Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tu bổ đê vẫn dở dang giữa mùa mưa

Cập nhật: 09:12 ngày 11/08/2017
(BGĐT) - Tuy đã bước vào thời kỳ cao điểm mùa mưa lũ song nhiều hạng mục tu bổ đê điều vẫn chưa hoàn thành, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tuyến đê. Do vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đang đôn đốc đơn vị chủ trì đẩy nhanh tiến độ thi công, có giải pháp bảo vệ an toàn công trình.
{keywords}

Hạng mục làm kè đê tả Cầu Ba Tổng, xã Nham Sơn (Yên Dũng) mới thi công phần mái đê, kè bãi sông chưa làm được do nước dâng cao.

Nhiều tuyến đê xuống cấp, bị tràn, xuất hiện mạch đùn, mạch sủi trong mùa mưa lũ, do vậy để bảo đảm an toàn công trình, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, ưu tiên tu bổ đoạn đê xung yếu trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, năm 2017, Bắc Giang thực hiện hai hạng mục gồm: Làm kè đê tả Cầu Ba Tổng, đoạn K9+300 đến K9+750 dài hơn 447 m và đoạn K10+800 đến K11+300 (Yên Dũng) với chiều dài hơn 500 m; đắp tôn cao, áp trúc hoàn thiện mặt cắt đê hữu Lục Nam, từ K2+500 đến K3+050. Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT tỉnh làm chủ đầu tư. Công ty TNHH Xây dựng Đức Lợi thi công. Tổng kinh phí thực hiện hơn 6,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), các dự án tu bổ đê điều phải hoàn thành trước mùa mưa lũ để tăng khả năng ứng phó. Tuy nhiên, đến nay một số hạng mục triển khai chậm. Đến công trình vào ngày 8-8, chúng tôi nhận thấy, hạng mục làm kè tả Cầu Ba Tổng, đoạn K9+300 đến K9+750 thuộc xã Nham Sơn (Yên Dũng) mới lát đá mái đê, phần kè bãi sông chưa thi công. Hạng mục đắp đê hữu Lục Nam, đoạn K2+500 đến K3+050, xã Tiên Hưng (Lục Nam) mới dừng ở việc giao tuyến. Không chỉ hai hạng mục trên, dự án làm đường gom dân sinh đê tả Cầu, xã Tiên Sơn (Việt Yên) dài hơn 300 m triển khai từ năm 2016 song đến nay vẫn còn khoảng 30 m thi công dở dang.

Lý giải về tình trạng này, ông Mạnh Quân Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết: Kế hoạch giao vốn muộn, giải phóng mặt bằng chậm. Cụ thể, kè K9+300 đến K9+750, đoạn qua xã Nham Sơn mới hoàn thành mái đê là do nước sông dâng cao nên nhà thầu chưa thể thi công phần kè bãi sông được. Đối với hạng mục đắp đê hữu Lục Nam gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng bãi vật liệu. Sau khi khảo sát, chủ đầu tư đã tìm được bãi vật liệu tại xã Tiên Nha phù hợp để đắp đê. Tuy nhiên, khi chuẩn bị thi công thì bãi vật liệu hết hạn khai thác, cần chờ thời gian để làm thủ tục cấp phép lại, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Nguyên nhân đoạn đường gom tuyến đê tả Cầu, xã Tiên Sơn dở dang là do mặt bằng chưa giải phóng dứt điểm. Bởi lẽ, hộ bà Nguyễn Thị Viễn, thôn Thần Chúc xây dựng công trình xâm lấn vào hành lang bảo vệ đê. Thậm chí, hộ này còn xây hàng rào chắn đoạn đường được thi công. Theo đại diện lãnh đạo xã Tiên Sơn, quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2007, huyện, xã đã không đo đạc, rà soát kỹ khiến phần đất nằm trong hành lang bảo vệ đê lại thuộc quyền sử dụng của hộ bà Viễn. Dù đã được vận động, tuyên truyền nhiều lần song lấy lý do là đất cấp đến đâu, gia đình làm công trình đến đó, bà Viễn nhất quyết không giao mặt bằng. Xã đã tham mưu, đề nghị UBND huyện xem xét, thu hồi và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Thực tế trên cho thấy, việc phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền sở tại thiếu chặt chẽ dẫn đến dự án chậm trễ. Đê điều là công trình đặc thù, nếu thi công vào mùa mưa sẽ gặp nhiều trở ngại nhưng đơn vị chủ trì lại không chủ động tính toán, lường trước một số tình huống. Ví như đáng lẽ phải bố trí thi công phần kè bãi sông tại xã Nham Sơn trước lũ nhưng nay chưa động tĩnh gì, nước sông dâng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho tuyến đê. Về bãi vật liệu cũng bị động, chỉ đến khi gần lấy đất, chủ đầu tư mới nắm được giấy phép khai thác vật liệu hết hạn.

Đê điều là công trình chống lũ quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân khi mưa bão xảy ra. Do nhiều tuyến đê không có điều kiện bảo dưỡng nên từ đầu tháng 6 đến nay, toàn tỉnh xảy ra khoảng 10 sự cố về đê điều và dự báo có thể xuất hiện thêm ở một số vị trí khác. Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và  PTNT cho biết: “Để bảo đảm an toàn công trình, Sở vừa có văn bản yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thi công hoàn thành những hạng mục đê điều đang dở dang; khắc phục, sửa chữa các phần công việc không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo thiết kế được phê duyệt; chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu để xảy ra sự cố mất an toàn đê”.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...