Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giữ gìn nét đẹp văn hóa lễ hội ở Bắc Giang

Cập nhật: 07:15 ngày 21/01/2017
(BGĐT) - Mùa lễ hội Xuân Đinh Dậu sắp đến, nhiều nơi đang tích cực chuẩn bị cho khai hội. Làm gì để phát huy những nét đẹp văn hóa, khắc phục hạn chế, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách ở lễ hội? Phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề này.

{keywords}

Chơi cờ tướng- nét đẹp tại lễ hội làng Thân (Lục Nam).

Ông đánh giá thế nào về tình hình chấp hành các quy định về văn minh lễ hội trong thời gian qua?

Những năm qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác, công tác tổ chức lễ hội tại Bắc Giang ngày càng đi vào nền nếp, một số hiện tượng tiêu cực, phản cảm dần được khắc phục, chấn chỉnh. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở về tổ chức lễ hội văn minh, lành mạnh cũng được nâng lên. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống, trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc được bảo tồn, phát huy. Công tác xã hội hóa tổ chức lễ hội được quan tâm hơn.

Mặc dù vậy, thẳng thắn nhìn nhận thì một số lễ hội của tỉnh (chủ yếu hội làng) còn hiện tượng chưa đẹp như: Ăn xin, cờ bạc, xả rác bừa bãi, hành nghề mê tín dị đoan, tự ý nâng giá dịch vụ, trộm cắp, chen lấn xô đẩy, bày bán ấn phẩm không được phép lưu hành, mất an ninh trật tự, hàng quán lộn xộn... Nguyên nhân do ý thức tham gia lễ hội của một bộ phận người dân chưa tốt, sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu sai lệch bản chất về truyền thống văn hóa khi tham gia lễ hội dẫn đến hành vi không đẹp kể trên. Có địa phương thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý, vai trò của cộng đồng và ban quản lý di tích không được phát huy. 

Nhiều người cho rằng lễ hội làng một số nơi có nội dung, hình thức khá giống nhau, ý kiến của ông về vấn đề này?

Quan điểm chỉ đạo của ngành là chỉ khuyến khích bảo tồn các lễ hội truyền thống, hạn chế thấp nhất tổ chức các lễ hội mới không phù hợp hoặc vì mục đích trục lợi. Điều này để tránh chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy”, tuy không có gốc tích, truyền thống nhưng vì “phú quý sinh lễ nghĩa”, thấy làng bên cạnh có lễ hội, làng mình cũng "bê" nguyên mẫu lễ hội của làng khác nên thiếu bản sắc, thậm chí có thể làm sai lệch truyền thống. Khi cấp phép cho các lễ hội mới, chúng tôi sẽ đặc biệt lưu tâm vấn đề này.

Năm nay công tác chỉ đạo tổ chức lễ hội có những điểm gì mới, thưa ông?

Ngoài lễ hội quy mô làng, xã vẫn được duy trì thường niên thì một số địa phương nâng tầm tổ chức các lễ hội quy mô cấp huyện gắn với các sự kiện quan trọng tại địa phương để có sự đầu tư, chỉ đạo tốt. Qua đó ôn lại truyền thống, niềm tự hào quê hương, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Bắc Giang. Huyện Lạng Giang và TP Bắc Giang có lễ hội kỷ niệm 590 năm chiến thắng Cần Trạm - Hố Cát - Xương Giang gắn với khánh thành dự án Khu di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang; huyện Yên Dũng tổ chức lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm và khánh thành Nhà trưng bày, lưu giữ mộc bản; lễ hội chùa Bổ Đà (Việt Yên) kết hợp đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Hội Cầu Vồng lần thứ IV của huyện Tân Yên gắn với khai mạc Đại hội thể dục thể thao huyện lần thứ VIII... Ngành sẽ tập trung chỉ đạo, phối hợp tổ chức tốt các lễ hội nhằm tạo ấn tượng với du khách, trở thành điểm nhấn về văn hóa, du lịch trong dịp đầu xuân, từng bước đưa lễ hội đi vào nền nếp, quy củ hơn.

Xin ông cho biết, để khắc phục biểu hiện tiêu cực trong lễ hội, tỉnh có biện pháp chỉ đạo gì?

{keywords}
Người dân nên tham gia các lễ hội trong tỉnh để có thể hiểu thêm về truyền thống, lịch sử văn hóa của quê hương. Khi có dự định tham gia lễ hội, mỗi người nên tìm hiểu về giá trị di tích, lễ hội đó để cảm nhận được cái hay, cái đẹp.

Ông Nguyễn Sĩ Cầm

Lễ hội là sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Để phát huy nét đẹp truyền thống phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó cần phải trả lễ hội về cho nhân dân tổ chức, quản lý, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của chính bà con. Đồng thời rất cần sự quan tâm của chính quyền cơ sở và hơn hết là ý thức từ mỗi người dân. Với chức năng của mình, bên cạnh thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành tại các lễ hội trọng điểm theo kế hoạch, lực lượng chức năng của Sở sẽ kiểm tra lễ hội đột xuất, từ đó ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực như: Xóc thẻ, rút thẻ, bói toán, đốt vàng mã tràn lan, cờ bạc trá hình, lưu hành văn hóa phẩm trái phép...

Sở yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo phân cấp quản lý lễ hội, tập trung vào một số nội dung như: Khi tổ chức lễ hội phải có phương án, bố trí lực lượng bảo đảm an toàn cho di tích, du khách, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ. Cấm hoạt động đổi tiền lẻ, hướng dẫn đặt hòm công đức trong di tích. Các lễ hội cần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động có hiệu quả các nguồn kinh phí từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hạn chế việc sử dụng ngân sách nhà nước. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội.

Ông có nhắn nhủ gì đối với người tham gia lễ hội?

Người dân nên tham gia các lễ hội trong tỉnh để có thể hiểu thêm về truyền thống, lịch sử văn hóa của quê hương. Khi có dự định tham gia lễ hội, mỗi người nên tìm hiểu về giá trị di tích, lễ hội đó để cảm nhận được cái hay, cái đẹp. Nhân dân nâng cao ý thức, ứng xử văn minh khi tham gia lễ hội, không xô đẩy, tùy tiện đặt tiền công đức, đốt nhiều vàng mã và dâng cúng lễ vật không phù hợp... Mọi người cũng cần đề cao cảnh giác, tránh để mất cắp tài sản ở chỗ đông người. Đặc biệt là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, không đi lễ vào giờ làm việc, không sử dụng xe công đi lễ hội nếu không được phân công nhiệm vụ.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...