Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bỏ đốt vàng mã - Người hưởng ứng, kẻ thờ ơ

Cập nhật: 07:00 ngày 11/03/2018
(BGĐT) - Hưởng ứng đề nghị của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, một số người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bước đầu đã hạn chế hoặc không đốt vàng mã mỗi khi làm lễ tâm linh. Tuy nhiên, đại đa số hộ dân vẫn chưa bỏ hủ tục này. 
{keywords}

Quầy bán hàng mã vẫn đông người đến mua. Ảnh chụp ở khu vực chợ Thương, TP Bắc Giang.

Chuyển biến mới

Kể từ khi được nghe nhà sư lý giải về ứng xử trong văn hóa tâm linh, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) không đốt vàng mã mỗi khi thắp hương vào ngày mồng Một, hôm Rằm hằng tháng như trước. Nếu trước đây khi đi chùa, chị đều đặt nhiều tiền vàng làm lễ thì vài tháng trở lại đây, chị chỉ dâng cúng thẻ hương, ít hoa quả. "Ông bà tổ tiên mất rồi, mình hóa tiền vàng, nhà lầu, xe hơi liệu các cụ có nhận được không hay chỉ là sự mê muội. Thà rằng để số tiền mua vàng mã ấy làm việc thiện lại có ích cho xã hội hơn", chị Huyền tâm sự.

Như chị Huyền, bà Trần Thanh Vận, quê ở huyện Tân Yên đã hiểu việc đốt quá nhiều vàng mã mỗi khi cúng bái tổ tiên hoặc đi chùa là việc làm lãng phí. Làm nghề buôn bán nhỏ ở chợ Cầu Chui, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang), bà Vận năm nay hơn 60 tuổi, trước đây thường làm lễ kèm theo nhiều vàng mã. Nhưng gần một năm nay, tháng nào bà cũng dành một buổi để nghe nhà sư giảng kinh Phật, qua đó đã thay đổi hoàn toàn thói quen đốt vàng mã mỗi khi làm lễ. Theo bà Vận, từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản không đốt vàng mã trong nhà chùa, bà càng vững tin việc mình làm là đúng.

Vào ngày nghỉ dịp đầu xuân này, tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) tấp nập du khách thập phương về chiêm bái, lễ Phật. Một số người chỉ mang hoa quả, cây nến mà không có vàng mã kèm theo. Mọi người vãn cảnh nơi cửa Phật, thành tâm thắp nén nhang cầu cho sức khỏe, bình an... "Phật mong muốn mọi chúng sinh bình an, hạnh phúc, vậy sao ta cứ phải dâng Phật hàng mã. Chắc gì Phật muốn và nhận được. Vì thế, việc không đốt vàng mã nơi cửa Phật là hoàn toàn đúng đắn, chúng tôi ủng hộ", ông Phan Văn Anh Tuấn, một du khách đến từ huyện Yên Thế nói.

Phật tại tâm

Theo các nhà nghiên cứu Phật học, việc đốt vàng mã khi làm lễ tâm linh ở nước ta có từ xa xưa. Từ đó đến nay, đốt vàng mã luôn tồn tại trong đời sống tâm linh của mỗi người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi kinh tế phát triển, "phú quý sinh lễ nghĩa", nhiều người đã thái quá trong việc đốt vàng mã. Không ít gia đình bỏ ra hàng triệu đồng để mua đồ hàng mã khủng, từ nhà lầu, xe hơi, voi ngựa... làm lễ cúng, đốt thành tro bụi với mong muốn "thế giới bên kia" nhận được; đổi lại bản thân sẽ được người ở cõi âm phù hộ nhiều hơn. Tình trạng này đã trở thành hủ tục mê tín dị đoan, gây tâm lý không tốt trong xã hội, đồng thời lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường.

{keywords}

Nhiều người vẫn có thói quen đốt nhiều vàng mã.

Xuất phát từ thực trạng đó, năm 2013, Chính phủ đã có văn bản quy định, nếu đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 đến 500 nghìn đồng. Gần đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có công văn đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Hưởng ứng chủ trương trên, một số người dân trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có ý thức về việc hạn chế hoặc không đốt vàng mã mỗi khi làm lễ tâm linh tại nhà hoặc đền chùa. Tuy nhiên, có thể thấy nhìn chung tục đốt vàng mã với số lượng lớn trong dân vẫn còn, nhất là vào dịp đầu xuân năm mới, mọi người, mọi nhà làm lễ dâng sao giải hạn, tạ đất... Cảnh tượng lò hóa vàng nơi cửa chùa, đền phủ luôn đỏ lửa vẫn thường bắt gặp. Các quầy hàng bán đồ vàng mã tấp nập người mua. "Dịp tháng Giêng này, lượng người mua đồ vàng mã như tiền âm phủ, voi, ngựa, mũ, áo, hia... rất đông. So với năm trước, số người đến mua không giảm" - bà Thanh, chủ một quầy bán đồ vàng mã ở khu vực chợ Thương, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) cho biết.

Phật tại tâm. Theo giáo lý nhà Phật, âm - dương là hai thế giới hoàn toàn khác nhau không thể cảm ứng được. Người phàm trần chỉ cần ăn chay, niệm Phật để tưởng nhớ người đã mất; đồng thời, giúp đỡ những người nghèo khổ chốn trần gian, phóng sinh, tích đức để siêu độ vong linh...  Đại đức Thích Trúc Thạnh Trí, Phó trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (Yên Dũng) nói: "Tục đốt vàng mã trong dân gian là một hủ tục mê tín dị đoan cần loại bỏ. Tôi nghĩ, chúng ta nên lên chùa, thành tâm cầu nguyện hồi hướng tâm đức. Nếu có tiền để mua sắm vàng mã cúng Phật hay cho người đã khuất thì nên dùng tiền đó để làm việc thiện, chia sẻ khó khăn với người kém may mắn trong cuộc sống". 

Theo Đại đức Thích Trúc Thạnh Trí, hiện có khoảng 700 phật tử của đạo tràng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng đã không đốt vàng mã mỗi khi làm lễ tâm linh. Tất cả các thiền viện thuộc trường phái Trúc Lâm cũng đều có quy định không đốt vàng mã tại nơi thờ tự.

Đỗ Thành Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...