Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Kiều Loan” trong thi sĩ Hoàng Cầm

Cập nhật: 10:06 ngày 21/12/2014
(BGĐT) - Cố thi sĩ Hoàng Cầm sinh năm 1922, tên khai sinh là Bùi Tằng Việt. Cha là cụ Bùi Văn Nguyên, một nhà nho nghèo, quê ở Thanh Oai (Hà Đông) nay thuộc TP Hà Nội. Mẹ ông là Nguyễn Thị Duật, người Kinh Bắc, đẹp người, đẹp nết, hát hay, buôn bán hàng xén ở các chợ quê trong vùng. Cha ông rời quê đến Việt Yên (Bắc Giang) làm nghề dạy học và bốc thuốc.

{keywords}

Chân dung thi sĩ Hoàng Cầm.

Hoàng Cầm sinh ở thôn Phúc Tằng (Việt Yên) nên được cha mẹ đặt tên là Tằng Việt. Ông lớn lên trên vùng đất Kinh Bắc với bao di tích lịch sử, những lời quan họ ngọt ngào như dòng sữa ngấm vào máu thịt ông để làm nên hồn thơ Kinh Bắc - Hoàng Cầm.

16 tuổi Hoàng Cầm đã bắt đầu sáng tác thơ. Năm 1937, ông sáng tác vở kịch thơ đầu tiên: Hận Nam quan. Vở kịch mô tả cuộc chia ly của cha con Nguyễn Trãi - Phi Khanh ở ải Nam quan. Giặc Tàu bắt cha của Nguyễn Trãi giải về Trung Quốc.

Năm 1942, ông sáng tác vở kịch thơ Kiều Loan, sau cái chết oan nghiệt của cô gái hàng xóm Phạm Thị Loan mà Hoàng Cầm hằng say đắm song chưa dám thổ lộ…

Vở kịch thơ Kiều Loan ba hồi với hơn 150 trang có một số phận riêng, cũng trắc trở, long đong. Phải hơn nửa thế kỷ sau mới được in hoàn chỉnh (Nhà xuất bản Văn hóa in năm 1992).

Kiều Loan, nhân vật chính, đồng thời là tên của vở kịch, một “người điên” vì nghĩa lớn, biết yêu chồng, nhưng quan Chưởng vệ, cận thần của Vua Gia Long - Vũ Tướng Quân, người chồng đó không thể chung sống được. Kết thúc bi thảm, Kiều Loan đã tự tay giết người chồng phản bội… khép lại vở kịch thơ dài.

Được bạn bè khuyến khích, Hoàng Tích Linh (nhà viết kịch, đạo diễn lúc bấy giờ) và Hoàng Cầm bàn nhau đưa kịch bản này cho ban kịch Phương Đông dàn dựng. Đây là ban kịch duy nhất ở Hà Nội lúc ấy với nhiều văn nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ nổi tiếng tham gia như: Thế Lữ, Kim Lân, Lộng Chương, Chu Ngọc, Tô Ngọc Vân, Hoàng Lập Ngôn… Tuy nhiên, vở kịch chỉ có một nhân vật chính là nữ, lại là linh hồn của vở. Biết tìm đâu ra người đóng vai Kiều Loan bây giờ?

Hồi ấy, diễn viên kịch cũng có người có tài, có sắc, song chỉ mới đóng kịch nói mà đây là kịch thơ, yêu cầu diễn viên ngoài tài, sắc còn phải có giọng ngâm thơ hay, truyền cảm. Hai ông Cầm và Linh mất rất nhiều công tìm kiếm mà chưa tìm được người như ý. Nhưng rồi người các ông mong đợi đã xuất hiện, đó là một thiếu nữ trẻ đẹp, có giọng ngâm hay, người Hải Phòng, rất mê sân khấu tên là Tuyết Khanh.

Tuyết Khanh đảm đương vai Kiều Loan rất tuyệt nhờ tài, sắc và sự thông minh vốn có. Không chỉ mê nhân vật Kiều Loan, Tuyết Khanh còn “mê” cả tài năng của tác giả Hoàng Cầm - người không chỉ làm thơ hay mà còn ngâm thơ rất tuyệt (ông được ví là giọng ngâm vàng, con sơn ca của ngâm thơ lúc bấy giờ).

Tình hình nước ta lúc đó rất phức tạp. Thực dân Pháp lăm le quay trở lại, đoàn kịch phải gấp rút luyện tập… rồi cuối cùng vở kịch thơ Kiều Loan được đưa trình diễn trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội.

Vở kịch thành công không ngờ, nhất là nhân vật Kiều Loan do Tuyết Khanh thủ vai, đã không phụ lòng, phụ công của hai thầy và anh chị em trong đoàn kịch. Sau này, Tuyết Khanh trở thành vợ Hoàng Cầm, họ sinh được một cô con gái và đặt tên là Kiều Loan.

Tình hình Hà Nội ngày một phức tạp, thực dân Pháp gây ra nhiều vụ khiêu khích, rồi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), mọi cơ quan, nhân dân phải tạm thời rời Hà Nội tản cư ra các vùng quê, vùng tự do.

Gia đình Hoàng Cầm cũng ra đi trong hoàn cảnh đó với vô vàn khó khăn gian khổ, thiếu thốn. Rồi liên tục các cuộc càn quét của Pháp đánh ra vùng tự do, mọi người lại tiếp tục bồng bế con chạy giặc, mỗi người một phương rồi lạc nhau. Hai mẹ con Tuyết Khanh cũng từ đó bặt tin chồng.

Ngày 10-10-1954, quân ta tiếp quản Hà Nội, lúc này Hoàng Cầm là Trưởng Đoàn văn công quân đội (Tổng cục Chính trị) đi tìm vợ con mới biết tin hai mẹ con Tuyết Khanh đã theo đoàn người di cư vào Nam. Năm 1975, hai mẹ con lại di tản sang Hoa Kỳ. Thế là từ ngày sinh con cho mãi tới 50 năm sau (lúc này Kiều Loan đã 50 tuổi và đã lên chức bà ngoại) mới có dịp về nước thăm bố và quê hương Kinh Bắc.

Ông đưa con gái về thăm quê, thăm các di tích lịch sử văn hóa, thăm các đình chùa, đền miếu, thăm dòng sông Đuống thơ mộng, nghe mấy canh hát quan họ, gặp gỡ các liền anh, liền chị, chụp hình kỷ niệm…

Hiện nay, mẹ con Kiều Loan sống ở Hoa Kỳ. Những năm trước đây, vở Kiều Loan được dàn dựng và biểu diễn ở Mỹ do nhạc sĩ Phạm Duy tổ chức, được bà con người Việt hoan nghênh, được sóng radio truyền đi bốn phương. Con gái Hoàng Cầm lại là người thủ vai Kiều Loan, vai chính của vở kịch.

“Kiều Loan” là mối tình hằng say đắm, một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và cũng là tên con gái sau bao năm ly biệt mới gặp lại của thi sĩ Hoàng Cầm.

Họa sĩ Thế Đức

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...