Thứ ba, 30/04/2024
Bắc giang 30 °C / 27 - 41 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyển đổi nghề nghiệp: Thêm cơ hội việc làm cho phụ nữ nông thôn

Cập nhật: 09:58 ngày 23/04/2018
(BGĐT) - Năng động, nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều hội viên phụ nữ mạnh dạn vay vốn mở xưởng may gia công tại địa phương. Việc làm này giúp tăng thu nhập cho chính bản thân, gia đình các chị và lao động vùng nông thôn chưa qua đào tạo. 
{keywords}

Cơ sở may gia công của bà Mã Thị Biên, xã Đồng Lạc (Yên Thế) tạo việc làm cho 10 lao động.

Không chỉ giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, các cơ sở may gia công cũng thu hút nhiều lao động xa quê có động lực trở về với thu nhập ổn định. Chị Nguyễn Thị Liên (SN 1968) ở xã Xuân Phú (Yên Dũng) từng có gần 10 năm làm thuê đủ nghề kiếm sống ở TP Hà Nội. Thu nhập bấp bênh, chi phí sinh hoạt cao, chị chắt bóp cả năm mới dám về quê thăm con đôi lần. Năm 2014, trong xã có người mở xưởng may túi giấy xuất khẩu, chị xin vào làm. "Đi làm gần, tôi có thời gian chăm sóc con cái, ngoài giờ còn tranh thủ trồng rau, nuôi gà cùng với khoản lương công nhân nên cuộc sống ổn định", chị Liên nói. 

Cơ sở may gia công của gia đình bà Mã Thị Biên (SN 1961), dân tộc Nùng, thôn Tiếu, xã Đồng Lạc (Yên Thế) hoạt động từ đầu năm 2016 thu hút gần chục nữ lao động nông thôn ở nhiều lứa tuổi. Hầu hết các chị đều là người địa phương. Được biết, bà Biên phối hợp với một số công ty may nhận gia công quần áo xuất khẩu theo đơn đặt hàng. Công việc ổn định, doanh thu tăng mạnh vào dịp Tết. Ngoài mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng, cơ sở của bà còn tổ chức bữa ăn trưa cho công nhân. 

{keywords}

Là lao động không qua đào tạo lại có tuổi nên tôi không xin được việc ở khu công nghiệp. Từ khi làm việc ở xưởng may của chị Thành, tôi có thu nhập ổn định, lại gần nhà nên có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái, chu toàn việc gia đình, họ mạc”. 


Chị Nguyễn Thị Hồng, xã Thái Sơn (Hiệp Hòa)

Từng có gần chục năm làm tại một công ty may trong tỉnh, chị Hoàng Thị Thành (SN 1981), ở thôn Thái Thọ, xã Thái Sơn (Hiệp Hòa) có tay nghề vững. Mỗi tháng chị nhận được khoảng 5 triệu đồng tiền lương. Để trang trải mọi chi phí sinh hoạt cho gia đình bốn người, chị liên tục làm việc tăng ca. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, năm 2013, chị vay mượn 70 triệu đồng mở xưởng may quần áo tại quê. Một nửa số đó do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện giúp kết nối vay vốn ưu đãi. Để có nguồn nguyên liệu tốt, chị đến thu mua tại các chợ đầu mối lớn như: Ninh Hiệp, Đồng Xuân (TP Hà Nội). Sản phẩm hoàn thiện chị mang giới thiệu, tìm kiếm thị trường ở các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên. Hiện nay, xưởng sản xuất của chị tạo việc làm cho 15 lao động (chủ yếu là nữ) đều là người sở tại. Mỗi năm doanh thu của cơ sở đạt khoảng 1 tỷ đồng. 

{keywords}

Cơ sở may gia công của chị Nguyễn Thị Quỳnh, xã Thái Sơn (Hiệp Hòa)  tạo việc làm cho nhiều nữ lao động trung tuổi.

Nhận định về xu hướng việc làm những cơ sở may gia công mang lại, chị Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hiệp Hòa nói: “Đa số phụ nữ trung tuổi ở vùng nông thôn đều chưa qua đào tạo, cơ hội tìm việc làm ở các khu công nghiệp rất khó khăn. Những cơ sở này ra đời góp phần tạo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho phụ nữ và gia đình. Vì vậy, thời gian qua, các cấp hội tạo điều kiện, kết nối giúp chị em vay vốn lãi suất thấp nhằm khởi nghiệp bằng nghề may gia công tiến tới mở rộng sản xuất”.

Chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình “ly nông, bất ly hương” là cách làm hiệu quả của các cấp hội tại một số địa phương như: Hiệp Hòa, Yên Thế, Yên Dũng. Hiện toàn tỉnh có gần 40 cơ sở may gia công (may túi giấy, quần áo, phụ kiện) do phụ nữ làm chủ, riêng Hiệp Hòa có 30 cơ sở. Các cơ sở này tạo việc làm cho khoảng 500 lao động nông thôn; thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. 

Nhằm tạo động lực cho các chị khởi nghiệp, bà Phạm Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Việc vận động, hỗ trợ, tạo tiền đề cho phụ nữ khởi sự kinh doanh là một trong những nội dung quan trọng của Hội LHPN tỉnh, nhiệm kỳ 2017-2022. Hội đang rà soát số hội viên phụ nữ có nguyện vọng, ý tưởng để hỗ trợ, giúp đỡ; khuyến khích chị em tham gia hình thành mô hình sản xuất, kinh doanh rõ đầu ra của sản phẩm, hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững”.

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...