Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Anh Nguyễn Quốc Vương, tác giả cuốn sách "Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản": Sứ mệnh của giáo viên trong "Cải cách từ dưới lên"

Cập nhật: 10:32 ngày 22/11/2016
(BGĐT) - Anh Nguyễn Quốc Vương, quê xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) hiện là nghiên cứu sinh ngành Giáo dục lịch sử tại Nhật Bản vừa ra mắt cuốn sách "Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản" thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Trả lời phỏng vấn Báo Bắc Giang, anh chia sẻ những trăn trở về giáo dục hiện nay và vai trò hết sức quan trọng của người giáo viên trong việc thúc đẩy cải cách giáo dục. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
{keywords}

Anh Nguyễn Quốc Vương.

Thưa anh, đọc nhiều bài báo cũng như những chia sẻ của anh trên trang Facebook cá nhân thấy rằng anh rất trăn trở trước thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay. Nếu như không nghiên cứu, học tập ở Nhật Bản thì liệu anh có đặt vấn đề "Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản" hay không?

Tôi viết những dòng đó ở hai tâm thế: Tâm thế của một công dân và tâm thế của một người làm giáo dục. Là một công dân đương nhiên tôi phải có trách nhiệm với những vấn đề của đất nước vì đơn giản một điều là số phận và hạnh phúc của cá nhân tôi cũng như gia đình tôi gắn liền với vận mệnh của đất nước. Là một người làm giáo dục, hiển nhiên, trong vai trò của người làm chuyên môn, tôi có trách nhiệm phải nghiên cứu, suy nghĩ về giáo dục nước nhà. 

Do may mắn có 2 lần du học tại Nhật Bản, tôi đã lấy đây làm “điểm tựa” để nhìn lại giáo dục Việt Nam. Sự rời xa khoảng cách địa lý nhất định cộng với lượng thông tin phong phú đã giúp tôi hiểu rõ hơn nhiều vấn đề về giáo dục Việt Nam. Vì thế trong cuốn sách mới xuất bản gần đây, tập hợp những nghiên cứu, bài viết của tôi về giáo dục tôi đã lấy tên là “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản” (NXB Phụ nữ, 2016). Đương nhiên, tôi không cho rằng Nhật Bản là một hình mẫu lý tưởng và Việt Nam chỉ cần sao chép là ổn. Những người học ở Mỹ, Pháp, Đức…cũng sẽ có cái nhìn so sánh tương tự. Nếu tôi không du học ở Nhật mà là một nước khác, rất có thể tên cuốn sách của tôi chỉ thay hai từ “Nhật Bản” bằng tên nước tôi học. 

Xin anh giới thiệu những nội dung chủ yếu của cuốn sách? 

Cuốn sách này chia làm hai phần. Phần 1 là Giáo dục Việt Nam và giáo dục Nhật Bản, phần 2:  Giáo dục lịch sử Việt Nam và Nhật Bản. Đúng như tên gọi của nó, ở đây tôi trình bày về những gì mình nhận thức được về giáo dục Việt Nam và Nhật Bản trong cái nhìn so sánh. Trong phần thứ nhất tôi viết về những vấn đề có tính chất cơ bản của cải cách giáo dục như triết lý giáo dục, cải cách chương trình-sách giáo khoa, thực tiễn giáo dục... 

Ở phần thứ hai, tôi viết về giáo dục lịch sử từ những vấn đề có tính chất vĩ mô như triết lý-mục tiêu giáo dục lịch sử, chương trình-sách giáo khoa lịch sử mối quan hệ giữa sử học và giáo dục lịch sử ở Việt Nam và Nhật Bản tới những vấn đề cụ thể đang nảy sinh như “nên dạy lịch sử theo kiểu tích hợp hay độc lập”, “tại sao học sinh không thích học lịch sử”…

Những gì được trình bày trong cuốn sách là kết quả tôi nhận thức được về giáo dục hai nước trong khoảng 10 năm (2006-2016) mà phần lớn thời gian đó tôi học ở Nhật. 

