Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giải phóng mặt bằng: Có đất “sạch”, được lòng dân - Kỳ 1: Nhiều nơi kêu khó và phức tạp

Cập nhật: 10:14 ngày 10/07/2017
(BGĐT) - Giải phóng mặt bằng là yếu tố quan trọng hàng đầu trong thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, đô thị, công nghiệp, dịch vụ... nhằm thúc đẩy KT-XH. Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận song công tác này còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, thậm chí phát sinh điểm "nóng" khiếu kiện đông người, kéo dài. Nhiều nơi kêu khó, vất vả và phức tạp.
{keywords}

Thi công giai đoạn 2 đường tỉnh 293, đoạn qua xã Long Sơn (Sơn Động).

Nhìn lại những điểm "nóng"

Đường tỉnh 293 - "con đường tâm linh" từ TP Bắc Giang đến Sơn Động khoảng 100 km. Vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp đường gần 2,3 nghìn tỷ đồng với kỳ vọng đánh thức tiềm năng kinh tế các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động và khai thác điểm nhấn du lịch của tỉnh là Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử. Đến nay, đường tỉnh 293 giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành nhưng nhìn lại công tác GPMB thấy lắm gian nan.

Huyện Sơn Động đã phải tổ chức nhiều cuộc bảo vệ thi công và cưỡng chế mặt bằng ở đường tỉnh 293 đoạn qua xã Tuấn Mậu. Hai điểm cưỡng chế ở hộ bà Đặng Thị Thúy và Đặng Thị Chung thôn Mậu. Hai hộ này yêu cầu bồi thường diện tích đất sát mép đường trong khi Hội đồng GPMB không nhất trí đối với diện tích thuộc 5 m hành lang giao thông theo quy định. Bà Thúy, bà Chung đòi quyền lợi không phải không có căn cứ khi đưa ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) bao gồm được cấp cả phần hành lang giao thông. Cơ quan chức năng cho rằng do người cấp sổ đỏ làm sai, nếu bồi thường diện tích 5 m hành lang thì sai lại chồng lên sai. Sau nhiều lần vận động, thuyết phục hai hộ trên giao mặt bằng nhưng không có kết quả, chính quyền đã tiến hành cưỡng chế.

Cũng trên đường tỉnh 293, sau khi đưa vào sử dụng xuất hiện điểm sạt lở lớn. Để xử lý sự cố cần phải GPMB hơn 5,1 nghìn m2 đất lâm nghiệp của gia đình ông Nguyễn Quang Tiến, thôn Bãi Đá, xã Lục Sơn (Lục Nam). Trên diện tích này có 37 cây lim hơn 10 năm tuổi. Ông Tiến cho rằng cây đang sinh trưởng tốt, hứa hẹn đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng và đề nghị giá bồi thường từ 12 - 13 triệu đồng/cây. Vì loại tài sản này chưa có áp giá trong bảng đơn giá được UBND tỉnh phê duyệt nên UBND huyện Lục Nam xây dựng phương án bồi thường từ 8 - 10 triệu đồng/cây để trình lên tỉnh. Hội đồng định giá tỉnh phê duyệt 3 triệu đồng/m3 gỗ. Như vậy, mỗi cây lim chỉ được bồi thường gần 3 triệu đồng nên ông Tiến không nhất trí. Chỉ đến khi  UBND huyện Lục Nam hoàn thiện thủ tục, chuẩn bị tổ chức cưỡng chế, ông Tiến mới chấp nhận bàn giao mặt bằng.

{keywords}

Điểm sạt lở ở đường tỉnh 293 bị vướng mắc GPMB liên quan đến định giá rừng gỗ lim của gia đình ông Nguyễn Quang Tiến, xã Lục Sơn (Lục Nam) đã được giao mặt bằng thi công. Ảnh: Văn Thương.

Liên quan đến GPMB còn tồn tại nhiều điểm "nóng” khác. Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 293 đoạn qua các xã: Nghĩa Phương, Vô Tranh, Trường Sơn, Lục Sơn (Lục Nam) đã đưa vào sử dụng từ hơn 2 năm nay nhưng hàng chục hộ vẫn khởi kiện UBND huyện Lục Nam vì không bồi thường một phần đất hành lang giao thông có trong sổ đỏ. Cũng ở tuyến đường trên, huyện Sơn Động đang giải tỏa mặt bằng phục vụ thi công giai đoạn 2 từ thị trấn Thanh Sơn đến xã Long Sơn nhưng hiện còn hơn 20 hộ dân chưa phối hợp kiểm đếm. Dự án xây dựng khu đô thị mới phía Tây thị trấn Vôi (Lạng Giang) có 35 hộ dân chưa phối hợp để GPMB. Huyện Lạng Giang phải cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đối với nhiều hộ.

Tại dự án xây dựng đường dẫn lên cầu Đông Xuyên (đường tỉnh 295) đưa vào sử dụng từ tháng 7-2014 nhưng đoạn qua thôn Nội Thổ, xã Bắc Lý (Hiệp Hòa) khi ấy vẫn còn một nửa mặt đường dài hơn 30 m, diện tích gần 300 m2 chưa được thi công vì vướng GPMB liên quan đến hộ bà Phùng Thị Hương và hộ ông Phùng Văn Tú. Đoạn đường trũng xuống, tạo thành “ổ voi”, sau gần hai năm, những vướng mắc ở đây mới được giải quyết.

