Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyển biến trong việc cưới, tang ở Việt Yên

Cập nhật: 09:30 ngày 01/08/2014
(BGĐT) - Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, cấp ủy, chính quyền huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã tích cực chỉ đạo, có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, tạo sự chuyển biến lớn trong đời sống văn hóa của nhân dân.
{keywords}

Tổ chức cưới gọn nhẹ giúp người dân tiết kiệm chi phí. Ảnh: Hoàng Thương.

 Chuyển biến rõ rệt

Trên nhiều tuyến đường chính của huyện Việt Yên, hình ảnh ấn tượng với chúng tôi là những khẩu hiệu, panô, băng zôn, áp phích tuyên truyền vận động nhân dân thực hành tiết kiệm, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội. 

Trước đây còn nặng nề một số tập tục lạc hậu, rườm rà, tốn kém trong đám cưới, đám tang thì vài năm trở lại đây đã chuyển biến tích cực, đặc biệt từ khi có Quyết định 74/2013/QĐ- UBND ngày 15-3-2013 của UBND tỉnh về "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác”. 

Trên cơ sở đó cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong huyện tích cực vào cuộc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng dưới nhiều hình thức, nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Được biết, trước đây đám cưới trong thôn thường diễn ra từ hai đến ba ngày và mời đông khách, thậm chí có gia đình làm tới cả trăm mâm cỗ khiến chi phí tốn kém, không ít cặp vợ chồng mới cưới phải lo trả nợ vài năm chưa hết, nay đã giản tiện nhiều.

 Ông Tống Ngọc Tráng, thôn Văn Xá, xã Bích Sơn tổ chức cưới cho con trai ngày 20-7 kể: “Thực hiện theo quy ước của làng nên tôi tổ chức cưới cho cháu gọn nhẹ, chỉ mời người thân trong gia đình và bạn bè gần gũi đến chung vui một ngày. Bên nhà gái cũng không thách cưới. Từ đó các khoản chi phí giảm hẳn, gia đình tiết kiệm được hơn chục triệu đồng”.
Việc tang cũng được địa phương tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân thực hiện tốt theo nếp sống văn minh. Tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan; hủ tục bắc cầu, rắc vàng mã, khóc thuê... giảm đáng kể. Mỗi đám tang không kéo dài quá 48 giờ. Việc cúng tuần đầu, 49, 100 ngày dần được loại bỏ; đám giỗ gói gọn trong gia đình. 

Đơn cử ở xã Quảng Minh, trước đây mỗi khi gia đình có người mất thì cả làng đến ăn uống linh đình hai, ba ngày; tình trạng khóc mướn và phát trên loa truyền thanh thôn diễn ra khá phổ biến. Nhưng giờ đây, nhiều hộ dùng đĩa nhạc tang thay cho phường kèn... 

Bí thư Đảng uỷ xã Trần Văn Hạnh cho rằng, đạt kết quả trên là do lãnh đạo xã, thôn thường xuyên tuyên truyền, quán triệt tại các buổi họp dân về thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, tang, gắn với chỉ tiêu bình chọn gia đình văn hóa. 

Nhân rộng điển hình

Ông Nguyễn Văn Dân, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của huyện, tỉnh về nếp sống văn minh và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhất là Quyết định 74 của UBND tỉnh, UBND huyện Việt Yên đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện chủ động phối hợp với các phòng, ban liên quan hướng dẫn xã, thị trấn bổ sung, chỉnh sửa quy ước, hương ước làng văn hóa phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới và những quy định của tỉnh.

Chỉ đạo một số xã xây dựng quy định mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, phù hợp với tình hình thực tế địa phương để nhân rộng. Phòng cũng thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở các xã, thị trấn thực hiện nghiêm. Nhờ vậy đã tạo sức lan toả, trở thành phong trào thi đua trong cộng đồng. 

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 346 đám tang và gần 900 đám cưới thì hầu hết đã tuân thủ nghiêm các quy định về nếp sống văn minh. Tiêu biểu là các xã: Bích Sơn, Quảng Minh, Hương Mai, Tiên Sơn, Vân Trung... Đưa Việt Yên trở thành điểm sáng của tỉnh về phong trào này, số làng văn hoá các cấp trên địa bàn năm 2013 tăng 20% so với năm 2012. 
Để tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, Việt Yên xác định, các cơ quan, đơn vị, địa phương đưa quy định này vào nội quy của đơn vị và quy ước, hương ước làng văn hóa; làm tốt công tác tuyên truyền thông qua khẩu hiệu, pa nô, áp phích và lưu động. Từng bước nâng cao chất lượng các phong trào: Xây dựng gia đình văn hóa; làng, bản, khu dân cư, cơ quan văn hóa; người tốt, việc tốt... 

Ngành chức năng phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch, quyết định của UBND huyện, tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh, văn hoá trong nhân dân. Yêu cầu cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, từ đó nhân rộng điển hình. Đề xuất chế tài xử lý nghiêm hơn đối với những trường hợp vi phạm. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thôn, khu phố, làng đưa nội dung này vào kiểm điểm, đánh giá, phân loại, bình xét danh hiệu thi đua đối với từng cá nhân, tập thể.


Ngọc Anh 




Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...