Thứ bảy, 11/05/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thực hiện Đề án xây dựng cơ sở vật chất giáo dục mầm non: Chủ động nguồn lực hỗ trợ

Cập nhật: 10:30 ngày 14/02/2017
(BGĐT) - Sau hai năm thực hiện Đề án xây dựng cơ sở vật chất giáo dục mầm non giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định 870 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, dù chưa đạt kế hoạch so với mục tiêu đề ra song nhiều địa phương đã có cách làm hiệu quả trong việc khai thác các nguồn lực xóa phòng học tạm, học nhờ. 
{keywords}

Trường Mầm non Nghĩa Hòa (Lạng Giang) có đủ trang, thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Quyết tâm xóa phòng học tạm, học nhờ

Trước khi triển khai Đề án, theo đánh giá của ngành giáo dục, tuy được các cấp, ngành, địa phương quan tâm nhưng cơ sở vật chất giáo dục bậc mầm non chưa đáp ứng nhu cầu. Ở các huyện: Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lục Ngạn, tỷ lệ phòng kiên cố thấp so với bình quân toàn tỉnh. Nhiều trường thiếu phòng học, phòng chức năng cũng như các điều kiện khác để tổ chức hoạt động giáo dục. Còn tại các xã quanh khu công nghiệp ở huyện Việt Yên, trường mầm non công lập thường xuyên quá tải, có nhóm, lớp lên tới 45-50 em. Toàn tỉnh vẫn còn 333 phòng học nhờ, 240 phòng học tạm. 

Bà Nguyễn Thị Lý, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho hay: “Tình trạng này nếu không sớm cải thiện, không những trẻ chịu nhiều thiệt thòi mà chất lượng giáo dục về lâu dài cũng ảnh hưởng". 

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 276 trường mầm non. Dự kiến đến năm 2020, số trẻ độ tuổi mầm non ra lớp đạt hơn 124 nghìn, tăng hơn 18 nghìn trẻ. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ trên địa bàn đòi hỏi cơ sở vật chất giáo dục mầm non tiếp tục được các cấp, ngành, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng nhiều hơn nữa.

Từ năm 2015 đến nay, nhiều địa phương chủ động rà soát đánh giá thực trạng, xây dựng kế hoạch thực hiện gắn với vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền. Được biết, hai năm qua, từ các nguồn kinh phí đầu tư, toàn tỉnh xây mới 295 phòng học. 

Bà Đỗ Thị Hương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên cho biết: Do có sự tham mưu của ngành và chỉ đạo tích cực, kịp thời của cấp ủy, năm 2016 toàn huyện xây mới 77 phòng học, kinh phí 650 triệu đồng/phòng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 250 triệu đồng, cấp huyện 100 triệu đồng, còn lại ngân sách xã và nguồn vốn khác. Đến nay 30 phòng đã đưa vào sử dụng, còn lại bàn giao trong quý I năm nay. Với kết quả này, Việt Yên trở thành một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành mục tiêu xóa phòng học tạm bậc mầm non. 

Bà Nguyễn Thị Lịch, thôn Đức Liễn có cháu nội học lớp 5 tuổi tại Trường Mầm non Hồng Thái chia sẻ: "Trước đây cháu học ở nhà văn hóa vừa chật chội lại không có nhiều đồ chơi. Từ khi có trường mới, sân chơi rộng, thoáng mát nên gia đình tôi yên tâm hơn". 

Tranh thủ các nguồn lực    

Năm 2017, UBND tỉnh trích ngân sách 35 tỷ đồng hỗ trợ xây mới một số trường mầm non xung quanh khu công nghiệp của huyện Việt Yên và xóa phòng học tạm, học nhờ tại các địa phương còn lại. Một số xã do điều kiện kinh tế khó khăn, không có kinh phí đối ứng, UBND các huyện đã sớm vào cuộc tháo gỡ. 

Ví như UBND huyện Lục Ngạn trích ngân sách hỗ trợ đối với từng công trình, ưu tiên vốn cho thôn, xã đặc biệt khó khăn. Nổi bật là hỗ trợ công trình nhà lớp học Trường Mầm non Phì Điền và lớp học khu Đồng Giao, xã Quý Sơn mỗi công trình 300 triệu đồng; Trường Mầm non Giáp Sơn gần 420 triệu đồng; các dự án còn lại mức hỗ trợ bình quân 150 triệu đồng.

{keywords}

Trường Mầm non Hồng Thái (Việt Yên) vừa đưa vào sử dụng.

Bên cạnh huy động nguồn vốn từ ngân sách, các huyện, thành phố tranh thủ nguồn lực từ tổ chức, doanh nghiệp. Điển hình như huyện Lục Ngạn vận động Công ty Xăng dầu Hà Bắc hỗ trợ 500 triệu đồng xây dựng lớp học thuộc Trường Mầm non Hộ Đáp tại thôn Đồng Phai, Đồng Chủa; huyện Lục Nam vận động Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giúp 3,5 tỷ đồng xây Trường Mầm non Nghĩa Phương 2; huyện Yên Thế phối hợp với Hội Hỗ trợ Giáo dục Việt Nam (Canada), Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, Hội Khuyến học tỉnh tài trợ gần 600 triệu đồng xây Trường Mầm non Phồn Xương đặt tại điểm lẻ thôn Thành Chung. 

Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2018 xóa phòng học tạm, học nhờ; năm 2020 có 88,3% phòng học kiên cố, 88,5% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Để hoàn thành mục tiêu trên, khó khăn nhất đối với nhiều địa phương vẫn là thiếu kinh phí. 

Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, thời gian tới, phòng GD&ĐT, lãnh đạo các trường tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp tập trung ưu tiên kinh phí xây dựng trường, lớp học mầm non. Tăng cường kêu gọi, huy động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, những người con quê hương thành đạt chung tay, góp sức xây trường, lớp... Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng. Những nơi đã bàn giao, đưa vào sử dụng, ban giám hiệu tiếp tục vận động xã hội hóa bổ sung thiết bị đồ chơi, đồ dùng dạy học, xây dựng cảnh quan sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn, giúp trẻ phát triển toàn diện. 

Thu Hằng - Mai Toan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...