Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tái diễn lạm thu đầu năm học: Kỳ I - Núp bóng thỏa thuận, tự nguyện

Cập nhật: 10:03 ngày 09/10/2017
(BGĐT) - Câu chuyện lạm thu trong các nhà trường không mới nhưng năm nào cũng được dư luận phản ánh với những hình thức và mức độ khác nhau, gây tâm lý băn khoăn trong xã hội. Mặc dù năm nay UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quy định cụ thể về vấn đề này song thực tế không ít trường vẫn “lách” với danh nghĩa “tự nguyện”, “thỏa thuận” của cha mẹ học sinh.
{keywords}

Đầu năm học, có ý kiến phản ánh Trường Tiểu học Trần Phú (TP Bắc Giang) thu một số khoản chưa đúng quy định.

Từ quy định hợp lòng dân...

Chuẩn bị bước vào năm học 2017-2018, ngành giáo dục Bắc Giang đã quan tâm siết chặt quản lý các khoản thu thỏa thuận, tự nguyện. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 16 ngày 8- 6-2017 Quy định về thu, sử dụng các khoản thu thỏa thuận và tự nguyện trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh. Ngày 24-7-2017, Sở GD&ĐT có Hướng dẫn số 525 về thực hiện Quyết định trên. Đây được coi như chiếc "gậy pháp lý" nhằm siết chặt việc đưa ra các khoản thu đầu năm học mới đối với các cơ sở giáo dục.

Trong Quyết định và Hướng dẫn nêu chi tiết các khoản thu thỏa thuận, tự nguyện đối với từng cấp học. Đơn cử, đối với cấp học mầm non, mức thu hằng tháng cho mỗi trẻ, tiền phục vụ chăm sóc bán trú (trông trưa) không quá 120 nghìn đồng; tiền vệ sinh không quá 8 nghìn đồng... Với cấp tiểu học, tiền nước uống không quá 6 nghìn đồng/học sinh/tháng... Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nói: "Trên cơ sở những quy định của tỉnh, ngành giáo dục và chi phí thực tế, các trường lên phương án chi tiết dự kiến từng khoản thu trong năm học. Từ đó Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT các huyện, TP xem xét, điều chỉnh cho phù hợp".

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tài chính thẩm định phê duyệt mức thu, chi từng khoản đối với các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở; tổ chức hướng dẫn các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trình tự, thủ tục thu, sử dụng, hạch toán các khoản thu thỏa thuận và tự nguyện theo đúng quy định. Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chánh thanh tra Sở GD&ĐT cho biết: Khi được cơ quan cấp trên phê duyệt, các cơ sở giáo dục trước khi thu phải công khai các khoản, mức thu, chi trước tập thể hội đồng nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh và tổ chức thông báo bằng văn bản gửi tới từng gia đình làm căn cứ quyết toán, kiểm tra, thanh tra.

Ngoài các khoản thu theo Quyết định số 16 của UBND tỉnh và Hướng dẫn số 525 của Sở GD&ĐT cùng các khoản thu theo quy định (học phí, giá dịch vụ gửi xe đạp, giá dịch vụ tuyển sinh; dạy thêm, học thêm; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thân thể; quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh; đồng phục học sinh), các cơ sở giáo dục không được đặt ra bất kỳ khoản thu nào khác, nếu thu sai phải trả lại cho phụ huynh và học sinh... Quyết định, hướng dẫn là vậy song qua tìm hiểu, không ít trường vẫn chưa thực hiện nghiêm những văn bản này.

{keywords}

Tình trạng lạm thu đầu năm học ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường giáo dục trong các nhà trường. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

... Đến thực tế tại nhiều trường học

Mặc dù UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thu, sử dụng các khoản thu song trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục chưa nghiêm túc thực hiện. Tháng 9 vừa qua, nhiều trường từ mầm non đến THCS trên địa bàn TP Bắc Giang tổ chức họp phụ huynh, một trong những nội dung là thông báo khoản tiền đóng góp. 

Nghe giáo viên phổ biến danh mục dự kiến các khoản thu thỏa thuận, tự nguyện tại buổi họp phụ huynh cách đây ít tuần, bà Nguyễn Thị Lan, tổ dân phố Chi Ly 2, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) có cháu nội đang học ở Trường Tiểu học Trần Phú cảm thấy băn khoăn với danh sách đóng tiền khá dài như: Tiền ăn, mua sắm trang thiết bị phục vụ học sinh bán trú; trông trẻ trưa; hỗ trợ tiền điện; sổ liên lạc điện tử; học tiếng Anh với người nước ngoài; đồng phục mùa hè, mùa đông; hoạt động ngoại khóa; quỹ cha mẹ học sinh; hỗ trợ cơ sở vật chất... Bà Lan cho biết, tính sơ sơ cũng hơn 2 triệu đồng, chưa kể những khoản thu bắt buộc. "Ấy vậy, Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp còn gợi ý đưa ra vài khoản đóng góp khác khiến nhiều người không hài lòng", bà Lan tâm sự.

Bộ GD&ĐT vừa đề nghị các Sở GD&ĐT thành lập và công khai số điện thoại đường dây nóng tại địa phương để tiếp nhận thông tin phản ánh liên quan đến hoạt động GD&ĐT; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của phụ huynh, học sinh và người dân kịp thời, chính xác, đúng quy định.

