Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Văn hóa
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Di dời linh vật ngoại lai, đồ thờ không phù hợp ra khỏi di tích: Ngành chức năng lúng túng

Cập nhật: 08:53 ngày 24/11/2014
(BGĐT) - Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), tỉnh Bắc Giang đang ra quân thanh tra việc sử dụng biểu tượng, linh vật và đồ thờ không phù hợp thuần phong, mỹ tục tại các địa phương. Quá trình tổ chức thực hiện, ngành chức năng đang gặp lúng túng.

{keywords}

Đôi sư tử đá tại đền Từ Hả.

{keywords}

Nhận công đức tùy tiện

Cách đây ba năm, cụm di tích lịch sử quốc gia đền, chùa Từ Hả, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) được một số hộ dân công đức đôi sư tử đá trong tư thế "nhe nanh múa vuốt" đặt trước cửa đền. Nhìn bằng mắt thường thì đây là một tác phẩm nghệ thuật được tạo tác cầu kỳ, tinh xảo, tuy nhiên về góc độ văn hóa dân tộc, linh vật này được liệt vào danh sách ngoại lai. Tại đây còn có pho tượng Phật bà Quan thế âm Nam Hải mới được đưa vào thờ. 

Ông Giáp Văn Giao, Phó Trưởng Ban quản lý cụm di tích cho biết: “Do không hiểu được ý nghĩa của các linh vật, tượng thờ nên chúng tôi đã tiếp nhận công đức, sau khi được ngành văn hóa tuyên truyền, giải thích người dân và chính quyền xã đã thông suốt. Hiện, Ban quản lý cụm di tích đã thống nhất chuyển đôi sư tử đá ra nơi khác nhưng chưa có kinh phí bởi trọng lượng linh vật lớn, cồng kềnh nên phải thuê máy cẩu. 

Theo ông Giao, việc di dời sư tử đá sẽ thuận lợi hơn tượng Phật bà Quan âm, bởi đây là vấn đề tâm linh, địa phương đã “hô thần nhập tượng”, rất khó tìm chỗ đặt thay thế, mong cấp trên sớm có hướng dẫn cụ thể.

Cũng tại huyện Lục Ngạn, đoàn thanh tra phát hiện đôi sử tử đá được công đức vào cụm di tích đền, chùa Khánh Vân, thị trấn Chũ. Theo như giải thích của bà Lê Thị Phúc, linh vật được một gia đình công đức cách đây 5 năm, tuy nhiên do không hiểu biết, hơn nữa nhà đền trân trọng tấm lòng của người công đức nên đã tiếp nhận. Để khắc phục "sự đã rồi", bà Phúc đến gặp người công đức để “làm công tác tư tưởng”, sau đó mời thợ tạc sửa lại thành con nghê đá như truyền thống dân tộc. Tại đây cũng đặt một tượng Phật bà Quan thế âm Nam Hải và treo một số đèn lồng Trung Quốc, đèn lồng đã được được hạ xuống ngay sau khi đoàn thanh tra yêu cầu. 

Mong sớm có hướng dẫn

Ông Vi Văn Minh, Phó chánh Thanh tra Sở VHTT&DL cho biết: Hầu hết khi đưa hiện vật, tượng thờ mới vào di tích, người dân không báo cáo ngành chức năng nên khi phát hiện những vi phạm thì ở thế “sự đã rồi” nên “bỏ thì thương, vương thì tội”. Việc thờ tượng Bác Hồ trong di tích hiện nay khá phổ biến, hầu hết các di tích thờ Bác trong một góc nhỏ. Năm 2011, Sở đã có văn bản yêu cầu các địa phương chấn chỉnh và di dời tượng Bác ra ngoài di tích (trừ đền thờ Bác), tuy nhiên đến nay không có mấy chuyển biến. 

{keywords}

Sư tử tại chùa Khánh Vân sẽ được sửa lại thành con nghê theo đúng truyền thống dân tộc.

Theo giải thích của ông Minh, người dân không nên đưa tượng Bác vào thờ trong di tích, vì không xứng tầm với vị thế một lãnh tụ dân tộc. Quá trình thanh tra, đoàn đã vận động nhân dân di dời đến hội trường hoặc nhà văn hóa. Với tượng Phật bà Quan thế âm Nam Hải, chủ yếu gắn với đạo Phật trường phái Nam tông của cư dân miền biển, tượng này chỉ xuất hiện tại Bắc Giang một vài năm trở lại đây khi nhiều địa phương ồ ạt đưa tượng về thờ nhưng hiện rất khó tìm nơi phù hợp để di dời. Linh vật sư tử đá ngoại lai trước đây ở Việt Nam không có, vài năm nay mới du nhập vào nước ta, hiện cũng chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ VHTT&DL. 

Theo ý kiến cá nhân ông Minh, người dân có thể chuyển đến trụ sở doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù vậy đó cũng chỉ là giải pháp tình thế nhằm khắc phục hậu quả của việc tiếp nhận công đức một cách tùy tiện.

Hiện, Thanh tra Sở đã kiểm tra ở 11 di tích và cụm di tích, trong đó phát hiện ba di tích sử dụng linh vật ngoại lai là sư tử đá, 3 di tích có đèn lồng Trung Quốc, 4 di tích thờ tượng Bác và nhiều chùa thờ tượng Phật bà Quan thế âm Nam Hải. Chắc chắn số linh vật lạ, đồ thờ không phù hợp trong di tích trong tỉnh sẽ lớn hơn nhiều. Ông Minh cho hay: "Dịp này, chúng tôi chủ yếu tuyên truyền vận động để người dân hiểu và di chuyển những linh vật, đồ thờ không phù hợp ra khỏi di tích”. Tuy nhiên, toàn tỉnh có hơn 2 nghìn di tích nên việc thanh tra chỉ như “muối bỏ biển”, do vậy sự vào cuộc của chính quyền địa phương là rất cần thiết.

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...