Qua làm việc với lãnh đạo các huyện: Sơn Động, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh... đều có chung nhận xét công tác GPMB khó khăn, vất vả và phức tạp.

{keywords}

Đường tỉnh 295, đoạn qua xã Bắc Lý (Hiệp Hòa) vướng mắc về GPMB sau gần 2 năm mới được giải quyết. Ảnh: Trịnh Lan.

Khó khăn, vướng mắc thường gặp

Vướng mắc nhiều nhất là về giá bồi thường GPMB. Đa số các hộ cho rằng giá và hỗ trợ bồi thường còn thấp, chưa bảo đảm chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định đời sống sau GPMB. Ở những vị trí giáp ranh giữa các huyện với TP, giữa Bắc Giang với tỉnh khác, người dân ở các huyện thường đòi hỏi giá đền bù ngang bằng ở TP vì có khi diện tích đất cùng một cánh đồng nhưng có sự chênh lệch khá lớn.

Vướng mắc về đất công ích (đất giao cho các hộ sử dụng tạm thời) hay phát sinh khiếu kiện. Đất công ích được bồi thường cho UBND xã. Nhưng ở nhiều nơi việc chia gộp đất công ích trong một thửa ruộng nên không xác định được chỗ nào là đất giao tạm thời, chỗ nào là đất giao lâu dài để tách ra mà áp giá.

Sau thời gian chia ruộng đất nông nghiệp lâu dài và việc giao đất, giao rừng cho nông dân, nhiều hộ mua đi, bán lại nhưng không làm thủ tục chuyển nhượng. Khi kiểm đếm để bồi thường GPMB thì chủ sở hữu hiện tại không có giấy tờ chứng minh nên không tiến hành bồi thường được. Khi bán thì rẻ, nay giá bồi thường cao nên xảy ra tranh chấp giữa người mua và người bán.

Tương tự như xác định vị trí đất công ích, ở một số xã miền núi khi cấp sổ đỏ cho một thửa đất không xác định đâu là đất ở, đâu là đất vườn. Diện tích cần GPMB chỉ là một phần thửa đất nên không biết áp giá như thế nào.

Tài sản trên đất rất nhiều loại, trong đó có loại chưa có trong bảng đơn giá. Có loại tài sản đơn giá thấp hơn so với thực tế. Ví dụ nếp nhà gỗ hiện nay chưa có đơn giá bồi thường nên mỗi huyện vận dụng một kiểu, chỗ thì quá cao, nơi lại quá thấp nên nảy sinh so bì, khiếu kiện.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, khoảng 70% đơn thư, khiếu kiện có liên quan đến đất đai. Trong đó, chủ yếu về những bất cập, vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB, tái định cư khi thực hiện các dự án.

Việc xác định thời gian với những công trình lấn chiếm hành lang giao thông khó. Bởi vì khi công trình vi phạm, cơ quan chức năng không tiến hành lập biên bản ngay. Lúc kiểm đếm tài sản để GPMB thì việc kê khai, xác nhận do chính quyền cơ sở làm. Có trường hợp hai hộ sát nhau, cùng xây dựng công trình vi phạm nhưng hộ này được bồi thường, hộ kia không được dẫn đến khiếu kiện.

Khi xây dựng khu đô thị cũng phát sinh vướng mắc giữa người dân với doanh nghiệp. Người dân so sánh giữa giá bồi thường và giá bán đất ở chênh lệch lớn nên yêu cầu được thỏa thuận giá bồi thường với doanh nghiệp thay vì chính quyền địa phương áp giá. Đồng thời, đề nghị được ưu tiên mua lô đất trong khu đô thị với giá ưu đãi. Vướng mắc về di chuyển mồ mả, nhất là mồ mả chung của dòng họ không xác định được chủ để bồi thường vì dòng họ ấy không ủy quyền được cho ai.

Ngoài ra còn khó khăn về đất tái định cư, việc giải quyết đất dịch vụ cho các hộ trong diện bị thu hồi đất nông nghiệp để chuyển đổi nghề nghiệp. Nhiều dự án phải di chuyển hàng nghìn ngôi mộ, điển hình là Khu đô thị phía Nam TP Bắc Giang hiện còn 400 ngôi mộ phải di chuyển nhưng không có nghĩa trang, không có diện tích đất để đặt mộ...

Những khó khăn, vướng mắc trên có một phần từ bất cập về chính sách đất đai, có cái do việc quản lý bị buông lỏng hoặc do nhận thức chưa đầy đủ của cán bộ và người dân liên quan... Vậy những bất cập ấy do đâu, kinh nghiệm giải quyết là gì, cần những giải pháp đồng bộ nào để việc GPMB ngày càng đạt hiệu quả, bảo đảm được mặt bằng, được cả lòng dân ?

(Còn nữa)

Trần Đức - Văn Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...