Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phấp phỏng mùa hoa vải

Cập nhật: 14:51 ngày 24/02/2017
(BGĐT) - Cữ này năm trước, vải thiều nở hoa rộ. Nhưng vì mùa đông ấm nên nhiều vườn vải hiện nay vừa ngậm nụ vừa nhú lộc, hiện tượng rất ít khi xảy ra. Người trồng vải ở Bắc Giang đang đứng trước nguy cơ trắng tay vụ này.
{keywords}

Cán bộ khuyến nông xã Thanh Hải (Lục Ngạn) hướng dẫn người trồng vải xử lý lộc đông.

Thanh Hải là xã trọng điểm ở “vương quốc” vải thiều Lục Ngạn với diện tích gần 880 ha. Lập xuân đã gần nửa tháng, những cây vải thiều sớm, u hồng ra hoa theo đúng quy luật nhưng hàng trăm ha vải chính vụ lại không trổ bông mà phát lộc, số còn lại chưa rõ có ra hoa hay không. Nỗi lo mất mùa hiển hiện trên nét mặt của những người có kinh nghiệm chăm sóc cây trồng này. 

Gia đình ông Trương Văn Hai, thôn Hà Thanh có hơn 1 mẫu vải, mỗi năm cho khoảng 6 tấn quả. Năm nay chỉ có vài cây vải u hồng nở hoa, còn lại toàn bộ vải chính vụ vừa nhú lộc lại ngậm nụ. Trên mỗi đầu cành, chồi non nhú xen búp nụ nhỏ xíu. Chủ hộ buồn rầu: “Thời tiết ấm kéo dài hơn chục ngày nữa thì vải thiều sẽ đồng loạt phát lộc, lấn át khiến nụ teo dần. Mùa vải thiều không hoa, đồng nghĩa vụ này thất thu”. 

Không riêng xã Thanh Hải, người trồng vải khắp huyện Lục Ngạn thắc thỏm trông chờ  không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ giảm sâu, kéo dài để cây trồng này đủ điều kiện trổ bông, ra hoa theo đúng quy luật. Trong số 16 nghìn ha vải thiều của huyện chỉ có khoảng 800 ha vải sớm ra hoa, diện tích còn lại phần đã ra lộc, phần chưa rõ ràng, trông chờ vào thời tiết những ngày tới. 

Các phòng, ban chuyên môn của huyện Lục Ngạn, các xã, thị trấn tập trung theo dõi diễn biến thời tiết, sự phát triển của vải thiều để có biện pháp kỹ thuật áp dụng phù hợp. Trường hợp xấu nhất là vải thiều thất thu, UBND huyện sẽ có chỉ đạo tăng cường sản xuất đối với các loại vật nuôi, cây trồng khác, bảo đảm người dân vẫn có thu nhập.

Ở huyện Lục Nam, trước tình hình thời tiết bất thường, mấy ngày qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã kiểm tra sự phát triển của cây vải thiều ở các xã trọng điểm gồm: Đông Hưng, Bình Sơn, Lục Sơn, Trường Sơn, Vô Tranh. Ông Vũ Văn Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện lo lắng: “Lục Nam có hơn 600 ha vải, khoảng 50% diện tích ra lộc, còn lại đang nhú lộc kèm nụ, chưa biết có phát triển thành hoa hay không. Chắc chắn năm nay, sản lượng trái cây này giảm nhiều”. 

Sinh ra và lớn lên trên vùng vải thiều, nhiều năm gắn bó với công tác chỉ đạo sản xuất, ông Tăng Văn Huy, Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn khẳng định, hiếm có năm nào mùa đông ấm như vừa qua. Thông thường, vải thiều ngủ đông cần ít nhất 15 ngày có nhiệt độ dưới 15 độ C thì quá trình phân hóa, ủ mầm hoa diễn ra, thiếu yếu tố này cây thường chỉ ra lộc. Mùa đông vừa qua chỉ có 3 ngày dịp “Tết ông Công ông Táo” nhiệt độ xuống thấp. Năm 2008, trời lạnh kéo dài 38 ngày, cây trồng này vẫn ủ mầm hoa tốt, ra hoa muộn hơn và vẫn được mùa. 

Thời điểm này, ngoài vải thiều sớm chiếm diện tích không lớn đã ra hoa, còn lại hàng chục nghìn ha vải thiều chính vụ trên địa bàn tỉnh ra lộc hoặc khả năng trổ hoa rất thấp, dự báo thất thu. Năm trước, nhiều hộ được mùa vải thiều, giá bán cao nên vụ này quan tâm chăm sóc, chú trọng các biện pháp kỹ thuật như tỉa cành, khoanh gốc, dùng thuốc kích thích theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn mong tiếp tục đón mùa quả ngọt. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến không theo quy luật, người trồng vải không thể xoay chuyển được tình thế. 

{keywords}

Vải thiều chính vụ phân hóa mầm hoa, lộc chưa rõ ràng.

Trong nỗi lo mất mùa, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn với tinh thần “còn nước còn tát” đang tập trung chỉ đạo các xã, hướng dẫn bà con chăm sóc tốt vải sớm đã ra hoa, bảo đảm ổn định năng suất, nâng chất lượng. Với cây vải vừa ra hoa, vừa ra lộc cần ngắt bỏ lộc để cho cành hoa phát triển. Riêng vải thiều chính vụ chưa phân hóa rõ ràng mầm hoa hay lộc cần giữ ẩm nhưng không tưới nhiều nước, sử dụng thuốc kích thích ủ mầm hoa, ra hoa theo khuyến cáo của cán bộ khuyến nông các xã. "Năm nay nhuận hai tháng Sáu, hy vọng thời tiết mùa xuân sẽ thay đổi thuận lợi cho cây vải thiều", ông Huy cho biết.  

Trao đổi với ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, được biết trước tình hình thời tiết bất thuận cho cây vải thiều, Sở đã quan tâm mời các chuyên gia đầu ngành trong nước về khảo sát, đề xuất các biện pháp giúp vải thiều ra hoa nhưng vẫn phải phụ thuộc vào thời tiết những ngày tới. “Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn chỉ đạo, khuyến cáo bà con cách chăm sóc, bảo vệ phù hợp, có hiệu quả. Thời tiết ấm, sâu bệnh cũng sẽ phát sinh, gây hại nhiều, cần có cách phòng trị kịp thời”, ông Phượng chia sẻ.

Bảo Khánh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...