Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tích tụ ruộng đất để sản xuất vụ đông

Cập nhật: 08:54 ngày 18/01/2017
(BGĐT) - Vụ đông năm 2016, toàn tỉnh Bắc Giang trồng hơn 25 nghìn ha rau màu các loại, hoàn thành kế hoạch đề ra, hạn chế bỏ đất trống. Trong đó, xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân thuê đất, mượn ruộng hình thành ô thửa lớn để liên kết sản xuất, mang lại lợi nhuận cao.
{keywords}

Một nhóm hộ tại xã Lan Giới (Tân Yên) mượn đất để liên kết trồng dưa bao tử không giàn.

Thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó

Thời điểm này, rau vụ đông đồng loạt cho thu hoạch nên giá bán thấp. Thế nhưng tại những vùng sản xuất có liên kết lại ít bị tác động. Điển hình là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp T.Ư thuê hơn 7 ha đất canh tác tại phường Đa Mai (TP Bắc Giang). Trên diện tích này, Công ty trồng nhiều loại rau, củ, quả theo phương pháp rải vụ, an toàn. Mỗi tháng Công ty thu hoạch khoảng 30-40 tấn rau các loại. Sản phẩm được một doanh nghiệp ở Hưng Yên bao tiêu với giá ổn định.

Ông Lương Cao Cường, Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Để nông sản có đầu ra ổn định, chúng tôi ký hợp đồng bao tiêu với đơn vị thu mua ngay từ đầu năm. Trong quá trình sản xuất, hai bên thường xuyên trao đổi, bố trí cơ cấu từng loại rau ở mỗi thời điểm sao cho phù hợp và thỏa thuận về giá. Riêng thời gian từ 25 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng, giá rau sẽ điều chỉnh tăng 30% so với ngày thường”.

Tương tự, HTX Rau sạch Yên Dũng, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) liên kết với Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Hải Dương) trồng 11 ha súp lơ, cải bắp ở vụ đông sớm. Đây là những giống rau ưa lạnh trồng vào khoảng đầu tháng 9 nên gặp không ít bất lợi bởi thời tiết nóng ẩm. Tuy nhiên, bù lại rau luôn được giá, thu hoạch đến đâu Công ty thu mua tại ruộng hết đến đó với giá 3-3,5 nghìn đồng/kg theo hợp đồng đã ký kết. Lợi nhuận bình quân đạt gần 30 triệu đồng/ha/lứa. 

Không chỉ thuê đất, HTX còn tạo việc làm cho chính những người dân cho thuê ruộng. Hiện, HTX đang xử lý đất trồng rau vụ xuân và tiếp tục mở rộng diện tích trong thời gian tới.

Cần DN đỡ đầu 

Cùng với DN, HTX, nhiều nhóm hộ trong tỉnh còn liên kết với DN trồng dưa chuột bao tử, dưa chuột Nhật, khoai tây chế biến... Các Công ty thu mua nông sản ứng một phần vật tư, phân bón ở đầu vụ và chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ đông năm 2016, toàn tỉnh có gần 4 nghìn ha đất canh tác có hợp đồng tiêu thụ ổn định, tăng khoảng 1 nghìn ha so với năm trước. Nhờ vậy, toàn tỉnh trồng hơn 25 nghìn ha cây trồng các loại, hoàn thành kế hoạch đề ra, giảm diện tích bỏ đất trống trong vụ đông. 

{keywords}

Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt thu mua sản phẩm của HTX Rau sạch Yên Dũng.

Từ thực tế trên, ngành nông nghiệp khẳng định, để sản xuất thành công và phát triển bền vững cần có sự “đỡ đầu” của DN thông qua bảo đảm đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch cơ cấu lao động khiến một số hộ không còn mặn mà với nghề nông nên phải có tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất, hình thành chuỗi sản xuất khép kín. 

Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Giải pháp trước mắt để thu hút, khuyến khích nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp là ngành phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa; hỗ trợ mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Tại một số huyện, TP cũng có cơ chế cho công tác tổ chức vùng, liên kết. Điển hình, huyện Yên Dũng hỗ trợ hơn 4 triệu đồng/ha đối với vùng sản xuất tập trung; cấp chứng nhận vùng sản xuất VietGAP cho vùng trồng rau an toàn; tạo điều kiện cho DN tiếp cận người dân, HTX để tổ chức canh tác. 

Đi đôi với biện pháp trên, một số ý kiến cho rằng cần đầu tư để hoàn thiện hạ tầng sản xuất như: Ưu tiên vốn cứng hóa kênh mương, làm đường nội đồng tạo điều kiện thuận lợi cho chăm sóc, thu hoạch nông sản; nghiên cứu, xem xét cấp giấy phép khoan giếng phục vụ tưới nước chủ động theo công nghệ tiết kiệm, hiệu quả.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...