Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hỏa hoạn từ sự cố điện: Thiệt hại khôn lường

Cập nhật: 13:53 ngày 10/03/2017
(BGĐT) - Chỉ một tháng sau Tết, trên địa bàn TP Bắc Giang xảy ra ba vụ cháy lớn bắt nguồn từ sự cố điện. Toàn tỉnh cũng có nhiều vụ chập cháy ở những cột điện hạ áp gần khu dân cư khiến người dân lo lắng. 

{keywords}

Một vụ cháy do chập điện xảy ra ngày 3-3 tại TP Bắc Giang.

Cột điện bốc cháy

Chưa hết bàng hoàng về vụ cháy gây thiệt hại gần một tỷ đồng xảy ra tại một hộ dân ở tổ dân phố Phú Mỹ 3, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) thì người dân nơi đây lại một phen hốt hoảng vì cột điện hạ áp bên cạnh cũng bị chập điện gây cháy trong dịp đầu tháng Ba. Trước đó, khoảng 10 giờ ngày 23-2, một cột điện ở làng nghề mộc Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì cũng gây nổ làm toàn bộ công tơ, đường dây trên cột bị thiêu rụi. 

Tương tự, tại ngõ 152, đường Lều Văn Minh, phường Xương Giang, cột điện hạ áp treo nhiều dây mạng viễn thông, dây điện đấu nối chằng chịt bốc cháy nghi ngút, tia lửa điện bắn ra xung quanh. Do các hộ dân phát hiện, kịp thời dập lửa nên không bị cháy lan. Các vụ chập cháy trên dù không thiệt hại về người nhưng là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn hệ thống điện lưới hạ áp trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Khắc Vinh, Giám đốc phụ trách kỹ thuật, Điện lực TP Bắc Giang cho biết: Những sự cố trên xảy ra chủ yếu tại những đường dây trên lưới điện hạ áp nông thôn, xây dựng từ năm 1990 nên cũ nát, xuống cấp. Từ khi tiếp nhận quản lý đến nay, TP Bắc Giang đã cải tạo, di dời hầu hết những điểm không bảo đảm về khoảng cách, chiều cao, lấn chiếm hành lang giao thông. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên đơn vị vẫn chưa khắc phục được triệt để. Một vài điểm ở các phường Đa Mai, Dĩnh Kế, xã Song Khê… vẫn đang trong quá trình nâng cấp. 

Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, để bảo đảm an toàn cháy nổ, giảm thiểu rủi ro thì sự hợp tác, chấp hành các quy định về an toàn cháy nổ của người dân là rất quan trọng. Người dân cần lắp đặt, cải tạo hệ thống đường điện phù hợp với thiết bị tiêu thụ điện trong nhà, trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ nhằm xử lý kịp thời những tình huống phát sinh.

Tình trạng lưới điện không bảo đảm an toàn cháy nổ xảy ra ở cả 10 huyện, TP. Lục Ngạn có nhiều đường dây xuống cấp, khoảng cách, chiều cao cột điện chưa đáp ứng tiêu chuẩn. Hệ thống điện trên địa bàn chủ yếu do người dân, chính quyền cơ sở lắp đặt từ trước, chắp vá chằng chịt, chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Trên địa bàn huyện cũng từng xảy ra nhiều vụ cháy chập do sự cố điện. Năm 2009, huyện Yên Dũng tiếp nhận quản lý khoảng 400km đường điện hạ áp nông thôn. Sau hơn 7 năm, một số điểm ở các thôn vẫn chưa được cải tạo. 

Thực tế cho thấy có trường hợp chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xâm phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Theo quy định, những khu vực quy hoạch ảnh hưởng đến hành lang an toàn lưới điện thì chính quyền địa phương hoặc chủ đầu tư nơi quy hoạch có trách nhiệm di dời, cải tạo. Tuy vậy, lưới điện hạ áp thường đi trong khu dân cư nên việc giải phóng mặt bằng để cải tạo, xây dựng gặp nhiều khó khăn.

Chủ động phòng ngừa 

Từ đánh giá của cơ quan chức năng, yếu tố gây mất an toàn và dễ phát sinh cháy nổ chủ yếu là do đường diện không bảo đảm chất lượng, quá tải khi sử dụng đồng thời các thiết bị điện. Nhiều hộ dân lắp đặt hàng loạt thiết bị tiêu tốn điện năng như: Máy điều hòa, tủ lạnh, bình nóng lạnh... nhưng không thay mới đường dây từ đồng hồ vào nhà. Cũng có trường hợp tuy sửa chữa, cải tạo nhưng không có khảo sát của cán bộ chuyên môn dẫn tới lắp đặt chắp vá, thiếu đồng bộ. 

{keywords}

Lực lượng chức năng kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện tại Trạm biến áp xã Tân Hưng (Lạng Giang).

Đáng chú ý, một số hộ lắp đặt đường điện ngay sát mái tôn lạnh gắn xốp, không có cầu giao tự ngắt. Khi xảy ra sự cố dẫn đến chập cháy rất nhanh, nhìn thấy cháy mà không thể xử lý kịp. Ý thức phòng ngừa sự cố điện tại nhiều hộ dân còn hạn chế.

Ông Chu Bá Cường, Trưởng Phòng An toàn (Công ty Điện lực Bắc Giang) cho biết: Trang thiết bị điện được coi là nguồn có nguy cơ cháy nổ cao, vì vậy ngành điện rất chú trọng tuyên truyền nâng cao kiến thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên trong thực hiện các quy định về phòng cháy và chữa cháy. 

Đơn vị phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án, kiểm tra định kỳ về việc thực hiện công tác này. Điện lực các địa phương thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình trên hệ thống lưới điện thuộc ngành quản lý. Từ đó có biện pháp xử lý, bảo dưỡng, bổ sung trang thiết bị, phương tiện theo quy định. Tại các khu dân cư, đơn vị tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền về cách thức sử dụng điện an toàn, những nguy cơ tiềm ẩn có thể phát sinh sự cố điện tại các hộ và cách xử lý ban đầu khi có cháy.

Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, để bảo đảm an toàn cháy nổ, giảm thiểu rủi ro thì sự hợp tác, chấp hành các quy định về an toàn cháy nổ của người dân là rất quan trọng. Người dân cần lắp đặt, cải tạo hệ thống đường điện phù hợp với thiết bị tiêu thụ điện trong nhà, trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ nhằm xử lý kịp thời những tình huống phát sinh. Trong quá trình sinh hoạt thực hiện đúng quy định, quy trình vận hành đối với các thiết bị. Thường xuyên kiểm tra các điểm tiếp xúc, khi phát hiện nguy cơ cháy chập báo ngay cho ngành điện.

Ngọc Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...