Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 23 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cấp ủy đối thoại với nhân dân - Tạo sự gắn kết và đồng thuận: (Kỳ I) - Đổi mới phương thức lãnh đạo

Cập nhật: 09:59 ngày 22/12/2016
(BGĐT) - Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, ngày 9-7-2015, BTV Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Quyết định số 1158 về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân. Đây là một trong những giải pháp thiết thực đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền.
{keywords}

Lãnh đạo UBND huyện Hiệp Hòa đối thoại với nhân dân xã Xuân Cẩm.

Đối thoại ở cả ba cấp

Người trực tiếp đối thoại với nhân dân là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Đối tượng tiếp xúc, đối thoại là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Như vậy, hoạt động đối thoại được thực hiện ở cả ba cấp với mục đích lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kịp thời phát hiện, chỉ đạo khắc phục thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ của cơ sở. Thông qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn xã hội. 

Thực hiện yêu cầu ấy, thời gian qua các đồng chí lãnh đạo tỉnh nêu gương, sắp xếp thời gian tổ chức gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, các tầng lớp nhân dân tại nhiều địa phương trong tỉnh. Ở mỗi cuộc gặp gỡ, các đồng chí khẳng định, việc đối thoại là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương với nhân dân; hoạt động đối thoại là “kênh” quan trọng và trực tiếp giúp lãnh đạo các cấp nắm bắt nguyện vọng, nghe người dân "hiến kế" phát triển KT-XH; cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vấn đề bức xúc còn tồn đọng.

Trên cơ sở hướng dẫn của BTV Tỉnh ủy, BTV cấp ủy cấp huyện chủ động xây dựng kế hoạch tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, triển khai kịp thời tới các xã, phường, thị trấn. Theo tinh thần chỉ đạo chung, việc tổ chức đối thoại đã được thực hiện đồng loạt, bằng nhiều hình thức, từ định kỳ, chuyên đề, đột xuất cho tới đối thoại theo nhóm đối tượng.

Đối thoại vừa nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, vừa trở thành diễn đàn để mọi tầng lớp nhân dân trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng. Việc trao đổi thông tin hai chiều giúp mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân gần gũi, cởi mở hơn, từ đó tạo đồng thuận giải quyết vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội.

Khảo sát tại TP Bắc Giang, cấp ủy, chính quyền duy trì giao ban với bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ dân phố định kỳ 2 lần/năm. Ngoài ra tổ chức đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã, phường theo cụm, khu vực. Ở huyện Lục Nam, BTV Huyện ủy chỉ đạo đồng loạt 27 xã, thị trấn tổ chức hội nghị đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã với nhân dân vào hai ngày cố định trung tuần tháng 7-2016. Đồng chí Hoàng Văn Bể, Bí thư Đảng ủy xã Chu Điện chia sẻ: Để người dân chủ động chuẩn bị ý kiến, sắp xếp thời gian đến dự đông đủ, xã thông báo rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh về kế hoạch, ngày giờ, địa điểm hội nghị đối thoại... 

Tại huyện Tân Yên, bên cạnh duy trì giao ban, đối thoại hằng quý với bí thư các chi bộ thôn, khu phố, Thường trực Huyện ủy tổ chức đối thoại theo chuyên đề. Tháng 8 vừa qua, đồng chí Bí thư Huyện ủy Lâm Thị Hương Thành gặp gỡ các chủ trang trại thuộc 17 xã trong huyện. Chia sẻ về điều này, đồng chí nhấn mạnh: “Việc được trực tiếp gặp, trao đổi, thảo luận với chủ các trang trại giúp lãnh đạo Huyện ủy thấy rõ hơn những thuận lợi, khó khăn, qua đó cùng bàn giải pháp tháo gỡ, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế trang trại…”. Đồng chí khẳng định, Huyện ủy sẽ nghiên cứu, xem xét mở rộng hình thức đối thoại này.

Lắng nghe, giải quyết việc dân cần

Đối thoại vừa nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, vừa trở thành diễn đàn để mọi tầng lớp nhân dân trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng. Việc trao đổi thông tin hai chiều giúp mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân gần gũi, cởi mở hơn, từ đó tạo đồng thuận giải quyết vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội. 

{keywords}
Lãnh đạo xã Phúc Hòa (Tân Yên) thường xuyên sâu sát cơ sở, đôn đốc tiến độ các công trình nông thôn mới.

Theo thống kê của Thành ủy Bắc Giang, từ năm 2015 đến nay, 80% kiến nghị trong cuộc giao ban giữa Thành ủy với bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố được giải quyết. Trong năm 2016, các xã, thị trấn huyện Lục Nam tổ chức 30 cuộc đối thoại phát sinh, đa phần tại những địa bàn có tiềm ẩn phức tạp. Nhờ đó, nhiều vấn đề kịp thời được khắc phục như: Xử lý ô nhiễm môi trường ở thôn Thanh Giã 2 do rác thải trên kênh Yên Lại từ đầu nguồn dồn về; khai thác cát trái phép trên sông ở Đan Hội, Vũ Xá; chế độ chính sách người có công đối với thân nhân liệt sĩ…

Tăng cường đối thoại cũng giúp các địa phương hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm, nhất là việc liên quan đến lợi ích trực tiếp của người dân. Đồng chí Đặng Đình Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết: “Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn đi qua địa bàn huyện có tổng chiều dài 19 km, diện tích đất bị thu hồi hơn 130 ha, liên quan đến gần 2 nghìn hộ. Xác định việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án là nhiệm vụ khó, cấp ủy, chính quyền huyện và 4 xã liên quan gồm: Tân Dĩnh, Xương Lâm, Tân Hưng và Hương Sơn đã tổ chức hàng trăm cuộc gặp gỡ, lắng nghe nguyện vọng nhân dân. Những băn khoăn vì vậy được giải tỏa, người dân tin tưởng, đồng tình với chủ trương lớn, tạo thuận lợi để dự án thực hiện bảo đảm tiến độ”. 

Hay như huyện Tân Yên, từ đối thoại với chủ trang trại, Huyện ủy chỉ đạo cơ quan chức năng, các xã, thị trấn giải quyết vấn đề về môi trường; tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để mô hình trang trại phát triển cả về số lượng và chất lượng, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết chuyên đề Phát triển cây ăn quả và nâng cao hiệu quả kinh tế vườn đồi của BCH Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Quốc Trường - Vân Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...