Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giải phóng mặt bằng: Có đất “sạch”, được lòng dân - Kỳ 2: Bảo đảm hài hòa ba lợi ích

Cập nhật: 10:48 ngày 11/07/2017
(BGĐT) - Để thúc đẩy phát triển KT - XH thì phát triển kết cấu hạ tầng phải đi trước một bước. Muốn phát triển kết cấu hạ tầng thuận lợi thì cần làm tốt giải phóng mặt bằng (GPMB). Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cần khắc phục những bất cập và thực hiện các giải pháp đồng bộ với phương châm bảo đảm hài hòa ba lợi ích: Người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
{keywords}

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy gạch ốp lát Thạch Bàn (Yên Dũng).

{keywords}
   Giải phóng mặt bằng: Có đất “sạch”, được lòng dân - Kỳ 1: Nhiều nơi kêu khó và phức tạp

(Tiếp theo kỳ trước)

Nguyên nhân của những vướng mắc

Giải thích về những vướng mắc, bất cập trong GPMB hiện nay, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang cho rằng, chính sách về đất đai qua nhiều thời kỳ, có nhiều thay đổi. Luật Đất đai có từ năm 1988 nhưng đột phá nhất là Luật năm 1993, đó là xác định đất có giá. Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình công cộng có quyền thu hồi, bồi thường, mức giá bồi thường theo quy định của Nhà nước. Luật năm 2003 có bước tiến mới là với các dự án phát triển KT- XH thu hồi đất sẽ bồi thường theo sát giá thị trường. Có dự án Nhà nước thu hồi đất, có dự án chủ đầu tư thỏa thuận với người dân để thu hồi đất. Quy định này có lợi cho người dân và nhằm hạn chế các dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp nhưng nảy sinh phức tạp là xuất hiện hai loại giá. Đó là giá thu hồi, đối với các dự án Nhà nước thu hồi đất. Giá chuyển nhượng, đối với dự án chủ đầu tư thu hồi đất.

Luật Đất đai năm 2013 quy định bồi thường theo giá phù hợp với thị trường và vẫn tồn tại hai giá. Từ đó dẫn đến vướng mắc là nhiều hộ dân so bì giá đất ở những vị trí giáp ranh giữa các huyện với TP, giữa Bắc Giang với tỉnh khác. Có sự chênh lệch cao, thấp là do việc áp dụng hệ số hỗ trợ của các địa phương khác nhau, chủ đầu tư thỏa thuận với người dân với giá khác nhau. Có trường hợp để đạt được mặt bằng sớm, chủ đầu tư bồi thường bằng cách "phá giá".

Việc chia ruộng đất manh mún, hồ sơ đất thiếu, thậm chí không có; việc quản lý hồ sơ lỏng lẻo gây thất lạc do vậy việc tiến hành các thủ tục bồi thường rất khó khăn, mất nhiều thời gian xử lý đối với đất công ích.

Chính sách hỗ trợ của tỉnh về đất dịch vụ đã được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế nhưng việc giải quyết theo chính sách cũ chưa dứt điểm. Chẳng hạn trong diện phải thu hồi mặt bằng thực hiện dự án xây dựng khu đô thị mới phía Tây thị trấn Vôi (Lạng Giang), bà Nguyễn Thị Thêm, thôn Toàn Mỹ, cho biết, nguyện vọng của gia đình là được mua một lô đất dịch vụ với giá ưu đãi. Căn cứ để bà Thêm đưa ra yêu cầu trên là do cách đây vài năm chính sách này đã thực hiện, tới đây có khoảng 20 hộ được trả đất dịch vụ trong khu đô thị đang xây dựng.

Công tác quản lý nhà nước về hành lang an toàn giao thông còn bất cập và chưa chặt chẽ. Trên một tuyến đường lúc thì cấp sổ đỏ trừ hành lang 5 m, lúc lại trừ 7 m. Chính quyền cơ sở chưa lập biên bản và xử lý nghiêm các vi phạm về hành lang giao thông. Vì thế có sự trớ trêu là người thực hiện nghiêm quy định thì không được bồi thường, còn người chây ỳ, tái phạm lại được bồi thường.

Có tình trạng lực lượng tham gia GPMB chưa lắng nghe đầy đủ những ý kiến phản ánh của nhân dân. Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc công khai, minh bạch trong GPMB chưa thực hiện tốt. Lợi dụng vướng mắc, một số đối tượng vì lợi ích cá nhân đã xúi giục, kích động làm mất đoàn kết nội bộ thôn, xóm. Từ đó gây khó khăn, buộc chủ đầu tư phải “đi đêm”, làm sai quy định cốt sao được việc cho mình, tạo ra tiền lệ xấu trong GPMB.

Một số bài học kinh nghiệm

{keywords}
Bất cập của vấn đề hai giá dẫn đến vướng mắc là nhiều hộ dân so bì giá đất ở những vị trí giáp ranh giữa các huyện với TP, giữa Bắc Giang với tỉnh khác. Có sự chênh lệch cao, thấp là do việc áp dụng hệ số hỗ trợ của các địa phương khác nhau, chủ đầu tư thỏa thuận với người dân với giá khác nhau, có trường hợp để đạt được mặt bằng sớm, chủ đầu tư bồi thường bằng cách "phá giá".

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Thời gian qua, nhiều địa phương đã rút được bài học kinh nghiệm GPMB nhanh, hiệu quả. UBND TP Bắc Giang phân công các đồng chí trong thường trực mỗi người chịu trách nhiệm phụ trách công tác GPMB ít nhất một dự án trọng điểm, trong đó Chủ tịch UBND TP phụ trách dự án có nhiều khó khăn, vướng mắc nhất.

