang).


Có kết quả phân tích, hàng đã tiêu thụ hết

Mỗi năm, đoàn kiểm tra liên ngành chất lượng vật tư nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì được phân bổ khoảng 60 triệu đồng để kiểm tra chất lượng các loại vật tư nông nghiệp bao gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)... 

Không có đủ trang thiết bị, đơn vị phải gửi các mẫu ra một số trung tâm kiểm định chuyên ngành ở Hà Nội phân tích. Chi phí phân tích có mẫu lên đến cả triệu đồng nên lượng mẫu được kiểm tra rất hạn chế. Đây cũng chính là điểm yếu để nhiều doanh nghiệp lợi dụng làm ăn chụp giật, thực hiện chiêu thức tinh vi đưa vật tư kém chất lượng trà trộn vào thị trường. Vì vậy không ít nông dân mất tiền mua phải vật tư rởm. 

Đơn cử, gia đình bà Hoàng Thị Chí, thôn Tân Lập, xã Thượng Lan (Việt Yên) bị thất thu hơn 2 sào ớt vụ xuân năm nay do mua phải giống kém chất lượng. Cuối tháng 8 vừa qua, mặc dù làm theo hướng dẫn trên bao bì song một số hộ dân xã Chu Điện và thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) bị thiệt hại khoảng 4 ha hoa màu do phun thuốc trừ sâu Eagle 36WDG.

Không có trang thiết bị chuyên dụng tại chỗ khiến các cơ quan quản lý bị động trong công việc. Nhiều vụ, nông dân đã gieo mạ, cấy diện tích lớn nhưng kết quả phân tích các mẫu giống vẫn chưa có. Ông Đào Xuân Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Nhiều lần đơn vị lấy mẫu một số nông sản tươi sống ở chợ để kiểm tra chất lượng. Sau 7-10 ngày mới có kết quả phân tích thì hàng hóa đã được tiêu thụ hết, rất khó xử lý”. Ngoài ra, các mẫu thức ăn chăn nuôi, thủy sản hoặc bệnh phẩm trong lĩnh vực thú y cũng đều phải gửi ra Hà Nội phân tích bởi tại tỉnh chưa có đơn vị nào đủ năng lực thực hiện.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất

Thực tế, để chủ động quản lý chất lượng sản phẩm, một số đơn vị trong tỉnh đã đầu tư kinh phí xây dựng và mua sắm trang thiết bị phân tích mẫu vật tư. Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, mỗi năm, Công ty cung ứng ra thị trường từ 1-1,5 nghìn tấn thóc giống, 300-500 tấn giống rau màu các loại. 

{keywords}

Công tác kiểm tra chất lượng vật tư, sản phẩm nông nghiệp bị hạn chế một phần do thiếu trang thiết bị kỹ thuật. Để có được thiết bị phân tích một số chỉ tiêu cơ bản về chất lượng vật tư nông nghiệp cần số tiền đầu tư lớn. Vì vậy mà nhiều năm qua, trong đề án phát triển Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, Sở thường xuyên đề xuất đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phân tích mẫu vật tư nông nghiệp, mẫu nước song đến nay chưa được bố trí vốn”. 


Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
Để chọn tạo ra loại giống có chất lượng cao, Công ty cử cán bộ đi đào tạo, đầu tư hơn 500 triệu đồng mua sắm trang thiết bị hiện đại. Đến nay, phòng kiểm nghiệm của doanh nghiệp là đơn vị duy nhất của tỉnh được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận đủ điều kiện phân tích, cấp giấy chứng nhận chất lượng giống cây trồng. Ông Đỗ Duy Đông, Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Từ khi đầu tư trang bị thiết bị bảo đảm tiêu chuẩn, đơn vị kiểm soát được chất lượng giống trước khi cung ứng đến nông dân. Nhờ vậy, tạo được sự tin tưởng cũng như uy tín của người dân với Công ty”.

Là tỉnh nông nghiệp, mỗi năm toàn tỉnh gieo cấy hàng trăm nghìn ha cây trồng các loại, tổng đàn vật nuôi, diện tích thủy sản rất lớn nên nhu cầu sử dụng lượng giống, phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi khá cao. Ngoài nông sản cung cấp tại chỗ, nhiều sản phẩm đưa từ các tỉnh, thành khác và nước ngoài vào tiêu thụ trong tỉnh. Từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành chất lượng vật tư nông nghiệp tỉnh phát hiện và xử lý hơn 30 trường hợp vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm nhãn mác trong kinh doanh các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, phân bón, thuốc thú y. 

Trong khi đó, toàn tỉnh có hàng nghìn cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, chưa kể hoạt động theo kiểu “buôn thúng, bán mẹt” mỗi mùa vụ; hàng chục hãng thức ăn chăn nuôi cũng tham gia cung ứng tại địa bàn nên dù lực lượng chuyên ngành nỗ lực ngăn chặn và xử lý vi phạm thì với điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn khó có thể kiểm soát hết. 

Việc kiểm tra chất lượng các mặt hàng vật tư, nông sản có ý nghĩa lớn với người tiêu dùng cũng như người sản xuất. Tại buổi làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với UBND tỉnh Bắc Giang vừa qua, một số đại biểu cho rằng cần trang bị phương tiện cho các đơn vị quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nông sản của tỉnh. 

Việc này sẽ giảm tải lượng mẫu gửi phân tích lên tuyến trên, hỗ trợ cơ quan chuyên môn chủ động trong công việc cũng như kiểm tra được nhiều mẫu, kịp thời ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm. Qua đó, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực này tại địa phương, góp phần làm lành mạnh thị trường vật tư nông nghiệp, làm lợi cho người tiêu dùng. Trong điều kiện kinh phí của tỉnh còn eo hẹp nên ưu tiên hạng mục cấp thiết.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...