Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bảo đảm an ninh trật tự nông thôn: Kỳ I - Làng quê không yên ả

Cập nhật: 08:41 ngày 04/12/2017
(BGĐT) - Địa bàn nông thôn tập trung nguồn nhân lực lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT-XH. Nhận thức được điều này, Đảng ta đã đưa ra chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó an ninh trật tự (ANTT) xã hội là một tiêu chí “cứng”. Tuy nhiên, vấn đề này lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nếu không được giải quyết triệt để sẽ là mầm mống khiến cho xã hội bất ổn.
{keywords}

Công an huyện Lục Nam tuần tra, nắm tình hình an ninh trật tự địa bàn.

Bắc Giang là tỉnh miền núi có gần 90% dân số sống ở nông thôn. Địa bàn này vốn là nơi yên bình nhưng hiện nay đang “nổi sóng” với nhiều loại tội phạm và tệ nạn xã hội; tranh chấp, khiếu kiện đông người còn xảy ra. Nhiều làng quê không còn giữ được sự yên ả vốn có.

Những “bóng ma” ở làng

Trộm cắp - loại tội phạm “truyền thống” đang diễn biến khá phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Nếu trước đây, trộm cắp tài sản ở khu vực nông thôn thường do các đối tượng tại địa bàn thực hiện một mình, vào ban đêm, mang tính chất ăn cắp vặt thì nay đã xuất hiện các ổ nhóm vãng lai đến gây án, tài sản trộm cắp có giá trị lớn. Điển hình là vụ trộm táo tợn xảy ra giữa ban ngày ở gia đình ông Lê Văn N, thôn Sơn Đình 2, xã Thanh Lâm (Lục Nam) vào đầu tháng 11 vừa qua. Kẻ gian chọn lúc gia chủ đi làm, đột nhập vào nhà phá két “khoắng” sạch tiền, vàng trị giá khoảng 100 triệu đồng. Ông Khánh, một người dân trong thôn nhận định: Đối tượng chắc là dân trong vùng, biết gia đình vừa tổ chức cưới con nên có tiền, lợi dụng lúc sơ hở rồi liều lĩnh gây án. Không chỉ ở Thanh Lâm, tình trạng mất trộm tài sản cũng diễn ra phổ biến ở nhiều làng quê.

Các khu, cụm công nghiệp và địa bàn giáp ranh - nơi có nhiều công nhân thuê trọ, tội phạm thường trà trộn gây án. Nổi cộm là ở các thôn My Điền 1, 2 và 3, xã Hoàng Ninh (Việt Yên), hầu như tháng nào cũng xảy ra mất trộm xe máy, có nhà một ngày mất hai xe. Nhiều vụ kẻ gian cấu kết với công nhân, bảo vệ trong doanh nghiệp liều lĩnh trộm cắp, thậm chí đào hầm xuyên tường vào tận kho hàng “hốt” tài sản trị giá gần 4 tỷ đồng.

Đối tượng bọn trộm nhắm tới không chỉ là tiền, vàng, các tài sản có giá trị lớn như xe máy mà chó, gà, nông sản ngoài đồng chúng cũng không tha. Gần đây, tại các xã Xuân Hương, Đào Mỹ (Lạng Giang) xảy ra nhiều vụ kẻ gian bẻ trộm ngô, mướp đắng, hành tỏi của người dân. Có gia đình sau một đêm thức dậy,  ruộng ngô đến ngày thu hoạch chỉ còn trơ lá.

“Nóng” và làm người dân bức xúc nhất là nạn trộm chó. Xẩm tối 13-11, chị Nguyễn Thị Tuệ, ở thôn Tân Tiến, xã Hương Gián (Yên Dũng) vừa mở cổng ra tưới rau, bất chợt có hai thanh niên đi xe máy thẳng vào sân. Tưởng khách, chị Tuệ quay lại đã thấy chiếc xe vọt ra với tốc độ cao, tên ngồi sau ôm gọn con chó của gia đình, trong tích tắc, bọn chúng đã mất dạng vào bóng tối. Ở xã Hương Gián, chuyện mất chó xảy ra như cơm bữa, có hôm một làng mất vài con. Ban ngày, kẻ gian còn liều lĩnh vào làng bắt chó ngay chốn đông người. Chúng hoạt động liều lĩnh, thậm chí công khai, khi đi gây án mang theo hung khí hòng đe dọa, đánh trả người dân nếu bị phát giác. Có nhóm sử dụng cả ô tô để “đón hàng” trộm cắp đưa đi tiêu thụ. Quá trình đấu tranh, lực lượng công an tỉnh đã làm rõ nhiều đối tượng. 

