Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Bắc Giang: Chủ động ngăn chặn vi rút cúm, bảo vệ đàn gia cầm

Cập nhật: 08:37 ngày 01/03/2017
(BGĐT) - Cúm A/H7N9 đang lan rộng tại Trung Quốc, gây tử vong cho hàng trăm người và tiếp tục diễn biến phức tạp. Ở Việt Nam tuy chưa xuất hiện nhưng loại vi rút này nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta nếu không có biện pháp phòng ngừa.
{keywords}

Cán bộ thú y xã Phồn Xương (Yên Thế) hướng dẫn người dân tiêm phòng cho gà.

Nguy cơ cao

Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hợp quốc, tháng 1-2017, tại Trung Quốc có 109 trường hợp nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H7N9. Đặc biệt, vi rút này đã biến đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao. Nguy hiểm hơn là H7N9 lưu cữu trong gia cầm, thủy cầm nhưng không ảnh hưởng đến vật nuôi mà chỉ gây hại khi xâm nhập vào cơ thể con người. Do đó, khi gà, vịt nhiễm loại vi rút này sẽ không có biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài nên việc phát hiện chỉ bằng cách lấy mẫu xét nghiệm. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có vắc xin phòng cúm H7N9 trên đàn gia cầm, thủy cầm.

Cùng đó, tại một số tỉnh trong cả nước đã xuất hiện cúm gia cầm H5N1, thời tiết lại thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Những yếu tố này sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, nguy cơ vi rút cúm H7N9 vào Việt Nam rất cao, nhất là Bắc Giang thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác chăn nuôi gia cầm trên phạm vi toàn tỉnh. Kết quả bước đầu cho thấy, người dân, chủ trang trại đều tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn, sử dụng giống có nguồn gốc. Tìm hiểu tại huyện Yên Thế, nơi có tổng gà lớn nhất tỉnh với hơn 3,2 triệu con được biết, người dân có ý thức chủ động bảo vệ đàn vật nuôi.

Đơn cử, không chỉ dịp này mà thường xuyên hộ bà Lư Thị Bích Nga, thôn Đồng Nhân, xã Phồn Xương phun thuốc sát trùng, rắc vôi bột khu vực chuồng trại, tiêm vắc xin phòng bệnh cho gà ở từng giai đoạn. Bà Nga cho biết: “Thường nuôi 2 nghìn con mỗi lứa nên ngày nào tôi cũng tiếp xúc với gà như cho gà ăn, uống và vệ sinh chuồng trại. Nếu gà bị bệnh thì người thân của gia đình sẽ mắc đầu tiên nên tôi mua giống tại cơ sở có uy tín và chăm sóc cẩn thận. Tôi còn mua thuốc muỗi rồi tẩm vào màn treo ở gần chuồng nuôi, ngăn ngừa côn trùng đốt gà”. 

Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Phan hạn chế người lạ ra vào vườn nuôi. Người chăn gà phải mặc bảo hộ lao động, lội qua chậu dung dịch chứa Iodine mới đến chỗ đặt máng ăn, đề phòng mầm bệnh lây lan. Theo tổng hợp, từ đầu năm đến nay toàn huyện tiêm hơn 500 nghìn liều vắc xin các loại cho gà, thủy cầm. Nhờ vậy, đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh, lớn nhanh.

Tại các xã Tân Trung, Nhã Nam (Tân Yên); Lương Phong, Danh Thắng, Thường Thắng (Hiệp Hòa) cũng chủ động các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi. Gia đình anh Văn Hữu Vượng, thôn Đồng Tâm, xã Thường Thắng nuôi 5 nghìn con gà đẻ trứng để ấp nở cung cấp giống cho thị trường. Gà bị mắc bệnh sẽ gây thiệt hại rất lớn, phải tiêu hủy toàn bộ nếu phát hiện có mầm bệnh. Bởi vậy, để gà khỏe mạnh, anh làm chuồng nuôi được thiết kế khép kín gồm các dãy ngay hàng, thẳng lối, có hệ thống sưởi ấm vào mùa đông và làm mát trong mùa hè. Gà được nuôi trong lồng kẽm, không tiếp xúc với mặt đất.

{keywords}

Người dân xã Tiên Sơn (Việt Yên) phun thuốc khử trùng khu vực nuôi gia cầm.

Không sử dụng giống trôi nổi

Bộ Y tế khuyến cáo: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời…

Toàn tỉnh có hàng trăm cơ sở ấp nở giống gia cầm quy mô lớn đủ đáp ứng nhu cầu về nuôi thả của người chăn nuôi trong tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để ngăn ngừa tình trạng nhập lậu giống. Tuy nhiên, ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trăn trở, mấy năm gần đây Bắc Giang thực hiện các giải pháp quyết liệt kiểm soát nhập lậu, vận chuyển giống gia cầm, sản phẩm gia cầm song chưa triệt để. Đơn cử, năm 2016, lực lượng chức năng của tỉnh vẫn phát hiện một số vụ vi phạm với số lượng lớn.

Được biết, người nhiễm H7N9 khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sử dụng sản phẩm gia cầm mắc bệnh. Khi đi vào cơ thể người, vi rút gây tổn thương phổi, viêm phổi diễn tiến nhanh chóng, nguy cấp và tử vong. Để ngăn chặn vi rút H7N9 xâm nhập vào địa bàn, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn của Sở tích cực phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển gia cầm qua địa bàn, kiên quyết xử lý khi phát hiện trường hợp vi phạm. 

Đi đôi với biện pháp trên, Sở đề nghị các huyện, TP, Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động tỉnh tăng cường đôn đốc, giám sát phòng chống dịch tại cơ sở; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm. Tiếp tục phối hợp với Cục Thú y lấy mẫu gia cầm tại các chợ, điểm thu gom, tập kết để phân tích; thực hiện tốt tháng cao điểm vệ sinh tiêu độc khử trùng trong tháng 3. 

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái nhấn mạnh: “Cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở cần nỗ lực tuyên truyền để người dân hiểu được sự nguy hại của cúm H7N9 từ đó nâng cao ý thức phòng ngừa. Tuy nhiên, tuyên truyền phải sát thực, đúng hiện trạng, không tạo tâm lý hoang mang, hiểu lầm để người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm gia cầm dẫn đến thiệt hại sản xuất” .

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...