Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi

Cập nhật: 17:30 ngày 18/04/2017
(BGĐT)-Mới đây, Tổng cục Hải quan công bố số liệu nhập khẩu thịt lợn về Việt Nam làm cho người chăn nuôi không khỏi lo lắng.
Cụ thể, từ ngày 1-1 đến ngày 15-3 Việt Nam nhập gần 7.800 tấn thịt lợn các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD, tăng gần 16% về lượng và 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi kg thịt lợn có giá chỉ 27.000 đồng/kg (trên thị trường thịt lợn đang được bán phổ biến ở mức giá 50-60 nghìn đồng/kg tùy từng loại). Ngoài ra, nước ta còn nhập khẩu nhiều loại thịt khác như 20,6 nghìn tấn thịt gà, chiếm tỷ trọng hơn 50% tổng lượng thịt các loại nhập khẩu về Việt Nam, trị giá gần 19 triệu USD (giá 21.000 đồng/kg); thịt trâu bò các loại với 11,8 nghìn tấn, chiếm tỷ trọng 29%, trị giá 35 triệu USD (gần 70.000 đồng/kg)…
Có lẽ không chỉ người chăn nuôi mà các nhà quản lý cũng không thể không quan tâm trước thông tin trên, nhất là trong bối cảnh từ trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay, lợn thịt  dồn ứ không xuất đi được (giá lợn hơi ở dưới giá thành). Từ giá thịt lợn đã kéo giá các sản phẩm chăn nuôi, thậm chí cả thủy sản xuống mức rất thấp làm người chăn nuôi hòa hoặc lãi không đáng kể, thậm chí là lỗ vốn. Hy vọng có thể phục hồi hoạt động chăn nuôi sớm sau một thời gian trầm lắng của người dân giờ đây khó có thể trở thành hiện thực được khi các loại thịt được nhập khẩu vào nước ta có giá chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với giá sản phẩm cùng loại (tươi sống) đang được bán trên thị trường. 
Bắc Giang là tỉnh có thứ hạng trong chăn nuôi của cả nước. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, đàn lợn của tỉnh hiện có khoảng 1,1 triệu con, đứng thứ 3 toàn quốc (sau Hà Nội và Đồng Nai); đàn gia cầm 14 triệu con, đứng thứ 4 toàn quốc (sau Hà Nội, Nghệ An và Thanh Hóa). Những năm qua, chăn nuôi đã tạo việc làm, thu nhập cho hàng vạn hộ dân trên địa bàn. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, giá thành sản phẩm chăn nuôi của Bắc Giang hiện còn khá cao nên làm giảm sức cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.
Lợi thế của ngành chăn nuôi hiện nay là thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam là thích sử dụng các sản phẩm tươi sống (không thích dùng các sản phẩm đông lạnh). Thế nhưng, một khi thói quen tiêu dùng thay đổi thì lợi thế này sẽ không còn. Vì vậy, vấn đề nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi là yêu cầu cấp thiết. Một loại các vấn đề ngành chăn nuôi phải quan tâm hiện nay là làm sao để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh. 
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, để làm được điều đó trước hết cần kiểm soát tốt nguồn giống đưa vào sản xuất bởi giống tốt sẽ là tiền đề quan trọng để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Tiếp đó là việc xây dựng quy trình chăn nuôi chuẩn, an toàn. Đây là vấn đề không kém phần quan trọng bởi chỉ khi áp dụng quy trình chăn nuôi khoa học mới giảm được chi phí thức ăn, thuốc thú y và phòng tránh dịch bệnh cho vật nuôi hiệu quả. Cuối cùng là hạn chế sự phụ thuộc vào thức ăn chăn nuôi công nghiệp bằng cách tự phối trộn một phần thức ăn chăn nuôi bằng các loại ngũ cốc sẵn có. Làm được như vậy, tin rằng ngành chăn nuôi sẽ phát triển bền vững.
Huy Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...