Theo như lời giới thiệu của Nhà xuất bản thì cuốn "Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản" còn là nơi tác giả thể hiện những suy ngẫm cá nhân về giáo dục bao gồm cả những nỗi dằn vặt và lo lắng. Xin anh chia sẻ về những nỗi dằn vặt và lo lắng ấy? 

Sự lo lắng, dằn vặt này xuất phát từ tâm thế công dân và ý thức về người làm giáo dục tôi đã đề cập ở trên. Khi nhìn ra những vấn đề của giáo dục Việt Nam và hiểu được ở mức độ nào đó cách làm của thế giới, một cách tự nhiên tôi cảm thấy lo lắng cho cả hiện tại và tương lai của nền giáo dục nước nhà. Việc biết mà chỉ có thể làm được một vài việc nhỏ nhoi trong khi thời gian không chờ đợi nước mình là một nỗi khổ tâm. Tôi nghĩ có lẽ có nhiều người khác cũng cùng chung trong tâm trạng ấy.

Một trong những vấn đề được xã hội quan tâm hiện nay là chuyện "học thêm, dạy thêm". Vừa rồi ở TP Hồ Chí Minh có lệnh cấm dạy thêm sau đó lại dỡ lệnh cấm. Về vấn đề này anh đã có bình luận là "đúng như dự đoán" của anh. Anh có thể lý giải về dự đoán này? 

Tôi bình luận “đúng như dự đoán” vì trước đó khi lệnh cấm mới ban hành tôi đã viết trên Facebook rằng lệnh cấm đó khó khả thi. Kết quả cuối cùng cho thấy các trường vẫn có thể dạy thêm nếu như học sinh tự nguyện. Nhưng trên thực tế, học sinh là “phía yếu thế” cho nên sự “tự nguyện” trong nhiều trường hợp cũng không đáng tin. Giáo viên, trường học nếu muốn ép học sinh học thêm sẽ có đủ cách gây áp lực “mềm” để học sinh phải “tự nguyện” học. 

Muốn cấm dạy thêm thì phải học các nước khác. Ở đó, họ tách rời việc dạy thêm học thêm ra khỏi trường phổ thông. Việc dạy thêm học thêm sẽ được tiến hành ở các trung tâm có pháp nhân độc lập với hệ thống giáo viên riêng. Các giáo viên đang dạy ở trường phổ thông không được phép dạy ở các trung tâm này. Đương nhiên tiền đề để thực hiện lệnh cấm này phải là việc đảm bảo lương của giáo viên đủ sống mức bình thường. Nếu phải sống với bản năng sinh tồn, giáo viên sẽ có đủ cách để lách lệnh cấm và phía bên thực thi pháp luật cũng sẽ gặp khó khăn. 

Tôi đã từng trao đổi với nhiều giáo viên và cả những người là lãnh đạo, quản lý giáo dục ở địa phương về những bất cập, hạn chế trong giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, không ít người trả lời rằng: "Biết thế, nhưng trên chỉ đạo thế nào thì làm thế"(!?). Trong cuốn sách của anh có đề cập về "Cải cách giáo dục từ dưới lên".  Thưa anh, phải chăng đây chính là cách "cởi trói" cho giáo viên và các trường học nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục?

Điều anh nói đúng là một thực tế rất phổ biến. Mặc dù đa phần giáo viên đều nhận thấy rằng giáo dục đang đối mặt với rất nhiều vấn đề và cần phải cải cách. Tuy nhiên, kết luận của nhiều giáo viên lại rất…đơn giản: “Mình không làm được gì đâu. Chờ trên xem sao”. Hệ thống hành chính giáo dục mang nặng tính tập quyền và cơ chế “một chương trình-một sách giáo khoa” tồn tại quá lâu cho nên nhận thức của giáo viên về vai trò của bản thân trong cải cách giáo dục có phần hạn chế. 

