Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vướng thủ tục, nông sản khó vào siêu thị

Cập nhật: 08:39 ngày 15/03/2017
(BGĐT) - Đưa nông sản vào siêu thị góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. Tuy nhiên hiện nay, sản phẩm “sạch” của tỉnh Bắc Giang vẫn chủ yếu tiêu thụ tại các chợ do thủ tục vào siêu thị còn nhiều vướng mắc.
{keywords}

Người tiêu dùng chọn mua cam Lục Ngạn tại Siêu thị BigC Bắc Giang.

Hàng sạch nhưng thiếu... hóa đơn

Hiện toàn tỉnh có khoảng 2 nghìn ha rau, củ, quả và nhiều trang trại chăn nuôi sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm và có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP. Trong đó vải thiều, rau cần Hoàng Lương đã xuất sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thế nhưng, khảo sát một số siêu thị trên địa bàn tỉnh, nông sản Bắc Giang chỉ chiếm từ 10 đến 20% sản lượng rau, củ, quả bày bán tại đây. 

{keywords}

Thời gian tới, Siêu thị BigC Bắc Giang sẽ tiếp tục mở rộng đơn hàng với các đơn vị, HTX trong tỉnh để thu mua rau, củ đậu, hoa quả với số lượng lớn, giảm bớt chi phí vận chuyển, hạ giá thành cho người tiêu dùng”.


Ông Trần Huy Hùng, Giám đốc Siêu thị BigC Bắc Giang

HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Đa Mai, phường Đa Mai (TP Bắc Giang) thành lập năm 2011 với quy mô 5,7 ha, trong đó gần 4 ha liên tục trồng gối các loại rau ăn lá ngắn ngày và củ, quả. Mỗi ngày, đơn vị bán 700-800 kg sản phẩm các loại cho một số bếp ăn tập thể và thị trường TP Bắc Giang. Đầu năm 2015, HTX ký hợp đồng tiêu thụ rau tại Siêu thị BigC Bắc Giang với sản lượng 2 tạ/ngày. Đến tháng 4-2016, hợp đồng chấm dứt. 

Bà Lương Thị An, Giám đốc HTX nói: “Do HTX chưa có hóa đơn giá trị gia tăng nên gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục thanh toán với doanh nghiệp. Cùng thời điểm, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP hết hạn. Nếu làm thủ tục cấp lại, HTX phải nộp mức phí gần 30 triệu đồng. Đây là số tiền lớn so với quy mô sản xuất nên HTX chưa thực hiện”. Chính bởi những lý do này, hầu hết sản phẩm của đơn vị chủ yếu vẫn được các tiểu thương thu mua.

Sau ba năm triển khai, dự án “Trồng măng tây xanh tại huyện Việt Yên” góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô khoảng 7 ha tại các xã Tự Lạn, Bích Sơn. Đây là loại rau trồng theo phương pháp an toàn sinh học, chất lượng bảo đảm, hàm lượng dinh dưỡng cao nên người tiêu dùng ưa chuộng. Vừa qua, lãnh đạo Siêu thị BigC Bắc Giang đã đến tận nơi đặt hàng, đưa măng tây xanh về bán tại siêu thị. 

Theo đó, sản phẩm phải đáp ứng đầy đủ thủ tục về giấy chứng nhận VietGAP, an toàn thực phẩm, hóa đơn giá trị gia tăng và số lượng đúng yêu cầu. Vậy nhưng có một nghịch lý: Do sản lượng chưa nhiều, thương lái thu mua với giá cao và không yêu cầu về các thủ tục, giấy tờ nên một số hộ chưa mặn mà với việc bán sản phẩm cho siêu thị.

Thời gian qua, trong tỉnh có nhiều nông sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP, VietGAHP nhưng quá trình đưa những sản phẩm này vào siêu thị còn gặp trở ngại. Bên cạnh nguyên nhân do canh tác theo mùa vụ, một bộ phận người dân chưa quen với mô hình liên kết còn do bên bán chưa đáp ứng được những yêu cầu về giấy chứng nhận, hóa đơn...  

Tháo gỡ khó khăn

Toàn tỉnh có 10 siêu thị, trung tâm thương mại. Các đơn vị này đều có nhu cầu liên kết với nhà sản xuất cung cấp nông sản sạch đến người tiêu dùng. Hiện nay, phần lớn nông sản bán trong siêu thị được nhập từ nơi khác về, phí vận chuyển cao. Một số sản phẩm của tỉnh đã ký kết tiêu thụ nhưng chỉ cung cấp theo mùa vụ. Ví như vải thiều Lục Ngạn, cam Đường Canh chỉ thu hoạch trong vòng 1-2 tháng. 

Nhằm khuyến khích người sản xuất đưa sản phẩm nông nghiệp vào hệ thống bán lẻ hiện đại, mới đây, UBND tỉnh có buổi làm việc với đại diện Siêu thị BigC Bắc Giang. Theo đó, Siêu thị BigC sẽ cung cấp thông tin về nhu cầu hàng hóa mua vào (chủng loại, số lượng, tiêu chuẩn, thời gian), đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế tài chính, thanh toán tiền hàng cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, tạo nguồn cung ứng nông sản ổn định. 

Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: Sở đang tham mưu với UBND tỉnh tăng mức hỗ trợ và hướng dẫn các DN, HTX, cá nhân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và hóa đơn giá trị gia tăng. Tổ chức xúc tiến thương mại, tăng cường thông tin thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa sản phẩm nông nghiệp vào siêu thị. Nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ HTX. Riêng HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Đa Mai, các ngành liên quan sẽ hướng dẫn đơn vị tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ, hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục cần thiết, tiếp tục cung cấp sản phẩm vào BigC sớm nhất.

Bên cạnh đó, chính các HTX, người sản xuất cũng cần chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản; đa dạng hóa sản phẩm; quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng thương hiệu, các thủ tục về nhãn mác, hóa đơn cho sản phẩm của mình. Mở rộng quy mô canh tác tập trung; thâm canh, tăng vụ, rải vụ, trồng cây trái vụ theo định hướng của cơ quan chức năng; chủ động liên kết với các tập đoàn, nhà máy, hệ thống siêu thị từ khâu canh tác đến tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...