Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sản xuất gạch ngói: Sử dụng nguyên liệu "lậu", thất thu ngân sách

Cập nhật: 09:38 ngày 20/10/2017
(BGĐT) - Bất chấp quy định của pháp luật, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất gạch ngói trong tỉnh Bắc Giang đã tự ý khai thác đất sét ngay tại khu vực thực hiện dự án hoặc mua trôi nổi, không hợp pháp. Hoạt động này đang diễn biến phức tạp, làm thất thoát tài nguyên cũng như các loại thuế, phí của Nhà nước. 

{keywords}

Công ty TNHH Nam Cường SĐ khai thác sét tại xã Tuấn Đạo (Sơn Động) khi chưa được cấp phép.

Ngang nhiên vi phạm

Đi vào hoạt động từ năm 2014, Công ty TNHH Nam Cường SĐ, trụ sở ở thôn Sầy và Chủa, xã Tuấn Đạo (Sơn Động) mỗi năm sản xuất từ 4 đến 5 triệu viên gạch. Hiện DN này vẫn chưa có mỏ nguyên liệu được cấp phép. Ông Nguyễn Phú Túng, Giám đốc Công ty thừa nhận: “Gần 4 năm qua, để có nguyên liệu sản xuất, DN đã sử dụng máy móc, phương tiện khai thác đất sét trong khu vực xây dựng nhà máy. Tổng lượng đất đã lấy làm gạch hơn 23 nghìn m3”. Điều đáng nói, chủ DN này dù biết sai phạm, cuối năm ngoái đoàn thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, khẩn trương hoàn thiện thủ tục xin cấp phép mỏ nhưng nay “đâu vẫn đóng đấy”. Công ty chưa nộp hơn 80 triệu đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trái phép theo quy định. 

Tại hội nghị tổng kết một số chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về quản lý hoạt động khoáng sản tổ chức đầu tháng 10 năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh, để tránh thất thu ngân sách, Sở TN&MT cần tập trung đôn đốc các cơ sở sản xuất gạch chưa có vùng nguyên liệu khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ xin cấp mỏ phục vụ sản xuất. Kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực này.

Cũng do không có vùng nguyên liệu nên Công ty TNHH Thương mại dịch vụ điện tử viễn thông Tạo Tuyến, xã Trí Yên (Yên Dũng) nhiều năm nay mua trôi nổi đất sét làm gạch của người dân địa phương. Trong khi theo tìm hiểu của phóng viên, hơn một năm nay, không có trường hợp nào ở xã Trí Yên được cấp phép cải tạo ao, sử dụng nguyên liệu sét dư thừa bán cho các nhà máy gạch. Thậm chí, năm ngoái, cơ quan chức năng còn phát hiện trong xã có trường hợp khai thác sét trái phép. Như vậy, nguồn sét DN thu mua không có hóa đơn, không đúng quy định của pháp luật. Tương tự, Công ty cổ phần Gạch Cẩm Lý, thôn Lịch Sơn, xã Cẩm Lý (Lục Nam) cũng mua khoảng 50 nghìn m3 đất tận dụng từ hoạt động nạo vét ao hồ, hạ thấp độ cao vườn đồi của một số hộ dân. 

Cuối năm ngoái, qua thanh tra 9 cơ sở sản xuất gạch ngói quy mô lớn ở các huyện: Hiệp Hòa, Lục Nam, Sơn Động, Yên Dũng Lạng Giang, Việt Yên, Sở TN&MT phát hiện 9 đơn vị đều không có giấy phép cấp mỏ sét. Có nhà máy không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu và chưa nộp đầy đủ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khoáng sản sử dụng. Ông Ngô Trí Dũng, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT) cho biết, trong các kết luận thanh tra đều nêu rõ những DN trên phải khắc phục xong các lỗi vi phạm trước ngày 30-3 năm nay nhưng đến thời điểm này chưa có đơn vị nào hoàn thiện thủ tục xin cấp phép mỏ và kê khai nộp tiền cấp quyền. 

Khẩn trương chấn chỉnh

Toàn tỉnh có 68 khu vực sét được quy hoạch khai thác đến năm 2020, hơn 80 cơ sở sản xuất gạch ngói đang hoạt động, nhu cầu sử dụng hơn 1 triệu m3 sét/năm nhưng mới có 3 DN ở huyện Lạng Giang, Lục Nam có giấy phép khai thác mỏ với trữ lượng 200 nghìn m3/năm (đạt khoảng 20% nhu cầu). Những cơ sở còn lại chưa xin cấp phép mà chủ yếu mua gom từ các tổ chức, hộ dân khi thực hiện dự án nạo vét ao hồ nuôi thủy sản, hạ cốt nền hoặc của các đối tượng khai thác trái phép. Có một số nhà máy tự ý lấy đất sét tại chỗ làm nguyên liệu.

Nguyên nhân do chủ các cơ sở sản xuất gạch không muốn đầu tư từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng thuê đơn vị thăm dò trữ lượng, đánh giá tác động môi trường, nộp thuế, phí, tiền cấp quyền… để xin cấp mỏ; mua nguyên liệu trôi nổi giá rẻ hơn. Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Nam Cường SĐ cho rằng, hiện DN mới nâng cấp, cải tạo lò nên chưa thể bố trí kinh phí hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép. Nói là vậy song theo quy định, trước khi đi vào hoạt động, các cơ sở sản xuất phải xác định được vùng nguyên liệu hợp pháp hoặc xin cấp phép mỏ. Còn theo Giám đốc Nhà máy gạch Bình Sơn, thôn Kẹm, xã Minh Đức (Việt Yên), năm ngoái, DN dự kiến xin cấp phép mỏ sét rộng chừng 7ha nhưng riêng tiền đền bù giải phóng mặt bằng mất khoảng 500 triệu đồng nên đơn vị chưa đầu tư ngay được.

Nhiều ý kiến cho rằng, các DN sản xuất gạch ngói không xin cấp phép mỏ nguyên liệu, mua gom không hợp pháp đồng nghĩa với việc tài nguyên khoáng sản đang bị đánh cắp, ngân sách thất thu. Để chấn chỉnh tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Từ nay đến ngày 30-6-2018, Sở tập trung kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất gạch ngói, yêu cầu chủ DN hoàn thiện thủ tục xin cấp phép mỏ sét theo quy định của Luật Khoáng sản. DN nào thu mua, sử dụng nguyên liệu “lậu” hoặc khai thác trái phép sẽ bị xử phạt nghiêm để răn đe. Những trường hợp chưa nộp tiền cấp quyền, thuế, phí, Sở phối hợp với ngành thuế yêu cầu chấp hành nghiêm trong năm nay. Đồng thời quy đổi gạch ngói thành phẩm ra khoáng sản sét để truy thu”. 

Đi đôi với giải pháp trên, các ngành chức năng như: Sở TN&MT, Xây dựng, Cục Thuế, Công an tỉnh và UBND các huyện, TP xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên sâu, kịp thời phát hiện các cơ sở sử dụng nguyên liệu không hợp pháp, khai thác trái phép nhiều lần, chậm khắc phục để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ hoạt động. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, rút ngắn thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất gạch ngói hoàn thiện hồ sơ xin cấp mỏ nguyên liệu.

Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...