Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nan giải xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Kỳ II - Cộng đồng chung tay

Cập nhật: 08:58 ngày 29/09/2017
(BGĐT) - Trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sâu bệnh trên cây trồng tiếp tục diễn biến phức tạp thì lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phải sử dụng sẽ tăng cao, kéo theo bao bì thuốc BVTV nhiều hơn. Thực tế này đòi hỏi giải pháp đồng bộ để xử lý hiệu quả loại rác thải nguy hại này.
{keywords}
   Nan giải xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Kỳ I - Vỏ thuốc “phủ” ruộng đồng, vườn đồi

{keywords}

Trồng rau thủy canh là một trong những giải pháp hạn chế sử dụng thuốc BVTV. Ảnh: Mô hình trồng rau thủy canh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ).

Bao biện nhiều lý do

Vỏ bao gói thuốc BVTV tràn lan và ngày càng gia tăng, tác động tiêu cực đến môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng. Sở dĩ có tình trạng này trước hết là do người dân sử dụng thuốc không đúng cách, tùy tiện. Nhiều diện tích sâu bệnh chưa đến ngưỡng phòng trừ đã phun thuốc khiến lượng thuốc cần sử dụng tăng lên, vỏ thải ra lớn.

Tiếp đến là không tuân thủ quy định về thu gom. Thông tư liên tịch số 05/2016 của liên bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Theo đó, người sử dụng thuốc BVTV phải thu gom bao gói thuốc BVTV sau pha chế, phun rải để vào bể chứa; để riêng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, không lẫn với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng. Không tự ý xử lý, đem chôn hoặc đốt bao gói thuốc BVTV.

Quy định là vậy nhưng tại nhiều nơi, chúng tôi thấy người dân vẫn vứt bao bì tràn lan; tự đốt rác ở ruộng, vườn. Chị Hà Thị Thắm, thôn Nguộn, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) cho biết: “Gia đình tôi có gần 200 gốc vải và một sào táo nên lượng thuốc BVTV sử dụng mỗi năm khá nhiều. Sau khi thu gom xong, tôi đốt vỏ luôn cho vườn đỡ tồn rác”.

{keywords}

Dùng ni-lông che luống để hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ tại Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang.

Không chỉ hộ chị Thắm, theo ông Cao Văn Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Giang, vỏ thuốc BVTV chủ yếu được chôn, đốt mà chưa có biện pháp xử lý nào khác. Ngoài ra, nhiều bể chứa vẫn có cả rác thải sinh hoạt như xác động vật, thùng xốp, túi ni-lông, cỏ cây. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn chưa nhận thức được ý nghĩa của hoạt động thu gom vỏ thuốc BVTV nên chưa có hành động đúng đắn. Đơn cử, khi thực hiện dự án sản xuất vải an toàn tại Lục Ngạn, tỉnh trích ngân sách hỗ trợ hơn 100 hộ thùng rác composite nhưng người dân đều trả lại, không thực hiện thu gom.

Cùng đó, nhiều địa phương chưa chú trọng xử lý, thu gom. Tại huyện Yên Dũng, hiện chỉ có vài vùng sản xuất rau màu tập trung có bể chứa bao bì thuốc BVTV, còn lại đều chưa xây dựng. Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện giải thích, cứ 3 ha xây một bể chứa thì hơn 8,5 nghìn ha đất canh tác của huyện cần xây dựng hơn 2,8 nghìn bể. Mỗi bể chi phí ít nhất khoảng 200 nghìn đồng, vì thế huyện chưa đủ kinh phí để hỗ trợ các thôn, xã. Người dân tại huyện vẫn thu gom tự phát hoặc chưa thực hiện. Đây cũng là nguyên nhân hầu hết các huyện, TP đưa ra khi nhắc đến xử lý bao gói thuốc BVTV.

Sau khi thăm cánh đồng thôn Hưng Đạo, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) vẫn còn không ít vỏ thuốc BVTV ở trên bờ, lối đi, chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Văn Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ. Ông Dân cho biết: “Tại một số cánh đồng trong xã, bà con quanh năm trồng màu nên dùng thuốc BVTV lớn. Xã thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh của thôn, xã hướng dẫn nông dân thu gom nhưng một số người dân vẫn chưa chấp hành. Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường cảnh báo những nguy hại của việc vứt bao bì không đúng nơi và xây dựng một số bể chứa mới”.

{keywords}

Vỏ thuốc BVTV nổi trên mương nước tại thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (Lục Nam).

Cần xử lý bảo đảm tiêu chuẩn

Công tác thu gom đã được thực hiện ở một số địa bàn nhưng phương thức tiêu hủy duy nhất hiện nay vẫn là đốt và xử lý như rác thải thông thường. Điều này gây những hệ lụy khôn lường bởi bao bì thuốc BVTV được liệt vào nhóm các chất thải nguy hại, khi đốt sẽ phát thải khí đi-ô-xin (chất gây ung thư).

