Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 31 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Gắn lễ hội với phát triển du lịch

Cập nhật: 16:36 ngày 20/02/2017
(BGĐT) - Những ngày đầu Xuân Đinh Dậu 2017, tại các điểm đến văn hóa tâm linh, danh lam thắng cảnh và một số lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thu hút lượng du khách tăng rất mạnh so với năm trước. Thực tế  này tiếp tục gợi mở cho chúng ta hướng đi về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội gắn với phát triển du lịch.

{keywords}

Rước kiệu trong lễ hội Xương Giang - Cần Trạm - Hố Cát.

Bắc Giang có khoảng 500 lễ hội lớn nhỏ, là một kho tàng văn hóa, nơi lưu giữ những tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử truyền thống, những sinh hoạt văn hóa văn nghệ, nơi phản ánh tâm thức người dân Việt một cách trung thực, sống động. Những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội của tỉnh từng bước đi vào nền nếp. Hoạt động lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng, phát huy được năng lực sáng tạo các giá trị văn hoá của nhân dân; giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”... 

Xác định lễ hội là một trong những tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch cho nên trong chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2015- 2020, tỉnh đề ra kế hoạch xây dựng hai trong ba loại hình sản phẩm du lịch liên quan đến lễ hội là: Văn hóa - tâm linh; lịch sử - văn hóa; ngoài ra còn sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng. Thực hiện kế hoạch này, rất nhiều việc đã được làm khẩn trương, sáng tạo và hiệu quả. Công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá thông qua các sự kiện lễ hội được nâng tầm ở quy mô cấp huyện, cấp tỉnh và được đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông của trung ương và địa phương, mạng xã hội. 

Chính quyền, ngành chức năng đã tích cực triển khai việc lập hồ sơ để nhiều di sản, di tích được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt và di sản thế giới. Từ tỉnh đến cơ sở đã dành khoản kinh phí khá lớn từ ngân sách và huy động xã hội hóa đầu tư phát triển giao thông, hạ tầng các khu văn hóa tâm linh, di tích lịch sử văn hóa... Điển hình là Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử (Sơn Động); Khu di tích Chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang); chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện trúc lâm Phượng Hoàng (Yên Dũng); chùa Bổ Đà (Việt Yên)... 

Những nỗ lực đó đã mang lại sự chuyển biến mới về bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa, các di tích, di sản, lễ hội gắn với phát triển du lịch. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, lồng ghép các hoạt động nổi bật khác vào tổ chức lễ hội như: Lễ hội 590 Chiến thắng Xương Giang và khánh thành đền Xương Giang; Hội Cầu Vồng gắn với Đại hội thể dục thể thao huyện Tân Yên lần thứ VIII; Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Yên Thế gắn với khai trương khu du lịch tâm linh sinh thái Xuân Lung - Thác Ngà; Lễ hội chùa Bổ Đà, đón nhận Bằng di tích cấp Quốc gia đặc biệt và  liên hoan hát quan họ... Kết quả là lượng du khách đến với lễ hội đã tăng đáng kể trong những ngày đầu xuân vừa qua. Có ý kiến cho rằng, với đà này, mục tiêu của tỉnh thu hút 1 triệu khách du lịch đến Bắc Giang có thể đạt được trong năm nay, thay vì đặt ra ở năm 2020.

Du khách đến với lễ hội truyền thống là muốn tìm hiểu, khám phá về vùng đất, con người hôm qua, hôm nay, về những giá trị văn hóa, tín ngưỡng của lễ hội, tính dân gian và tính phổ quát của lễ hội. Đó cũng là dịp để thưởng ngoạn phong cảnh đẹp, nghệ thuật ẩm thực và mua sắm sản vật địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều du khách đi hội mà bị "hành" bởi những hành vi phản cảm. Việc đi lại lộn xộn, chen lấn; cờ bạc núp bóng trong các trò chơi dân gian; cảnh ăn xin, ăn mày, trộm cắp, vứt rác bừa bãi; lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm, các loại dịch vụ thi nhau "chặt chém"... Ở những lễ hội còn tình trạng như thế thì chắc chắn du khách sẽ "một đi không trở lại". 

Để gắn lễ hội với phát triển du lịch thì việc ngăn ngừa hình ảnh phản cảm ở lễ hội là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm. Ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần thực hiện tốt hơn nữa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc tổ chức lễ hội. Tiếp tục thực hiện đồng bộ giải pháp về xây dựng sản phẩm du lịch của tỉnh. 

Theo đó, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch có trọng tâm, trọng điểm; tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; tổ chức tốt một số lễ hội lớn; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu quảng bá lễ hội cũng như phát triển du lịch trên báo chí và mạng xã hội. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch nói chung, hướng dẫn viên ở lễ hội, di tích, di sản nói riêng để phục vụ khách du lịch. Tạo điều kiện để các công ty lữ hành liên kết đưa đón khách du lịch trong nước, quốc tế về Bắc Giang.

Tín hiệu vui về lượng khách du lịch đến Bắc Giang đầu năm 2017 cho chúng ta thêm niềm tin và động lực để tiếp tục có cách làm sáng tạo trong việc gắn lễ hội với phát triển du lịch ngày càng đạt hiệu quả cao.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...