Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ô nhiễm môi trường - Vi phạm chồng vi phạm

Cập nhật: 07:00 ngày 03/12/2016
(BGĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm về xả nước, khí thải không bảo đảm tiêu chuẩn ra môi trường. Các cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu khắc phục. Đến nay đã quá hạn nhưng nhiều cơ sở vẫn trốn tránh trách nhiệm nộp phạt, chưa cải tạo, lắp đặt thiết bị và xây mới công trình xử lý ô nhiễm đạt tiêu chuẩn.
{keywords}

Công ty cổ phần Thương mại Sơn Thạch, Cụm công nghiệp Nội Hoàng (Yên Dũng) chậm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Chây ì nộp phạt

Qua thanh tra, kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Công an tỉnh, 10 tháng năm nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 40 doanh nghiệp (DN), hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vi phạm Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) với các lỗi chủ yếu: Xả nước, khí thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường; chưa đầu tư công trình xử lý chất thải theo đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. 

Các tổ chức, cá nhân này bị Chủ tịch UBND tỉnh và cơ quan chức năng xử phạt gần 4 tỷ đồng, buộc tạm đình chỉ từ 2-3 tháng khắc phục vi phạm. Cơ sở bị phạt thấp  vài chục triệu, cao  vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, một số cơ sở chây ì không nộp phạt (quá thời hạn nộp từ 3-6 tháng); khắc phục vi phạm nửa vời, chủ yếu để đối phó với cơ quan chức năng. 

Theo ông Ngô Quang Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN&MT), mặc dù đã đôn đốc nhiều lần nhưng trong số các tổ chức, cá nhân bị xử phạt năm nay vẫn còn 4 đơn vị chưa thực hiện nghĩa vụ với số tiền hơn 500 triệu đồng. Các đơn vị này cũng chưa khắc phục xong sự cố về môi trường, chưa được cơ quan chuyên môn xác nhận hoàn thành.

Đơn cử như tháng 6-2016, trong quá trình sản xuất, Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang (Lạng Giang) làm sập giàn ghi lạnh tại khu vực lò nung nên hệ thống xử lý khí thải không vận hành, bụi phát tán nhiều, bị Chủ tịch UBND tỉnh phạt 350 triệu đồng; đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm trong 3 tháng để khắc phục sự cố. Từ đó đến nay, Sở TN&MT đã cử cán bộ đến cũng như ban hành nhiều văn bản đôn đốc DN nộp phạt nhưng vẫn chưa có kết quả.

Cùng thời gian này, hộ ông Nguyễn Văn Biển sản xuất gạch ở xã Trí Yên (Yên Dũng) thải khí chứa nhiều thông số độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép, bị xử phạt 90 triệu đồng. Đến thời gian này, ông Biển vẫn không nộp phạt và có biểu hiện trốn tránh làm việc với cơ quan chức năng khi được yêu cầu. Mặt khác, cơ sở sản xuất này chưa hoàn thành nâng cấp, duy trì hệ thống xử lý khí thải theo quy định, được đơn vị có thẩm quyền xác nhận. 

Hiện nay, trong số 45 đơn vị bị xử phạt có tới gần một nửa số tổ chức, cá nhân không tuân thủ nghiêm túc quyết định của cấp có thẩm quyền. Tuy đã nộp phạt nhưng một số chủ DN, cá nhân lại chưa đầu tư cải tạo, xây mới hoặc lắp đặt hoàn thiện công trình, thiết bị khắc phục sự cố ô nhiễm, tiếp tục hoạt động, bất chấp lệnh đình chỉ. Điều này đồng nghĩa vi phạm cũ khắc phục chưa xong lại xảy ra vi phạm mới.

Công ty cổ phần Thương mại Sơn Thạch, Cụm công nghiệp Nội Hoàng (Yên Dũng) là ví dụ. Giữa năm nay, DN bị phạt 90 triệu đồng do gây sự cố về xả bụi vượt quy định. Ông Ngô Hồng Tiến, Giám đốc Công ty cho biết: “Đơn vị có 3 xưởng sản xuất phôi thép nay mới lắp được hệ thống xử lý khói bụi ở 2 xưởng. Xưởng còn lại chưa hoàn thiện”. 

Được biết, trước đó, vào năm 2013, DN cũng từng bị phạt hơn 50 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện công trình xử lý bụi. Lo ngại hơn, tại khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, tháng 5-2016, Công ty Italisa Việt Nam gây ô nhiễm môi trường bị phạt 90 triệu đồng, chưa khắc phục xong thì lại tiếp tục vi phạm, vừa bị Sở TN&MT lập biên bản đề nghị UBND tỉnh xử phạt.

Không để “nhờn luật”

Việc không chấp hành nghiêm quyết định xử phạt và khắc phục sự cố về môi trường của các DN, cá nhân không chỉ làm thất thu ngân sách Nhà nước mà còn hủy hoại môi trường, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Các chủ cơ sở sản xuất vi phạm bị xử phạt, chưa khắc phục sự cố đã tái phạm sẽ làm giảm hiệu lực răn đe của pháp luật. 

Nguyên nhân là do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chưa đề cao trách nhiệm BVMT. Một số chủ DN, cơ sở sản xuất viện lý do khó khăn về tài chính nên không nộp tiền phạt, đầu tư công trình xử lý ô nhiễm hoặc đã giải thể. Trong khi đó, cấp có thẩm quyền và ngành chức năng được giao đôn đốc, kiểm tra việc thực thi quyết định xử phạt ở một số nơi lại chưa làm tròn trách nhiệm hoặc chưa tham mưu, đề nghị cưỡng chế theo quy định. Theo đại diện lãnh đạo huyện Lạng Giang thì hiện nay việc liên hệ, đôn đốc Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang gặp nhiều khó khăn vì chủ DN không hợp tác.

Trước thực trạng này, ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Sở đang cử đoàn công tác kiểm tra tất cả các đơn vị vi phạm, tiếp tục đôn đốc nộp phạt và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình xử lý nước, khí thải. Sở sẽ lấy mẫu phân tích và công nhận cho các DN hoàn thành xử lý ô nhiễm, cho phép hoạt động trở lại nếu đủ điều kiện. Những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm bị xem xét xử phạt lần 2. DN nào chây ì không nộp, Sở phối hợp với ngân hàng khoanh nợ tại tài khoản ngân hàng để khấu trừ tiền xử phạt vi phạm hành chính”.

Hải Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...