Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: Kỳ II-Gỡ nút thắt để "hút" doanh nghiệp

Cập nhật: 08:45 ngày 31/12/2016
(BGĐT)- Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, lĩnh vực nông nghiệp có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển, song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Tháo gỡ khó khăn, có cơ chế thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là vấn đề đặt ra hiện nay.


{keywords}
Lãnh đạo một số DN trên địa bàn tỉnh thăm gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang.

Vì sao DN chưa mặn mà?

Qua tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân khiến DN chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trước hết, hạ tầng ở các vùng chăn nuôi, trồng trọt ở một số địa phương chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi. Vùng nguyên liệu tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi, khó khăn trong lưu thông hàng hóa. Để giải quyết những vướng mắc đó, DN phải bỏ ra nguồn kinh phí lớn, trong khi  đầu tư lĩnh vực nông nghiệp mức độ  rủi ro cao như thiên tai, dịch bệnh, thị trường. Ở nhiều nơi, cấp uỷ, chính quyền chưa thực sự quan tâm quy hoạch vùng cũng như đầu tư nguồn lực  đối với lĩnh vực này. 

Đặc biệt, quỹ đất tập trung cho sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương còn ít, diện tích không đáp ứng yêu cầu, khi DN muốn đầu tư quy mô lớn thường gặp khó khăn. Cách đây vài tháng, một số DN lớn đã đến khảo sát quỹ đất để đầu tư ở một địa phương nhưng không thành. Điển hình như Công ty cổ phần Vineco (DN chuyên sản xuất và tiêu thụ rau, thuộc Tập đoàn Vingroup của Nhật Bản) cần 200 ha đất liền vùng để mở các trang trại, khi đoàn đi khảo sát ở 4-5 huyện nhưng vẫn không đủ diện tích nói trên. Hay như Công ty TNHH True Milk  muốn đầu tư nông trường nuôi bò sữa diện tích 500 ha ở huyện Lục Ngạn song huyện cũng không thể đáp ứng. 

Thậm chí một số DN muốn mở rộng quy mô với diện tích chỉ vài chục ha cũng rất khó khăn. Đơn cử như ở xã Ngọc Châu (Tân Yên), mới đây, Công ty cổ phần KCF Lạng Sơn có chủ trương triển khai dự án trồng 30 ha chanh đào để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Công ty cam kết sẽ hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Song qua khảo sát, diện tích trồng chanh đào của xã manh mún, nhỏ lẻ, chỉ đáp ứng được 20%, không đủ sản lượng cung cấp nên DN  chuyển hướng đầu tư sang tỉnh khác.

Cùng đó, chính sách hỗ trợ lãi suất, vay vốn  hiện vẫn còn những trở ngại nhất định, nhất là việc tiếp cận chính sách ưu tiên ứng dụng công nghệ cao. Công ty cổ phần Giang Sơn có trụ sở tại xã Đồng Tâm (Yên Thế), ngành nghề chủ yếu là giết mổ, chế biến gia cầm (sản lượng tiêu thụ khoảng 1 nghìn tấn gà đông lạnh/năm) cũng đang gặp khó về vốn và diện tích nhà xưởng. Hiện công ty đang sử dụng hơn 1 nghìn m2 đất, vừa là nơi giết mổ, chế biến gia cầm vừa là văn phòng đại diện. Bà  Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty cho biết: DN rất muốn mở rộng dây chuyền, quy mô nhưng số vốn mà chúng tôi vay của ngân hàng chỉ đáp ứng được khoảng 20% cho hoạt động kinh doanh. "Nếu như nhà nước ưu đãi hơn về lãi suất, mức vay đối với DN đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, DN sẽ bớt khó khăn hơn", bà Tâm nói. 

Bên cạnh đó, vấn đề liên kết theo mô hình tổ hợp tác, HTX trong chuỗi giá trị sản xuất còn lỏng lẻo; năng suất, chất lượng một số sản phẩm của nông dân làm ra chưa đáp ứng yêu cầu của DN. Tìm hiểu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO (KCN Song Khê-Nội Hoàng)- DN chuyên chế biến rau quả xuất khẩu sản phẩm đóng hộp như  cà chua bi, dưa chuột bao tử, dứa, vải thiều  sang thị trường các nước: Nga, Hàn Quốc, Đức với giá trị ước đạt  2 triệu USD/năm (tương ứng 40 tỷ đồng). Ngoài thu mua nguyên liệu để chế biến ở một số địa phương trong tỉnh, hiện nay DN  này vẫn phải nhập 30% nguyên liệu ở tỉnh ngoài. Đáng chú ý, cây dứa được trồng  nhiều ở  xã Bảo Đài (Lục Nam) và Việt Lập (Tân Yên), nhưng Công ty lại nhập nguyên liệu hoàn toàn ở tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn (khoảng 500 tấn/vụ). 

Theo ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công ty, nguyên nhân chính là do người nông dân chưa đáp ứng được yêu cầu về sản lượng. Ngoài ra, chất lượng quả dứa cũng chưa đạt yêu cầu của DN như quả nhỏ, mắt dầy... Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát, tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc của nông dân chưa được quản lý chặt chẽ. "Các sản phẩm khi xuất khẩu vào thị trường khó tính bị kiểm tra rất nghiêm ngặt về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng chì... Nếu chỉ cần một hộ không thực hiện nghiêm quy trình sẽ ảnh hưởng tới uy tín DN", ông Việt chia sẻ.

