Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bất cập trong quản lý nghĩa trang nhân dân: Kỳ I - An táng, xây mộ còn tùy tiện

Cập nhật: 09:33 ngày 18/12/2017
(BGĐT) - Nhiều năm nay, công tác quản lý, xây dựng nghĩa trang nhân dân (NTND) trong tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. Ở nhiều nơi, người dân vẫn tùy tiện đặt mộ, thậm chí còn an táng người thân trên đất canh tác, vi phạm pháp luật về đất đai, ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan.
{keywords}

Nhiều ngôi mộ an táng rải rác trên đồng ruộng thôn Trại Nội, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang).

Mộ phần lộn xộn, quay đủ hướng

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1,5 nghìn NTND, nhiều nghĩa trang hình thành từ hàng trăm năm, tập trung ở khắp các xã, thị trấn trong tỉnh. Cơ bản các nghĩa trang nằm ven làng, gần đường giao thông, thậm chí nằm trong khu dân cư và được sử dụng cho một thôn hoặc liên thôn, chiếm diện tích từ 0,2 đến vài héc ta.

Năm 2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 74/2013/QĐ-UBND về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định rõ, gia đình có người qua đời phải an táng, đặt, xây mộ đúng nơi quy định của địa phương. Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ hung táng, mai táng một lần tối đa không quá 5 m², mộ cát táng tối đa không quá 3 m². Tuy nhiên thực tế, do các nghĩa trang hình thành tự phát từ khá lâu, không có quy chế quản lý nên mộ hung táng, cát táng bố trí lẫn lộn, quay nhiều hướng với kiểu dáng, kích thước, diện tích khác nhau.

Huyện Tân Yên có hơn 170 NTND tập trung và hàng chục điểm an táng nhỏ lẻ khắp các xã, thị trấn. Cơ bản những khu vực này đều do các thôn tự quản lý, chưa được quy hoạch, xây dựng riêng khu hung táng, cát táng. Việc xây, đặt mộ không theo hàng lối, khoảng cách, tiêu chuẩn, kích cỡ làm lãng phí đất đai, mất mỹ quan. Nhiều hộ kinh tế khá giả còn xây mộ kiểu mái cong, mái vòm, hoa văn, họa tiết sặc sỡ như ở các nghĩa trang: Đồng Tơ, Đồng Cờ (xã Hợp Đức); Đồi Dầu, Bãi Mật (xã Liên Chung)…Một số xã đưa ra quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang theo quy cách nhưng kết quả chưa khả quan, thiếu đồng thuận. Tại NTND tập trung ở thị trấn Nhã Nam, mộ hung táng được quy định là 5 m2 nhưng sau khi cải táng, nhiều hộ vẫn đưa người mất về khu mộ của gia đình, dòng họ rồi xây tường bao, cổng riêng. Thậm chí có trường hợp bố trí trên đất nông nghiệp, sát khu hung táng.

Tình trạng trên còn xảy ra ở nhiều xã thuộc huyện Lạng Giang. Tại NTND Gù Ruối, Ma Mủ, Bãi Tông (xã An Hà); Đồi Tấu, Đồi Khô, Gốc Khê (xã Đào Mỹ); Đại Phú (xã Phi Mô)…, mộ xoay đủ hướng với các kiểu: Hình tròn, chữ nhật, kích cỡ to nhỏ, nhiều tầng bậc khác nhau. Theo ông Lê Anh Huy, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, nhiều xã đã xây dựng quy định về quy mô huyệt mộ cho người qua đời từ 3 - 5 m2, nhưng không ít gia đình tự ý xây tăng diện tích gấp đôi.

Ở các huyện Yên Dũng, Việt Yên, Lục Ngạn, Sơn Động… NTND ở nhiều xã chưa theo quy hoạch, mộ không đặt theo hàng lối mà do các gia đình tự chọn vị trí, xây dựng. Thậm chí, đã xuất hiện hiện tượng phân chia diện tích đất nghĩa trang theo gia đình, dòng họ. Không ít trường hợp xây lăng mộ cao quá đầu người, rộng tới cả chục m2. Có trường hợp đắp mộ giả để chiếm đất. Tại một số khu vực Công giáo ở xã Tam Dị, Tiên Hưng (Lục Nam), người mất được an táng một lần tại vị trí cố định, kích cỡ do thôn quy định nhưng hướng mộ vẫn tùy tiện. "Mục sở thị” tại nghĩa trang thôn Già Khê, xã Tiên Hưng chứng kiến hàng trăm ngôi mộ quay ngang, quay dọc theo nhiều hướng.

{keywords}

Mộ trên cánh đồng thôn Xuân Phong, xã Chu Điện (Lục Nam).

Ruộng, vườn thành... nghĩa địa

Hiện nay, nhiều xã có từ 10 đến 15 NTND, thậm chí có thôn có hai, ba nghĩa trang song chưa được xây dựng tường bao, ngăn cách ranh giới với đất nông nghiệp liền kề, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Không chỉ đặt mộ theo ý chủ quan, ở nhiều nơi còn tình trạng người dân tự ý biến đất ruộng, vườn thành nơi an táng cho người qua đời. Từ đó hình thành nghĩa địa “mi ni” rải rác, bao quanh bởi ruộng vườn, thậm chí nằm sát khu dân cư. Chỗ vài mộ, nơi có đến hàng chục ngôi xây kiên cố, quây tường bao thành nghĩa trang dòng họ. Đơn cử như trên những thửa ruộng cạnh nghĩa trang thôn Đông Mo, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) có nhiều ngôi mộ nằm lộn xộn.

