Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hai công trình xử lý ô nhiễm môi trường ở Việt Yên: Vì sao vẫn “đắp chiếu"?

Cập nhật: 15:09 ngày 21/11/2016
(BGĐT) - Nước, rác thải tại làng giết mổ trâu bò Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh và làng nghề nấu rượu xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) hiện vẫn xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm và tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó, tại đây có hai công trình xử lý nước, rác thải được xây dựng trị giá gần chục tỷ đồng "đắp chiếu" nhiều năm, vì sao? 
{keywords}

Nhiều thiết bị tại Nhà máy tái chế rác thải xã Vân Hà bị han gỉ.

Tiền tỷ trôi theo nước và rác

Thôn Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh có khoảng 30 hộ thường xuyên giết mổ trâu bò. Nước thải, chất thải đều xả trực tiếp ra ao hồ khiến môi trường bị ô nhiễm. Tại làng nghề nấu rượu xã Vân Hà, các hộ dân xả rác ra ven làng, ao hồ ùn thành đống lâu ngày chưa được xử lý. Đây là hai điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải được xử lý dứt điểm theo yêu cầu của Chính phủ.

Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, năm 2011, bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học T.Ư, tỉnh hỗ trợ và đối ứng của địa phương, UBND huyện Việt Yên đầu tư gần 4,8 tỷ đồng thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) xử lý chất thải ô nhiễm môi trường tại làng nghề giết mổ gia súc Phúc Lâm” do UBND tỉnh phê duyệt. Đây là dự án KHCN cấp Nhà nước nhằm giúp người dân áp dụng công nghệ sinh học và thủy sinh xử lý nước thải bảo đảm tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. 

Dự án gồm các hạng mục: Mương cứng thu gom nước thải, bể thu gom, bể xử lý nước công suất 1,2 nghìn m3/ngày đêm và hàng chục bè thủy sinh. Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Việt Yên là cơ quan chủ trì. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm quản lý, nghiệm thu dự án. Còn tại xã Vân Hà, năm 2011, tổ chức GVC (Italia) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ xã xây dựng Nhà máy tái chế rác thành phân hữu cơ, công suất hàng chục tấn/ngày ở thôn Yên Viên. Nhà máy rộng hàng nghìn m2 gồm nhà xưởng, máy móc, thiết bị tái chế rác trị giá khoảng 4 tỷ đồng từ nguồn vốn của tổ chức GVC. Cuối năm 2012, hai công trình trên hoàn thành, bàn giao cho địa phương quản lý, vận hành. Tuy nhiên chỉ sau một, hai tháng vận hành, hai công trình ngừng hoạt động từ đó đến nay. 

Mục sở thị tại thôn Phúc Lâm, nhiều đoạn kênh dẫn nước thải đã vỡ nham nhở. Cách khu dân cư chưa đầy 50m, các bể xử lý nước để cỏ mọc, túi ni lông, chất thải trâu bò ùn ứ lâu ngày bốc mùi hôi tanh nồng nặc. Các bè thủy sinh lẫn bèo, cỏ dại. Ông Thân Văn Tiếp, người dân thôn Phúc Lâm bức xúc: “Tưởng có hệ thống xử lý nước thải, người dân sẽ khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, nào ngờ mọi sự vẫn như cũ. Đã thế, do mương dẫn nước và bể chứa ở ngay trước cửa nhà, rác và nước lâu ngày không được xử lý nên những ngày gió lớn, cả nhà tôi phải di tản đi nơi khác vì mùi hôi”. Còn tại Nhà máy tái chế rác thải xã Vân Hà, ổ khóa bị gỉ sét bó chặt, nhà trực sản xuất trống không, rong rêu bám xanh. Thiết bị tái chế rác han gỉ, ố vàng, nguy cơ hóa phế liệu. 

Vẫn dễ làm, khó bỏ

Công trình xây dựng xong rồi để đấy suốt 4 năm qua có nhiều nguyên nhân. Ngay sau khi hoàn thành, bàn giao công trình cho địa phương quản lý, vận hành, cả hai xã đều không có kinh phí duy trì hoạt động. Ông Nguyễn Trọng Hội, Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho biết: “Việc tái chế rác thành phân hữu cơ chi phí lớn, mỗi tháng mất chừng 30 triệu đồng gồm tiền điện, thuê 6- 7 lao động thu gom, vận chuyển, rửa rác, phân loại để đưa vào nghiền. Trong khi đó mỗi tháng xã chỉ thu được 6 triệu đồng phí vệ sinh của các hộ dân, chưa đến 50% diện phải nộp nên không duy trì hoạt động. Mặt khác, giá thành phân hữu cơ cao, không có người mua”. 

Không chỉ vậy, theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Việt Yên, công nghệ tái chế rác thành phân hữu cơ tại nhà máy này lạc hậu, chỉ xử lý được rác hữu cơ, còn rác vô cơ phải vận chuyển đi nơi khác chôn lấp dẫn đến phát sinh chi phí tốn kém.

Theo ông Nguyễn Văn Tình, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Việt Yên, khi thiết kế công trình xử lý nước thải tại thôn Phúc Lâm, địa phương chưa tính đến việc xử lý chất thải rắn của gia súc sau giết mổ. Bởi vậy các hộ vẫn xả chất thải rắn và nước vào hệ thống thu gom nên không thể xử lý bằng công nghệ sinh học như thiết kế ban đầu. Hơn nữa, để vận hành thường xuyên, xã Hoàng Ninh cần bố trí 20-25 triệu đồng mỗi tháng mua chế phẩm, thuê nhân công vớt chất thải rắn, khơi thông hệ thống dẫn nước. Khoản kinh phí này khá lớn, xã chưa bố trí được. Cũng bởi thiếu kinh phí thuê nhân công nên ở Phúc Lâm hiện còn tồn lưu vài tạ chế phẩm xử lý nước đã hết hạn sử dụng do Nhà nước cấp ban đầu.

Trong khi nhiều địa phương vẫn loay hoay tìm hướng xử lý nước, rác thải thì tại Việt Yên, hai công trình được đầu tư trị giá gần chục tỷ đồng lại bị bỏ hoang, gây lãng phí. Trách nhiệm này trước hết thuộc về UBND huyện và các xã được giao vận hành công trình chưa làm tốt công tác thu phí vệ sinh để chi trả cho tổ thu gom, vận chuyển rác, duy trì hoạt động khi dự án kết thúc. Ngành chức năng được giao trách nhiệm quản lý, đôn đốc kiểm tra chưa quan tâm hướng dẫn cơ sở tháo gỡ vướng mắc sau khi dự án hoàn thành. 

Người dân thôn Phúc Lâm và xã Vân Hà mong muốn ngành chức năng, chính quyền sở tại khẩn trương đánh giá chất lượng công trình, duy tu bảo dưỡng, có cơ chế hoạt động rõ ràng để sớm đưa công trình hoạt động trở lại. UBND huyện và các xã quan tâm hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường, tổ chức tốt việc thu phí để chi trả cho tổ vệ sinh, duy trì vận hành. Thực tế, chỉ khi công trình hoạt động hiệu quả, người dân thấy được lợi ích của việc xử lý ô nhiễm môi trường sẽ có ý thức phân loại rác thải, chất thải rắn, nộp phí vệ sinh theo quy định.

Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...