Ông Nguyễn Như Tuyên, thôn Phúc Thắng, xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) nói: “Năm nay, nhà tôi mất hai con chó. Hàng xóm nhiều hộ cũng thế”. Ở quê, đất rộng, dân cư thưa nên nhà nào cũng nuôi chó để giữ nhà. Là con vật gần gũi, thân thiết với gia chủ, dù giá trị không lớn nhưng bị mất ai cũng tiếc nuối, tức giận. Bởi vậy, khi bắt được kẻ gian, nhiều người xông vào đánh hội đồng không nghĩ đến hậu quả. Vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã có vài vụ kẻ trộm vào làng trộm cắp bị người dân đánh dẫn đến thương vong. Một số người dân đã bị khởi tố về hành vi này. Trong tháng 10 và 11, tại xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) và xã Hương Sơn (Lạng Giang) do quá bức xúc, người dân đã đánh hội đồng gây thương tích cho hai đối tượng trộm chó, gà.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, năm 2017 toàn tỉnh xảy ra 226 vụ trộm cắp tài sản, đa số xảy ra ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên các vụ mất tài sản lớn người dân mới chủ động báo tin, còn lại nhiều vụ nhỏ, mất cắp vặt người dân e dè ngại báo công an, chính quyền nên số liệu thống kê trên mới phản ánh một phần tình hình trộm cắp.

Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 458 vụ phạm tội về trật tự xã hội, làm chết 14 người, bị thương 90 người, thiệt hại tài sản khoảng 25,8 tỷ đồng. Lực lượng công an đã điều tra, khám phá 473 vụ (trong đó có 84 vụ xảy ra những năm trước), bắt giữ 684 đối tượng. Bên cạnh đó bắt 212 vụ, 982 đối tượng đánh bạc; 17 vụ và 70 đối tượng hoạt động mại dâm; bắt và vận động đầu thú 116 đối tượng truy nã.

Nông thôn còn là nơi nhiều loại tội phạm khác tìm về hoạt động. Lợi dụng việc tiếp cận thông tin, nhận thức của người dân còn hạn chế; biết nhiều người có nhu cầu việc làm, không ít đối tượng xấu dùng chiêu thức xin việc hộ, lo biên chế vào cơ quan Nhà nước, cần huy động vốn trả lãi cao... để chiếm đoạt tiền của người nhẹ dạ cả tin. Cơ quan Công an vừa bắt giữ Giáp Thị Hồng ở phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng bằng chiêu thức xin việc và huy động tiền lãi suất cao. Trong số nạn nhân bị Hồng lừa có nhiều người ở các huyện của tỉnh, trong đó có bà Nguyễn Thị H ở huyện Tân Yên bị lừa khoảng 700 triệu đồng. Trên địa bàn tỉnh tuy chưa phát hiện được vụ việc nào bắt cóc trẻ em nhưng nỗi lo này cũng đang trở thành “bóng ma” ở các làng quê. Kẻ xấu lợi dụng địa hình dân cư thưa thớt, các gia đình người lớn thường ban ngày đi làm công ty, chỉ còn người già và trẻ em ở nhà nên chúng lởn vởn, rình rập gây hoang mang dư luận.