Tương tự, tại xã Thái Đào (Lạng Giang), năm 2017, một số người dân ở TP Bắc Giang đưa người mất về an táng trên đất cấy lúa của thôn Mỹ, sát đường giao thông của tổ dân phố Trung 2, thị trấn Tân Dân (Yên Dũng). Nhiều hộ dân sống gần khu vực này lo ngại khi khu đất đặt mộ ngày càng “phình to”, lấn đất ruộng, gây ô nhiễm môi trường dẫn đến khiếu kiện. Chị Nguyễn Thị Tuyến, tổ dân phố Trung 2, nhà gần nghĩa trang nói: “Đêm nào có đám cải táng, chúng tôi gần như mất ngủ bởi mùi nhang khói, tiếng than khóc vọng vào. Khổ nhất là sau cải mộ, người ta không dọn vệ sinh, chó mèo tha cả vật dụng ở nghĩa trang về”.

Cũng như chị Tuyến, một số hộ dân ở thôn Mỹ, xã Thái Đào (Lạng Giang) còn bức xúc phản ánh, đồng ruộng đang canh tác thuận lợi, bỗng dưng lại có gần chục ngôi mộ hung táng “nhảy dù” vào giữa gây khó khăn cho sản xuất và ảnh hưởng đến tâm lý người dân mỗi khi đi làm đồng về tối muộn. Để ổn định sản xuất, người dân nơi đây đề nghị chính quyền sở tại có biện pháp ngăn chặn triệt để, xử lý nghiêm vi phạm, tránh phát sinh thêm những ngôi mộ mới trên đất nông nghiệp. Đáng quan tâm, thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) sau khi di dời mộ để TP thực hiện một số dự án khu đô thị đã không đưa về NTND mà tự ý mua đất ruộng ở thôn Ngò, Văn Giang (cùng xã) đặt mộ.

Việc tự ý an táng người qua đời trên đất ruộng còn xảy ra ở các thôn: Thượng, xã Liên Sơn (Tân Yên); Xuân Phong, xã Chu Điện; Yên Định, Mân xã Yên Sơn (Lục Nam); Mỹ Hưng (Lạng Giang). Không chỉ đặt một vài ngôi mộ, ở một số nơi còn tự ý xây tường bao trên đất ruộng, sát đường giao thông với quy mô lớn để giữ đất làm nghĩa trang gia đình. Hay tại thị trấn Nếnh (Việt Yên) dù đã có ba nghĩa trang nhưng thôn Sen Hồ chưa có khu vực an táng tập trung nên người mất đều được hung táng và cát táng trên các thửa ruộng của gia đình. Ở nhiều xã miền núi, đất đồi bãi rộng như: Bình Sơn (Lục Nam); Phú Nhuận, Đèo Gia, Tân Hoa, Phong Minh, Phong Vân (Lục Ngạn); Vân Sơn, Dương Hưu (Sơn Động)… khu chôn cất cũng không theo quy hoạch, mỗi điểm chỉ có vài chục mộ. Nghĩa địa không có cổng, tường bao, thậm chí không biển tên.

Ông Vũ Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn (Lục Nam) phản ánh, do quan niệm người đã khuất đặt theo hướng “gối sơn, đạp thủy” con cháu làm ăn mới “phát” nên sau cải táng, một số gia đình đưa mộ lên khu đồi cao hoặc đặt trong vườn nhà. Bên cạnh việc chôn cất tùy tiện, phần lớn NTND hình thành tự phát, không có ranh giới, nhiều khu vực sát khu dân cư, trường học. Hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư, không có hệ thống thoát nước, khu xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh. Nhiều nơi không có quản trang cũng như chưa xây dựng quy chế quản lý, an táng người qua đời.

Theo ông Lưu Xuân Vượng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, việc quản lý NTND hiện còn nhiều bất cập. Việc đặt mộ trên đất nông nghiệp, gần khu dân cư làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí. Nhất là khu mộ địa táng, mầm bệnh từ người mất có thể phát tán, ngấm vào nước ngầm, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tại TP Bắc Giang, nước giếng ở một số khu dân cư gần nghĩa địa lớn có tình trạng nổi váng vàng, ô nhiễm. Đặc biệt, tình trạng an táng, đặt mộ, xây dựng NTND tùy tiện đã phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, gia tăng vi phạm về đất đai. Đồng thời làm thu hẹp diện tích đất canh tác, ảnh hưởng không nhỏ đến đền bù, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thực hiện các dự án thu hồi đất. Điều này còn là rào cản ảnh hưởng tới tiến độ dồn điền, đổi thửa, không bảo đảm nếp sống văn minh theo quy định của tỉnh.

(Còn nữa)

Bảo Khánh - Hải Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...