Rất nhiều người nghĩ mình đơn giản chỉ là người thừa hành trong khi cả lý luận và thực tiễn giáo dục hiện đại chỉ ra rằng chính giáo viên mới là người trực tiếp và thực sự làm cải cách giáo dục thông qua các thực tiễn giáo dục mà họ thực hiện hàng ngày, hàng giờ ở trường học. Muốn làm được như thế thì giáo viên phải giác ngộ được sứ mệnh của mình là tạo ra những công dân có khả năng xây dựng đất nước ngày một tốt đẹp hơn dựa trên tư duy độc lập và tinh thần phê phán, truy cầu chân lý. 

Dạy cái gì, dạy như thế nào suy cho cùng sẽ phụ thuộc phần lớn vào người giáo viên vì chỉ họ mới hiểu được tình hình thực tế của địa phương, trường học và học sinh. Nhiều sự thay đổi nhỏ hợp lại sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng để tạo ra sự thay đổi lớn. Chính vì vậy mà tôi cho rằng những cải cách được tạo ra từ “việc nhỏ” như thế là “cải cách từ dưới lên”. Đây là hướng đi tôi nghĩ là khả dĩ nhất cho các giáo viên trong bối cảnh hiện tại khi nhu cầu cải cách vô cùng lớn, tình cảm nguyện vọng của người dân và học sinh đối với sự thay đổi trong giáo dục rất bức thiết nhưng cải cách giáo dục “từ trên xuống” lại đang gặp nhiều trở ngại.

Trong cuốn sách của mình, tôi dành một dung lượng nhất định để trình bày về các “thực tiễn” giáo dục ở Nhật Bản với tư cách là những biểu hiện cụ thể của trào lưu “cải cách từ dưới lên” cũng là nhằm mục đích cung cấp thông tin tham khảo để giáo viên Việt Nam suy nghĩ về điều đó. 

{keywords}

Cô giáo Nhật Bản Kitamura Runa dạy tiếng Nhật cho học sinh tại Công ty cổ phần Nhân lực Quốc tế ICO.

Đã có độc giả bình luận về cuốn "Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản" như sau: "Tôi nghĩ sẽ không quá khó nếu như 1500 bản in đầu tiên đến được với nhiều người thì 1500 đó sẽ là những nhân tố góp phần thay đổi, cải tiến trong chính họ những suy tưởng về giáo dục và giáo dục lịch sử". Còn anh kỳ vọng về "đứa con tinh thần" này như thế nào?

Đây là cuốn sách thứ hai tôi viết (cuốn trước là thơ) và là cuốn sách thứ 6 của tôi nếu tính cả sách dịch. Tuy nhiên nó lại là cuốn sách đầu tiên tôi viết về giáo dục. 1500 bản in là con số không lớn nhưng tôi chia sẻ với bạn đọc nói trên ở sự hy vọng. Sự tốt đẹp của một xã hội muốn bền vững phải dựa trên sự kiến tạo và duy trì của từng cá nhân-công dân chứ không thể chỉ dựa vào các minh quân hay các anh hùng. Tôi không dám cho rằng tất cả những gì tôi viết ra trong cuốn sách đều hay, đều đúng đắn, hợp lý nhưng vẫn hy vọng độc giả khi đọc nó sẽ tìm được những thông tin hữu ích để tham chiếu vào hiện tại từ đó tự giác ngộ lấy hướng đi cho mình trong tư duy về giáo dục. 

Một người thay đổi tư duy và hành động tích cực sẽ có tác dụng đến những người xung quanh và dần dần tạo ra sức mạnh cộng hưởng để những sự thay đổi tốt đẹp nhân lên. Nếu như người có tư duy và hành động tích cực ấy lại hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thì tôi nghĩ hiệu quả tạo ra sẽ càng cao. Là tác giả, tôi sẽ vô cùng hạnh phúc khi cuốn sách được độc giả đón nhận và nó mang lại những thông tin hữu ích cho những người quan tâm tới giáo dục.

Xin cảm ơn anh!

Trần Đức (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...