Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Minh bạch trong xét danh hiệu nghệ nhân

Cập nhật: 13:48 ngày 20/01/2015
(BGĐT) - Hội đồng xét duyệt danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh Bắc Giang lần thứ Nhất, năm 2015 vừa tổ chức kỳ xét duyệt lần đầu tiên. Phóng viên phỏng vấn ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh xung quanh vấn đề này. 

{keywords}

Chèo là một trong 7 lĩnh vực có hồ sơ của cá nhân đề nghị công nhận danh hiệu nghệ nhân.

Xin ông đánh giá về tính cấp thiết của việc công nhận danh hiệu nghệ nhân lần này?

Ông Nguyễn Thế Chính: Như chúng ta biết, di sản văn hóa phi vật thể chủ yếu được lưu truyền bằng hình thức truyền khẩu. Vì thế, nghệ nhân có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại, phát triển của các di sản này. Họ chính là “linh hồn”, là “báu vật sống” trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Vấn đề công nhận nghệ nhân và chế độ đãi ngộ đối với họ đã được dư luận quan tâm từ lâu. Trước đây, ngành đã nghiên cứu xây dựng dự thảo “Quy chế xét tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian tỉnh Bắc Giang” và lập hồ sơ, danh sách những người đủ tiêu chuẩn đề nghị công nhận nghệ nhân dân gian và NNƯT. Tuy nhiên, thời điểm đó công tác này gặp những rào cản vì thiếu cơ sở pháp lý và văn bản hướng dẫn từ T.Ư.

Hiện nay công tác lập hồ sơ ở tỉnh ta được triển khai đến đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Chính: Việc xét duyệt danh hiệu NNƯT hiện được triển khai theo Nghị định 62/2014/NĐ-CP, ngày 25- 6-2014 của Chính phủ. Để bảo đảm chất lượng cũng như tiến độ, Sở VHTT&DL đã tổ chức tập huấn, đồng thời cử cán bộ chủ động phối hợp với các địa phương hướng dẫn cá nhân lập hồ sơ; tổ chức lấy ý kiến tại cộng đồng dân cư đối với các nghệ nhân đề nghị xét tặng. 

{keywords}

Liền anh Phú Hiệp (phải) và Đăng Nam trong một lần biểu diễn tại Pháp.

Phối hợp với các huyện, thành phố đề xuất, giới thiệu những nghệ nhân đủ tiêu chuẩn đề nghị Hội đồng cấp tỉnh xét duyệt. Kết quả với 70 hồ sơ được gửi lên, Hội đồng cấp tỉnh đã bỏ phiếu chọn được 18 hồ sơ trình Hội đồng cấp Bộ xem xét tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền.

Vậy, quá trình thực hiện ngành có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông? 

Ông Nguyễn Thế Chính: Với số lượng hồ sơ tương đối lớn, trong khi để công nhận danh hiệu nghệ nhân cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, có người đáp ứng tiêu chuẩn này nhưng nội dung khác lại không đạt, đòi hỏi Hội đồng phải thực sự công tâm, khách quan. Quá trình xét duyệt Sở đã nhận được đơn kiến nghị của một cá nhân và câu lạc bộ văn nghệ thôn Hữu Nghi, xã Ninh Sơn (Việt Yên). 

Để giải quyết và làm rõ những vấn đề còn khúc mắc tại địa phương, Sở VHTT&DL đã cử tổ thẩm định về làm việc, qua đó giải thích thỏa đáng ý kiến của công dân.

Nhiều người băn khoăn về tính khách quan, công bằng trong xét duyệt, ngành đã làm gì để lựa chọn được người thực sự xứng đáng?

Ông Nguyễn Thế Chính: Có thể nói, quy trình xét duyệt lần này khá chặt chẽ từ cơ sở. Thực hiện các hướng dẫn của Bộ VHTT&DL, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh và Tổ Thư ký giúp việc; phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh tuyên truyền, phố biến nội dung Nghị định số 62 của Chính phủ, các văn bản liên quan. 

Kịp thời đăng tải danh sách cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu và kết quả xét chọn của Hội đồng cấp tỉnh trên Báo Bắc Giang, Đài PT&TH tỉnh, đồng thời lấy ý kiến nhân dân.

Việc xét duyệt danh hiệu này đòi hỏi tỷ lệ phiếu rất cao, hồ sơ nào chỉ có 9/11 phiếu là đã bị loại. Hội đồng nhận được 70 hồ sơ đăng ký, căn cứ vào các tiêu chí quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 7, Nghị định số 62 của Chính phủ, 18 hồ sơ thuộc 7 lĩnh vực gồm (vật thờ, dân ca quan họ, Cao Lan, Sán Chí, tuồng, dệt thổ cẩm, chèo) đã được Hội đồng nhất trí thông qua với tỷ lệ từ 90% số phiếu bầu trở lên gửi lên hội đồng cấp Bộ, rồi cấp Nhà nước tiếp tục bình xét. 

{keywords}

Bà Trạc Thị Ngọn - một trong 18 người được đề nghị công nhận nghệ nhân lần này.

Cả hai cấp này, danh sách các nghệ nhân sẽ tiếp tục đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong 15 ngày, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, rồi Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu.

Theo quy định, khi được công nhận, nghệ nhân sẽ có quyền lợi và nghĩa vụ gì thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Chính: Công nhận danh hiệu nghệ nhân sẽ tạo cơ sở để các đối tượng này được hưởng chế độ ưu đãi nhằm duy trì và phát triển lĩnh vực của mình. Bên cạnh đó, sẽ tạo động lực để họ đào tạo đội  ngũ nghệ nhân kế cận, hợp tác để làm tư liệu, thường xuyên biểu diễn để phổ biến nghệ thuật của mình đến với công chúng và để phát triển hơn nữa tri thức và kỹ năng của mình. 

Quyền lợi và nghĩa vụ của nghệ nhân được quy định tại Nghị định số 62 như: Được nhận Huy hiệu, Giấy chứng nhận của Chủ tịch nước và tiền thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; đối với nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng theo quy định của Chính phủ. Kèm theo đó là nghĩa vụ như: Không ngừng hoàn thiện tri thức và kỹ năng; tích cực truyền dạy, phổ biến tri thức và kỹ năng; các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về di sản văn hóa. 

Với quyền lợi và sự động viên ấy, hy vọng các nghệ nhân có thêm động lực để cống hiến cho việc bảo tồn văn hóa dân tộc. Những người chưa được xét tặng NNƯT đợt này hãy tích cực duy trì truyền dạy kỹ năng cho lớp trẻ, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc và đáp ứng tiêu chuẩn những lần xét duyệt tiếp theo.

Trân trọng cảm ơn ông! 

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...