Những  yếu tố trên đã tác động không nhỏ tới giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, sau 3 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, giá trị sản xuất bình quân/ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2016 của tỉnh ước đạt 85 triệu đồng/ha, chưa đạt mục tiêu đề án đề ra (110-120 triệu đồng/ha).

Làm gì để "hút" DN?

Có thể thấy trong điều kiện, trình độ canh tác, khả năng tiếp cận thị trường của đại bộ phận nông dân còn hạn chế. Cùng đó, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, việc áp dụng tiến bộ KHKT, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn khó khăn nhất định. Từ thực tế này cho thấy, vai trò của DN trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, nhất là trong giai đoạn hội nhập là rất quan trọng và cần thiết. Vấn đề đặt ra là cần những giải pháp nào để "hút" DN đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang cho rằng: Một trong những giải pháp quan trọng đó là các địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, tạo ra quỹ đất tập trung lớn. "Đây là vấn đề khó nhưng nếu chúng ta không quyết tâm cao sẽ rất khó thu hút các DN đầu tư", ông Phượng nói. Ngoài ra, các chính sách liên quan đến đổi mới công nghệ, lãi suất ngân hàng cũng phải được rà soát, điều chỉnh  theo hướng thuận lợi, ưu tiên hơn để khuyến khích DN đầu tư, triển khai các dự án. 

Còn theo Tiến sĩ Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng, Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN), tỉnh Bắc Giang cần  lựa chọn địa bàn quy hoạch xây dựng khu, vùng nguyên liệu hợp lý, dựa trên điều kiện thuận lợi tối ưu cho sản xuất đối với từng loại sản phẩm như: Khí hậu, giao thông, nguồn nước tưới, đất đai... để người dân và DN sẵn sàng tham gia. Tích cực hỗ trợ, tư vấn cho DN lựa chọn công nghệ phù hợp với từng đối tượng cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Qua đó, DN cảm thấy tin tưởng, nhìn thấy lợi nhuận, hiệu quả khi bỏ vốn đầu tư. 

"Chúng ta cần có những chính sách ưu tiên các DN tham gia nghiên cứu các đề tài, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ. Đồng thời, khuyến khích các DN nghiên cứu các sản phẩm có sự đặt hàng của các địa phương. Như vậy, hiệu quả của việc liên kết "4 nhà" sẽ cao hơn" - Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang cho biết.

Một giải pháp cũng rất quan trọng đó là đẩy mạnh việc thành lập nhiều HTX kiểu mới, các nhóm hộ để liên kết, bắt tay với DN sản xuất ra sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Khi nông dân tham gia HTX với vai trò là thành viên, cần gắn quyền lợi với nghĩa vụ của họ. Để làm được điều đó, DN phải là đầu tầu về đầu tư công nghệ, tham gia định hướng tổ chức sản xuất nguyên liệu, thu mua chế biến, xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ và cùng hưởng lợi với nông dân. Thực tế cho thấy, việc chuyển giao công nghệ cho nông dân thông qua DN làm tăng giá trị tới 30%.

{keywords}

Anh Trần Xuân Thao, thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm (Yên Thế) là một trong những hộ đi tiên phong trong việc liên kết mô hình chăn nuôi tổ hợp tác

Với người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, hiểu được ý nghĩa, lợi ích của việc bắt tay liên kết với DN trong chuỗi giá trị . Tuân thủ  nghiêm các quy trình sản xuất, bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm. Liên kết chặt chẽ với mô hình HTX kiểu mới, tổ hợp tác, hiệp hội, thực hiện tốt việc giám sát trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm giữa các hội viên. Tích cực áp dụng tiến bộ KHKT, nhất là việc ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất. 

Từ thực tiễn đó, cùng với Nghị quyết 73/NQ-TU, ngày 6-5-2016 của Tỉnh uỷ Bắc Giang về việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và một số chính sách đã ban hành trước đó, ngày 16-8-2016, BTV Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết 130/NQ-TU về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Nội dung của Nghị quyết cũng đề cập tới  việc ban  hành cơ chế, chính sách hỗ trợ dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để khuyến khích nhân dân, các thành phần kinh tế và DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản. Mục tiêu đến năm 2020, năng suất tăng từ 20 - 30%, tăng giá trị gia tăng từ 20-30% so với thời điểm hiện tại... 

Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập phát triển, sản xuất nông nghiệp của nước ta, trong đó có tỉnh Bắc Giang có nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Sẽ không thể giải quyết bền vững các vấn đề của nông nghiệp nếu thiếu các DN có năng lực. Với tư duy mới, cách làm mới cùng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, hy vọng giai đoạn tới, sản xuất nông nghiệp của tỉnh sẽ có bước tiến vượt bậc, tạo nền tảng vững chắc, góp phần thúc đẩy KT-XH ngày một phát triển.

Công Doanh - Hùng Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...