Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khó khăn trong xử lý vi phạm pháp luật về đê điều

Cập nhật: 14:56 ngày 07/07/2017
(BGĐT) - Mặc dù cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương tích cực vào cuộc xử lý song các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang. Tình trạng này đòi hỏi ngành chức năng, các địa phương cần mạnh tay hơn.
{keywords}

Người dân dựng lều quán bán hàng trên hành lang đê sông Thương, đoạn qua xã Tân Tiến (TP Bắc Giang).

Vi phạm nhiều, xử lý ít

Có dịp khảo sát thực tế tại các tuyến đê trên địa bàn tỉnh, không khó để phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều. Dọc tuyến đê tả Thương, đoạn chảy qua xã Tân Tiến (TP Bắc Giang), nhiều nơi bị người dân lấn chiếm tập kết vật liệu xây dựng, rác thải, thậm chí dựng lều bạt bán hàng. Đáng chú ý, tại thôn Văn Sơn có gần 100 căn nhà kiên cố, nền nhà ngang mặt đê. Bà Hà Ngọc Hoa, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng (TP Bắc Giang) cho biết: "Ðây là những trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sát chân đê. Để đi lại, người dân xây tường bao, đổ đất lên mái đê”. Tương tự, tại tuyến đê tả Cầu thuộc huyện Hiệp Hòa, dễ nhận thấy nhiều nhà cao tầng đang được xây dựng và đã hoàn thiện trên hành lang bảo vệ đê. Dọc các tuyến đê qua huyện Yên Dũng, vi phạm diễn ra phổ biến với lỗi khá đa dạng.

Qua đánh giá, hệ thống đê trên địa bàn đều được đắp từ lâu, chủ yếu là đắp thủ công trên nền yếu. Ðó là chưa kể một số điểm yếu, như tuyến đê sông Lục Nam có cao độ chống tràn kém; đê sông Thương được đắp chủ yếu bằng đất thịt, mặt cắt nhỏ, độ dốc mái đê lớn, thường xuyên xảy ra sạt, trượt mái đê. Còn trên tuyến đê sông Cầu, chất đất chủ yếu là cát pha, chống thấm kém, thường bị mạch đùn, mạch sủi... Trong khi những điểm yếu trên chưa được xử lý thì tình trạng vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Theo ông Khổng Văn Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), công tác quản lý, xử lý vi phạm đê điều hiện còn nhiều bất cập. Lực lượng quản lý đê chuyên ngành vốn mỏng, trong khi chức năng chính là ngăn chặn, lập biên bản và kiến nghị chính quyền các cấp xử lý vi phạm hành lang đê. Trách nhiệm thuộc về các cấp chính quyền nhưng việc xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới xử lý được 193 trường hợp. Hiện còn khoảng 2 nghìn vi phạm chưa được xử lý, tập trung ở các huyện: Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam và TP Bắc Giang.

Cần giải pháp sát thực tế

Để đôn đốc các địa phương tập trung xử lý các vi phạm về đê điều, từ ngày 3 đến 11-7, Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập các đoàn kiểm tra, trực tiếp làm việc với 10 huyện, TP.

Công tác xử lý vi phạm về đê điều còn nhiều khó khăn, lúng túng. Nguyên nhân là do tỉnh hiện có khoảng 50 km đê đi qua các làng cổ, một số đoạn đê đi qua khu dân cư. Khi thực hiện Luật Đê điều, mở rộng hành lang bảo vệ đê đã xảy ra tình trạng đê lấn nhà, dẫn đến có ngôi nhà tồn tại từ lâu trở thành công trình vi phạm. Trước tình trạng này và việc khai thác cát sỏi lòng sông diễn ra phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh vừa yêu cầu một số sở, ngành liên quan, UBND các huyện, TP tăng cường công tác quản lý nhà nước và hiệu lực thực thi Luật Đê điều. Theo đó, các huyện, TP tăng cường công tác quản lý, giám sát trong việc ngăn ngừa và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác cát, sỏi lòng sông. Thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch xử lý và biện pháp phòng, chống thiên tai.

Ghi nhận tại các địa phương cho thấy, ở đâu chính quyền cơ sở vào cuộc quyết liệt thì tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về đê điều được kiểm soát, xử lý kịp thời. Đơn cử tại xã Yên Lư (Yên Dũng). Để vận động nhân dân tháo dỡ công trình vi phạm, cùng với tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, từng đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã xuống từng thôn, gia đình phân tích để người dân hiểu rõ những nguy cơ khi lấn chiếm hành lang đê. Mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu tháo dỡ công trình vi phạm của gia đình mình. Nhờ đó, sau hơn một tháng ra quân, đến nay, toàn xã đã giải tỏa, tháo dỡ 303/483 trường hợp. Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND xã nói: “Với quyết tâm tháo dỡ toàn bộ các công trình vi phạm trong tháng 8, chúng tôi yêu cầu chi ủy, ban quản lý các thôn ký cam kết, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong tháng 7 và 8”. Hay tại xã Đồng Phúc (Yên Dũng), để xử lý vi phạm của gia đình ông Lương Đức Huế, thôn Cao Đồng, Chủ tịch UBND xã tạm dừng phân công công việc khác đối với đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã để tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm. Nhờ đó, vụ việc sớm được giải quyết, trả lại hành lang đê.

Có thể thấy, để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm Luật Đê điều, bên cạnh xử lý nghiêm các vi phạm, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu. "Chính quyền các địa phương cần phân loại vi phạm, trên cơ sở đó tập trung giải quyết các lỗi lớn, tồn tại nhiều năm; kiểm tra, xử lý ngay các vi phạm mới phát sinh. Đặc biệt, gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm", ông Khổng Văn Nguyên đề xuất.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...