Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước: Giảm đầu mối, tăng hiệu quả

Cập nhật: 10:50 ngày 10/02/2017
(BGĐT) - Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp (DN) nhà nước thuộc tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Đề án 200) theo Nghị quyết số 140-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang được triển khai khẩn trương. Đây là khâu "đột phá" trong cải cách hành chính của tỉnh, giúp các cơ quan, đơn vị, DN nâng cao tính tự chủ, giảm chi từ ngân sách.
{keywords}

Ngay sau khi thành lập, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khẩn trương ổn định bộ máy, tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao.  Ảnh: Nhân viên Trung tâm kiểm nghiệm mẫu thực phẩm.

Quyết tâm cao

Tính đến thời điểm đề án được phê duyệt vào tháng 9-2016, toàn tỉnh có 1.306 đơn vị sự nghiệp công lập và DN nhà nước thuộc tỉnh quản lý. Trong đó có 258 đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước được rà soát đợt này. Ở các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo có 25 đơn vị; y tế 45 đơn vị; văn hóa, thể thao và du lịch 23 đơn vị; quản lý dự án đầu tư xây dựng 14 đơn vị; lĩnh vực khác 125 đơn vị và 26 DN. Việc sắp xếp tiến hành theo từng giai đoạn (giai đoạn 1 từ năm 2016-2017; giai đoạn 2 từ năm 2018-2020). 

Trước đó, Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thành lập tổ công tác khảo sát thực tế để nắm rõ thực trạng, tham mưu xây dựng phương án sắp xếp lại. Nguyên tắc sắp xếp là đẩy mạnh phân cấp quản lý và thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh về tinh giản biên chế. Đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu quả thấp sẽ phải giải thể hoặc sáp nhập; nếu có khả năng khai thác nguồn thu sẽ chuyển sang tự trang trải kinh phí hoạt động. Tiếp tục củng cố, kiện toàn đối với đơn vị đặc thù. 

Sau khi sắp xếp lại, toàn tỉnh Bắc Giang giảm 193 biên chế và 3 hợp đồng 68; ngân sách nhà nước cấp mỗi năm giảm khoảng 85 tỷ đồng do đơn vị tự chủ hoàn toàn.

Sắp xếp, kiện toàn là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, liên quan đến quyền lợi của nhiều tập thể và cá nhân, là sự thay đổi cơ chế quản lý và hoạt động vốn đã ăn sâu vào tư duy, thói quen. Bởi vậy, lãnh đạo các cấp, các ngành đều thể hiện quyết tâm chính trị rất cao. Quá trình thực hiện dựa trên quy định pháp luật, các văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Bảo đảm sau sắp xếp các cơ quan, đơn vị, DN hoạt động tốt hơn, phát huy tiềm năng đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao tính tự chủ, giảm bớt đầu mối.  

Do có sự chủ động và chuẩn bị kỹ lưỡng nên cơ bản cán bộ quản lý, nhân viên các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, TP đồng thuận, nhất trí với phương án sắp xếp. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, DN tích cực tuyên truyền, giải thích giúp người lao động nắm rõ chủ trương và thực hiện nghiêm túc. 

Khẩn trương, trách nhiệm

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến nay, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế; giáo dục, lao động - thương binh và xã hội; văn hóa, thể thao, du lịch và các công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước đã cơ bản hoàn thành; bảo đảm lộ trình kế hoạch đề ra. Ở các công ty cổ phần, 3/11 đơn vị thuộc diện thoái vốn Nhà nước đã thực hiện xong và tiếp tục thực hiện theo lộ trình ở các DN còn lại. Các sở, ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, trình phương án đề xuất đối với nhóm đơn vị, DN thuộc thẩm quyền quyết định của T.Ư. 

Từ ngày 1-1-2017, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hình thành trên cơ sở hợp nhất các đơn vị: Y tế dự phòng tỉnh, phòng chống HIV/AIDS, sốt rét - nội tiết, truyền thông giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe sinh sản và trung tâm mắt. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: "Việc sắp xếp, ổn định các khoa, phòng chuyên môn được tiến hành khẩn trương, bố trí công việc cho cán bộ, viên chức phù hợp với năng lực, vị trí việc làm. Hiện Trung tâm có 3 phòng, 15 khoa; tổng số 178 cán bộ, trong đó 1 giám đốc và 6 phó giám đốc. Cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, nhân viên yên tâm làm việc". 

Còn tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh, công tác sắp xếp tổ chức, biên chế triển khai đúng kế hoạch. Đến ngày 8-2, trung tâm đã kiện toàn các tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên. Hầu hết cán bộ, người lao động đồng thuận với chủ trương, sớm ổn định tư tưởng và tập trung thực hiện nhiệm vụ. Văn phòng Quản lý đất đai các huyện, TP trước đây quy về một đầu mối do Sở Tài Nguyên và Môi trường quản lý. Vì có sự chỉ đạo thống nhất, kịp thời của Sở nên sau một thời gian, hoạt động của Văn phòng ổn định, phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, việc sáp nhập cũng khiến nhiều đơn vị mới thành lập dôi dư lao động. Đơn cử như ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh, giáo viên môn Toán, Ngữ văn, nhân viên kế toán, tạp vụ, thủ quỹ thừa từ 1 đến 2 người; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cũng dôi dư ở bộ phận hành chính. Các đơn vị đang nghiên cứu phương án tạo thêm việc làm, bảo đảm đời sống cho cán bộ. 

Theo ông Trần Văn Đông, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ và Tổ chức phi chính phủ (Sở Nội vụ), sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập và DN nhà nước thuộc tỉnh theo Nghị quyết 140 của BTV Tỉnh ủy giúp khắc phục tình trạng hoạt động kém hiệu quả và sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; những bất hợp lý trong cơ cấu tổ chức, biên chế, giảm đầu mối và cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảm biên chế; bảo đảm cơ chế hoạt động và quản lý nhà nước đối với DN phù hợp hơn, phát huy khả năng tự chủ của các đơn vị. 

Để Nghị quyết 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục đi vào cuộc sống, tạo sự thay đổi đồng bộ, rõ rệt trong quản lý, điều hành, nâng cao tính tự chủ, phát huy hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp và DN, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các huyện, TP tiếp tục rà soát, sắp xếp các đơn vị giáo dục; hướng dẫn các đơn vị, DN xây dựng phương án tự chủ tài chính. Sở Nội vụ cũng sẽ phối hợp với các ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh đánh giá kết quả giai đoạn vừa qua, từ đó rút kinh nghiệm thực hiện giai đoạn tiếp theo.

Kim Hiếu - Mai Toan 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...