Ma túy đang là những vấn đề nhức nhối ở làng quê. Sau khi Nhà nước thu hồi đất quy hoạch khu dân cư, thực hiện các dự án, nhiều gia đình được đền bù khoản tiền lớn, đất sản xuất nông nghiệp không còn nên một bộ phận lao động độ tuổi thanh niên sinh ra đua đòi, ăn chơi. Hầu như ngày nào cơ quan công an cũng bắt giữ đối tượng sử dụng trái phép ma túy. Ông Lương Tuấn Đảm, Bí thư Chi bộ thôn My Điền 1, xã Hoàng Ninh (Việt Yên) nói: Trước kia trong thôn có một vài đối tượng nghiện ma túy thì nay tăng lên vài chục. Ma túy tràn về kéo theo nhiều tệ nạn khác. Nhiều địa phương cũng đau đầu với tệ nạn cờ bạc. Thậm chí, không ít làng quê coi việc tổ chức đánh bài, phỏm, tá lả, liêng, xóc đĩa... ăn tiền là "món” không thể thiếu trong các đám cưới, đám ma, lễ hội. Bia rượu cũng là một vấn nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT ở nông thôn. Qua nhiều cuộc nhậu, bạn bè mất đoàn kết, người thân xích mích nhau, gia đình không yên ấm, xóm làng mất trật tự trị an dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là về tội gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thậm chí giết người. Đó còn chưa kể tệ nạn mại dâm núp bóng nhà nghỉ, dịch vụ massage, karaoke... để hoạt động, tiềm ẩn phức tạp về ANTT.

{keywords}

Đối tượng Nguyễn Ngọc Tiến (SN 1997) ở khu Trại Chủ, thôn 28, xã Quế Nham (Tân Yên) sau khi uống rượu đã dùng hung khí giết người.

Khiếu kiện diễn biến phức tạp

Một thực trạng đáng buồn là tình hình tranh chấp, mâu thuẫn, khiếu kiện ở khu vực nông thôn diễn biến phức tạp, có nơi gay gắt, quyết liệt, chủ yếu liên quan đến đất đai. Đáng chú ý, hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động, tụ tập đông người nơi công quyền vẫn còn. “Vướng” vào tranh chấp đất đai, không ít người sẵn sàng dứt bỏ tình thân, máu mủ; tự tay cắt đứt tình cảm ruột thịt. Để rồi từ những mâu thuẫn không thể giải quyết được ngay từ chính gia đình, dòng họ dẫn đến xô xát, thậm chí án mạng làm ảnh hưởng không nhỏ tới ANTT địa phương.

Đại tá Nguyễn Văn Phượng, Trưởng Phòng An ninh xã hội (Công an tỉnh) thông tin: Năm nay, đơn vị đã tham gia giải quyết 30 vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đông người, hầu hết xảy ra ở khu vực nông thôn. Phần lớn các vụ việc đều liên quan đến đất đai, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường... Đơn cử như trong vụ tranh chấp đất rừng xảy ra giữa người dân thôn Khe Táu, xã Yên Định (Sơn Động) với bà con thôn Vách, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn). Hay như liên quan đến triển khai dự án xây dựng khu xử lý rác thải tại xã Tân Hoa (Lục Ngạn), người dân tụ tập đông người ngăn cản không cho triển khai dự án. Đáng lo lắng, trong một số vụ việc, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, xuất hiện tình trạng đối tượng xấu lôi kéo, kích động khiếu kiện. Ở huyện Yên Thế, liên quan đến việc giao đất lâm nghiệp cho doanh nghiệp, nhiều đối tượng có dấu hiệu lôi kéo các hộ dân khiếu kiện.

Bên cạnh đó, do không đồng ý với phương án đền bù thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng làng nghề, khu dân cư; bức xúc trước tình trạng cán bộ cơ sở vi phạm trong quản lý đất đai chưa được chính quyền, cơ quan chức năng giải quyết triệt để, không ít người dân đã tụ tập khiếu kiện đông người. Ví dụ như việc cán bộ các thôn Trung Đồng, Phúc Thắng, xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) bán đất trái thẩm quyền, có dấu hiệu xâm tiêu tiền bán đất; lập hồ sơ quyết toán khống công trình nhưng chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời. Có những vụ việc liên quan đến quyền lợi chính đáng của người dân song cơ quan chức năng chưa giải quyết thấu tình đạt lý, dẫn tới người dân phản ứng tiêu cực hoặc làm đơn khiếu nại nhiều lần. Đây là các nguyên nhân làm cho một số làng quê thời gian qua rơi vào tình trạng bất ổn, nếu không được quan tâm giải quyết dứt điểm có nguy cơ hình thành điểm “nóng” phức tạp về ANTT.

(Còn nữa)

Nhóm PV Nội chính - Bạn đọc

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...