Ở một số trường khác, nhất là trẻ học mầm non hay đầu cấp tiểu học, THCS, hầu như em nào cũng phải đóng một trong những khoản tiền như: Mua, sửa chữa máy điều hòa nhiệt độ; rèm cửa; xoong nồi; bàn ghế, đồ chơi... với số tiền vài trăm nghìn đồng. Trong khi đó, cơ bản các khóa học trước đều để lại những đồ dùng trên cho lớp sau sử dụng. 

Tại Trường THCS Trần Phú, phụ huynh lớp 6 phản ánh, ngay đầu năm học, nhà trường đã thu của học sinh 500 nghìn đồng tiền mua máy chiếu, sửa chữa, thay thế bàn ghế cũ. Tuy nhiên, tại thời điểm ngày 20-9-2017, phóng viên làm việc với bà Nguyễn Thị Vân, Hiệu trưởng nhà trường để tìm hiểu về dự kiến các khoản thu, bà Vân khẳng định đơn vị gửi hết hồ sơ lên Phòng GD&ĐT TP để thẩm định, phê duyệt và chưa thu bất cứ khoản gì. 

Một số phụ huynh trên địa bàn thành phố cũng bày tỏ sự không đồng tình khi phải đóng tiền mua máy điều hòa nhiệt độ, tiền quỹ phụ huynh và nhiều khoản thu khác với mức khá cao. Đáng chú ý, đa phần phụ huynh rất ngần ngại cung cấp thông tin cho phóng viên. Họ đều không muốn nêu tên trên báo vì sợ ảnh hưởng việc học tập của con em. Phải chăng đây là rào cản trong việc đấu tranh lên án hành vi lạm thu trong trường học diễn ra từ lâu(!?)

Không chỉ ở TP Bắc Giang, một số trường trên địa bàn tỉnh cũng đưa ra danh mục dự kiến thu khá dài. Ngoài những khoản đóng "cứng", không ít khoản thu "mềm" được các trường thông qua ý kiến phụ huynh học sinh tại buổi họp đầu năm. Nhà có 4 con đang theo học từ bậc mầm non đến THPT, anh Hoàng Văn Huy, một hộ nghèo ở xã Mỹ Thái (Lạng Giang) khá lo lắng vì các khoản thu trong năm học này. Anh Huy cho biết: Số tiền gia đình được miễn giảm theo quy định dành cho hộ nghèo không đáng kể so với những khoản thu thỏa thuận, tự nguyện để hỗ trợ cơ sở vật chất, mua màn hình ti vi dạy học và các loại quỹ... "Tiếng là hộ nghèo được ưu ái nhưng gia đình tôi phải đóng khoảng 10 triệu đồng cho 4 con. Vẫn biết cho con đi học phải tốn kém nhưng nếu các trường cứ đưa ra nhiều khoản thế này, nông dân chúng tôi sẽ xoay xở rất vất vả vì còn đủ thứ phải trang trải", anh Huy nói.

Thực tế, có trường khi đưa ra mức thu đầu năm học mới, giáo viên không phát giấy cho phụ huynh mà chỉ đọc để họ nghe, một số ít viết lên bảng sau đó vội xóa đi. Dư luận đặt câu hỏi, nếu các trường thu đúng quy định tại sao phải làm vậy, phải chăng có điều gì khuất tất? Trước mỗi buổi họp, hàng loạt mẫu biểu các khoản thu thỏa thuận, tự nguyện của lớp, trường đã được in sẵn và chỉ trong chốc lát được ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai ký với từ "nhất trí", "đồng ý".

{keywords}

Biên bản họp phụ huynh học sinh lấy ý kiến các khoản thu ở Trường THPT Hiệp Hòa số 2.

Mới đây, tại cuộc họp phụ huynh ở Trường THPT Hiệp Hòa số 2, Ban giám hiệu nhà trường dự kiến thu 12 khoản theo thỏa thuận và tự nguyện. Trong đó, đáng chú ý việc đóng tiền mua 12 màn hình ti vi 55 inches phục vụ dạy và học. Theo phản ánh của phụ huynh, mỗi học sinh khối lớp 10 và 11 đóng 200 nghìn đồng, khối lớp 12 đóng 100 nghìn đồng. Nếu nhân với hơn 1,8 nghìn học sinh của trường, số tiền là hơn 300 triệu đồng. Bà  Lê Thị H, xã Danh Thắng có con học tại trường tâm sự: "Chúng tôi không nắm được chủ trương, chỉ khi đưa ra cuộc họp mọi người mới giật mình vì mức thu ấy. Không biết loại tivi đó trên thị trường giá bao nhiêu nhưng nếu thu như vậy là quá cao".

Đặc biệt, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, học sinh, nhiều trường lấy danh nghĩa ôn luyện kiến thức đã tổ chức thu tiền học tại trường trước khi vào năm học mới. Đơn cử như Trường Tiểu học Trần Phú (TP Bắc Giang) thu 220 nghìn đồng/học sinh; huyện Lạng Giang có Trường THCS Mỹ Thái thu 150 nghìn đồng/học sinh; Trường THCS Tân Thanh thu mỗi buổi 10 nghìn đồng/học sinh. Đây chỉ là những trường phụ huynh, học sinh phản ánh, còn những trường khác có tổ chức thu như vậy không đang là câu hỏi khiến dư luận quan tâm. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định, từ năm học 2016-2017, Sở đã nghiêm cấm các trường tổ chức dạy học và thu tiền bồi dưỡng trước thềm năm học mới.

(Còn nữa)

Nhóm PV

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...