Để hạn chế rác từ vỏ thuốc BVTV tác động xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, UBND tỉnh ban hành Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020. Phạm vi thực hiện gồm thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh từ khu dân cư ở khu vực nông thôn và vỏ thuốc BVTV khu vực sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, đến năm 2017, UBND các huyện, TP xóa bỏ các điểm tập kết, tồn lưu rác thải không đúng nơi quy định, chấm dứt tình trạng xả rác  bừa bãi trên địa bàn; bảo đảm 100% các thôn, bản, làng của các xã, thị trấn có tổ, đội vệ sinh hoặc tổ tự quản vệ sinh môi trường hoạt động. Đặc biệt, ngày 11-5-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 43-KL/TU về giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản gửi các huyện, TP hướng dẫn thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Một số địa phương trong tỉnh quan tâm hỗ trợ xây dựng bể chứa rác. Đơn cử, UBND huyện Lạng Giang trích ngân sách hỗ trợ 350 bể chứa rác bao bì thuốc BVTV đặt tại điểm lấy nước thuộc 5 xã về đích nông thôn mới năm 2017 gồm: Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Phi Mô, Đại Lâm, Xương Lâm. Khắc phục tình trạng người dân vứt bao bì ra nơi công cộng, UBND huyện Lục Ngạn phân bổ 300 triệu đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ cho 30 xã, thị trấn, mỗi xã 10 triệu đồng để mua thùng đựng rác đặt tại vườn, chi trả cho người thu gom, vận chuyển vỏ bao bì thuốc BVTV về nơi tập kết đúng quy định. Trước đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV hỗ trợ thôn Đại Đồng 1, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) 15 bể chứa rác bảo đảm tiêu chuẩn.

Tại một số thôn, xóm, tổ chức hội, đoàn thể đã phát huy vai trò vận động người dân chung tay thu gom vỏ thuốc BVTV. Ví như thôn Đồng Phai, xã Bảo Đài (Lục Nam) triển khai thí điểm mô hình “Cánh đồng không vỏ bao bì thuốc BVTV”. Theo đó, thôn giao cho Chi hội Nông dân đóng cọc, buộc bao tải dứa tại ba điểm trên cánh đồng để bà con bỏ bao bì vào sau khi sử dụng. Hằng tuần, hội viên nông dân làm nhiệm vụ thu gom mang về bãi chứa rác. Sau một năm triển khai, mô hình “cánh đồng không vỏ bao bì thuốc BVTV” đạt kết quả tốt. Đến nay, thôn đã xây dựng được 27 điểm chứa vỏ thuốc BVTV.

{keywords}

Một số nơi, người dân dùng máy làm cỏ mi ni hay che phủ ni-lông trên luống nhằm hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ. Sản xuất trong nhà màng, nhà lưới; trồng rau, quả thủy canh, cây trồng ít bị sâu bệnh gây hại cũng là một giải pháp hữu hiệu giảm lượng thuốc BVTV, qua đó ít bao bì thải ra khu vực canh tác”.


Ông Đào Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ)

Công tác thu gom đã được thực hiện ở một số địa bàn nhưng phương thức tiêu hủy duy nhất hiện nay vẫn là đốt và xử lý như rác thải thông thường. Điều này gây những hệ lụy khôn lường bởi bao bì thuốc BVTV được liệt vào nhóm các chất thải nguy hại, khi đốt sẽ phát thải khí đi-ô-xin (chất gây ung thư). Trên địa bàn tỉnh có một đơn vị là Nhà máy xử lý, tái chế rác Hòa Bình, xã Lãng Sơn (Yên Dũng) đủ năng lực xử lý đối với rác thải nguy hại. Theo thông tin từ doanh nghiệp này thì đơn vị chưa thực hiện hợp đồng tiêu hủy vỏ bao bì thuốc BVTV tại địa bàn Bắc Giang. Như vậy, toàn bộ vỏ thuốc sau sử dụng đều chưa được xử lý đúng quy trình.

Môi trường sống đang bị tác động bởi nhiều nguồn ô nhiễm và rác từ vỏ thuốc BVTV là một trong những yếu tố đáng lo ngại. Trong khi đó, nhiều nơi không có tổ thu gom rác và tình trạng xả rác không đúng quy định diễn ra phổ biến, nhất là vỏ thuốc BVTV. Do vậy, cần sự chung tay của các cấp ngành trong xử lý loại rác thải này. Trước mắt phải làm tốt khâu thu gom. Người dân tự giác phân loại, thu gom rác tại nguồn, tập kết đúng nơi quy định. Về lâu dài cần xử lý vỏ bao thuốc BVTV bảo đảm tiêu chuẩn.

Các huyện, TP quan tâm, bố trí kinh phí, ký hợp đồng tiêu hủy đối với đơn vị đủ năng lực; xây dựng bể chứa bao bì thuốc BVTV đủ kích cỡ, quy chuẩn. Cùng với biện pháp trên, cơ quan chuyên môn triển khai các mô hình SRI (canh tác lúa cải tiến), “ba giảm ba tăng”, IPM; sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” nhằm giảm lượng hóa chất dùng trong canh tác. Các huyện, TP thực hiện nghiêm Kết luận 43 của Tỉnh ủy về giải quyết ô nhiễm môi trường nông thôn và Đề án thu gom, xử lý rác thải nông thôn của UBND tỉnh giai đoạn 2015-2020.

Nhóm PVKT

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...