Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khó quản lý, nhiều hệ lụy từ gieo ươm giống cây lâm nghiệp tự phát

Cập nhật: 09:31 ngày 02/03/2017
(BGĐT) - Những năm gần đây, các mô hình trồng rừng phát triển mạnh kéo theo nhu cầu lớn về giống cây lâm nghiệp (GCLN). Nắm bắt cơ hội này, nhiều hộ, tổ chức trong tỉnh Bắc Giang đã mở rộng diện tích gieo ươm cây giống nhưng hoạt động dưới dạng tự phát. Ngành chức năng đang triển khai các biện pháp quản lý, góp phần nâng cao chất lượng GCLN. 
{keywords}

Một điểm gieo ươm cây giống lâm nghiệp tự phát tại xã Đồng Lạc (Yên Thế).

Từng làm nhân viên kỹ thuật phụ trách ươm cây tại Công ty TNHH một thành viên Toản Nam, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế), từ năm 2012 đến nay, anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Cây Gạo, xã Đồng Lạc (Yên Thế) tự mở vườn ươm tại nhà, cung cấp cây giống cho người dân. Hiện với mảnh vườn hơn 3 nghìn m2, mỗi năm gia đình anh sản xuất gần 20 vạn cây, thu nhập hàng chục triệu đồng. 

Không chỉ phục vụ nhu cầu trồng rừng tại địa phương, anh còn xuất bán cho các lái buôn vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Đưa chúng tôi thăm một vòng vườn ươm, anh Tuấn quả quyết: "Tuy chưa thực hiện các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất cây giống theo quy định nhưng với kinh nghiệm nhiều năm, tôi cam kết GCLN mình ươm luôn bảo đảm kỹ thuật, chất lượng. Nhờ giữ chữ tín, tôi luôn có nhiều khách quen, bảo đảm thu nhập cho gia đình".

Nghị định 31 ngày 6-2-2016 của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật như sau: Phạt tiền từ 5 đến 30 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm: Không có địa điểm kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp với từng loài cây trồng, từng cấp giống; không có hoặc không thuê nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp trồng trọt, bảo vệ thực vật trở lên hoặc có giấy chứng nhận, xác nhận tập huấn về trồng trọt, bảo vệ thực vật. Địa điểm sản xuất không phù hợp với quy hoạch của ngành nông nghiệp…

Ghi nhận thực tế tại huyện Yên Thế cho thấy đây là địa phương có số lượng vườn ươm GCLN lớn nhất tỉnh. Toàn huyện có hơn 60 cơ sở gieo ươm, sản lượng hàng chục triệu cây/năm nhưng mới chỉ có 5 cơ sở gồm: Lâm trường Đồng Sơn, Công ty TNHH một thành viên Tùng Dương, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế, Công ty TNHH một thành viên Toản Nam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở còn lại chưa đủ điều kiện khiến lượng lớn GCLN chỉ được sản xuất theo kinh nghiệm, ươm mãi thành quen, khó bảo đảm quy trình, chất lượng. 

Tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang cũng có tình trạng tương tự. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh GCLN nhưng chỉ có 17 cơ sở được cấp phép, quản lý chất lượng. Các cơ sở còn lại chủ yếu tự mua hạt giống về ươm cây bán cho người trồng rừng. 

Lý giải việc này, nhiều chủ hộ thẳng thắn cho biết, thủ tục xin phép rườm rà nên ngại thực hiện. Một số người còn lo ngại sau cấp phép sẽ phải tiếp đón nhiều đoàn kiểm tra, kiểm định chất lượng kéo theo nhiều chi phí, phiền hà. Bên cạnh đó, đa phần các hộ có quy mô nhỏ, thiếu vốn nên chưa đầu tư xây dựng vườn ươm đúng quy cách; hạn chế về trình độ kỹ thuật cũng như hiểu biết pháp luật trong sản xuất GCLN nên chưa thực hiện quy định.

Sản xuất, kinh doanh cây giống tự phát không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý, việc trồng cây từ giống trôi nổi, không bảo đảm chất lượng còn để lại nhiều hệ lụy, làm phát tán sâu bệnh gây thiệt hại cho người trồng rừng. 

Đơn cử nhiều năm về trước, gia đình bà Vi Thị Liên, thôn Phe, xã Vân Sơn (Sơn Động) trồng phải cây giống kém chất lượng khiến rừng bạch đàn sinh trưởng, phát triển kém. Không chỉ thua lỗ, gia đình bà còn phải "đeo" khoản nợ hơn 10 triệu đồng. Hay như mới đây, khoảng 40 hộ dân thôn Nghẽo, xã Tuấn Đạo (Sơn Động) tự tay đốn hạ diện tích rừng trám hơn 10 tuổi. Người dân cho rằng các cơ sở gieo ươm tự thu mua quả, lấy hạt ươm cây giống bán cho người dân nên chất lượng kém.

Theo quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh GCLN phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; được Sở Nông nghiệp và PTNT chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh cây giống; cây được xác nhận xuất xứ, nguồn gốc… đơn vị, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy vậy việc xác minh, xử lý còn gặp nhiều khó khăn do người dân viện lý do tự ươm cây để trồng, giúp người thân… nhằm đối phó lực lượng chức năng. 

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, để từng bước quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh GCLN, đơn vị đang yêu cầu hạt kiểm lâm các huyện thống kê, rà soát các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chấp hành thủ tục liên quan. 

Đặc biệt, để bảo vệ quyền lợi cho mình, Chi cục Kiểm lâm khuyến cáo chủ rừng cần lựa chọn cây giống tại các cơ sở được chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm uy tín, chất lượng theo quy định.

Hồng Dương -  Linh Đan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...