Huyện Yên Dũng có nhiều cách làm hay, có dự án được UBND tỉnh khen thưởng về thành tích GPMB. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng chia sẻ: "Ba năm gần đây Yên Dũng thực hiện GPMB với tổng diện tích 350 ha của 70 dự án. Kinh nghiệm của chúng tôi là lực lượng chức năng sâu sát cơ sở, phát huy vai trò người có uy tín, trước hết là đội ngũ bí thư, trưởng thôn, trưởng các đoàn thể, trưởng xóm... Quy hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, phạm vi giải tỏa, đơn giá, chính sách hỗ trợ, phương án bồi thường… của từng vị trí, loại đất đều được công khai để người dân giám sát, đối chiếu, phản biện". Huyện Yên Dũng còn phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, doanh nghiệp làm tốt việc hỗ trợ bồi thường GPMB, ưu tiên tuyển dụng lao động tại địa phương vào làm việc tại doanh nghiệp. Ví dụ Nhà máy Gạch ốp lát Thạch Bàn (Cụm Công nghiệp Nham Sơn - Yên Lư) đã tuyển dụng 90% trong tổng số 600 công nhân là con em ở xã Nham Sơn, Yên Lư.

Khi giải quyết vướng mắc do mua đi, bán lại đất nông, lâm nghiệp nhưng không làm thủ tục chuyển nhượng, theo quy định thì phải bồi thường cho người có tên trong hồ sơ đất nhưng nhiều địa phương áp dụng phương pháp bồi thường theo thực tế, tức là trả tiền cho người mua. Trong trường hợp này, cán bộ đứng ra làm trọng tài, hòa giải bảo đảm hài hòa lợi ích của hai bên.

Ông Trần Xuân Đông, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho rằng cái khó nhất trong thực hiện GPMB mà Ban không làm được là xác định lịch sử đất, nếu như chính quyền cơ sở, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố không vào cuộc tích cực, người thực thi nhiệm vụ năng lực yếu, thiếu trách nhiệm, phát ngôn không nhất quán thì rất khó làm. Do vậy, kinh nghiệm của Ban là phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đề nghị cử cán bộ có năng lực, trách nhiệm và bảo đảm thông tin đến với dân công khai, minh bạch.

Kiến nghị, đề xuất

Như đã nêu ở trên, vấn đề hai giá trong GPMB dẫn đến hệ lụy doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường với dân nên có khi phải "đi đêm", "phá giá", không bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và công bằng giữa các hộ dân trong cùng một dự án. Có nơi doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh nhưng trong khuôn viên vẫn còn vài ngôi mộ vì không thỏa thuận được với người dân. Để khắc phục tình trạng này cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần quan tâm lập quy hoạch cụ thể, chi tiết và công khai các cụm công nghiệp, làng nghề nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, hạn chế tối đa việc doanh nghiệp phải thỏa thuận với dân về GPMB.

Trình tự, thủ tục về bồi thường GPMB, về cưỡng chế thu hồi đất đã được UBND tỉnh quy định rõ ràng, đặc biệt là quy định về công khai, minh bạch nhưng chính quyền một số địa phương, nhất là chính quyền cơ sở chưa làm tốt, có nơi chính quyền ngại tổ chức họp, đối thoại với dân. Người dân thiếu thông tin, những kiến nghị của dân chưa được giải đáp kịp thời dẫn đến thắc mắc, khiếu kiện. Khắc phục hạn chế này ngành chức năng cần quan tâm bồi dưỡng, tập huấn về công tác GPMB để nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm cho lực lượng liên quan, bảo đảm thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục về GPMB.

Với những vướng mắc về xác định vị trí đất công ích, đất ở, đất vườn cần linh hoạt thực hiện bồi thường theo hiện trạng. Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, chuyên gia nước ngoài khuyến cáo, trong trường hợp việc xác định vị trí đất không có trong hồ sơ là lỗi quản lý đất đai của chính quyền nên việc bồi thường phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết.

Bảo đảm thực hiện quyền lợi chính đáng của người dân theo Luật Đất đai năm 2013 là giá bồi thường phù hợp với giá thị trường, nhiều ý kiến đề nghị tỉnh cần sớm điều chỉnh đơn giá trong bảng giá đất theo hướng nâng giá một số loại tài sản trên đất sát giá thị trường.

Để giải quyết vướng mắc việc cấp sổ đỏ chồng lấn hành lang giao thông; chưa xác định vị trí các loại đất, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần kiểm tra, rà soát để thu hồi, cấp lại với những sổ đỏ đang bị cấp sai. Cùng đó tăng cường quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lấn chiếm hành lang giao thông. Xử lý nghiêm những đối tượng vì lợi ích cá nhân xúi giục, kích động, gây mất đoàn kết và gây khó khăn cho GPMB.

Với những dự án xây dựng khu đô thị cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp hơn và điều chỉnh hệ số, giá bồi thường bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Nhiều hộ dân đề nghị Nhà nước, doanh nghiệp quan tâm hơn nữa việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp với các hộ trong diện bị thu hồi đất, làm thế nào người dân sau khi bị thu hồi đất có cuộc sống ít nhất bằng và cải thiện hơn. Có như vậy thì GPMB mới vừa có đất "sạch", vừa được lòng dân.

Trần Đức - Văn Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...