Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phát huy vai trò của văn học nghệ thuật Bắc Giang thời kỳ mới

Cập nhật: 16:19 ngày 24/12/2014
(BGĐT) - Kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa Kinh Bắc, những năm qua, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Bắc Giang có nhiều hoạt động sáng tạo, ngày càng đổi mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh. 
{keywords}

Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Bắc Giang thăm khu di tích Nhà tù Sơn La.

Tiếp nối truyền thống

Nằm trong vùng văn hóa Kinh Bắc, Bắc Giang là nơi sinh ra những tài danh làm vẻ vang truyền thống văn hiến của đất nước như Trạng nguyên Đào Sư Tích, Đoàn Xuân Lôi, Giáp Hải, Tiến sĩ Thân Nhân Tín, Ngô Văn Cảnh... Đặc biệt Phó nguyên súy Tao Đàn nhị thập bát tú Thân Nhân Trung với câu nói nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. 

Từ những năm đầu thế kỷ XX, hoạt động VHNT ở vùng đất Bắc Giang đã khá sôi động, tiêu biểu là nhóm bút Sông Thương với những tác giả tiêu biểu như Nguyễn Đình Tuân, Bàng Bá Lân, Hoàng Cầm, Anh Thơ... Sau Cách mạng Tháng Tám, hầu hết các văn nghệ sĩ quê hương Bắc Giang đi theo cách mạng, phụng sự Tổ quốc. Trong những ngày đầu kháng chiến gian khổ, ấp Cầu Đen (Tân Yên) một thời là “bản doanh”, nơi hội tụ văn nghệ sĩ cả nước, nhiều tác phẩm VHNT của các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ phục vụ kháng chiến như: Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Kim Lân, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đức Toàn, Tạ Thúc Bình… đã ra đời từ đây. Truyền thống của vùng đất văn hiến được các thế hệ văn nghệ sĩ tỉnh nối tiếp, phát huy.

Bước vào thời kỳ xây dựng đất nước sau chiến tranh, để đáp ứng yêu cầu cuộc sống và nguyện vọng đội ngũ văn nghệ sĩ địa phương, năm 1980, Hội VHNT Hà Bắc được thành lập. Đến nay, Hội VHNT tỉnh đã có 164 hội viên, hoạt động ở 7 chi hội chuyên ngành: Văn học, mỹ thuật, văn nghệ dân gian, âm nhạc, sân khấu, kiến trúc, nhiếp ảnh. Hội có 68 hội viên chuyên ngành của T.Ư, 5 hội viên được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú. 

{keywords}
Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh đi thực tế sáng tác tại Cao Bằng năm 2014. Ảnh: Việt Hưng

Những năm qua, hoạt động sáng tạo VHNT của Hội luôn bám sát tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), Nghị quyết 23 Bộ Chính trị (khóa XI) về công tác văn hóa, VHNT trong thời kỳ mới, với mục tiêu “phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao có tác dụng to lớn, xây dựng con người, vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa-tinh thần ngày càng cao của nhân dân". Hàng nghìn tác phẩm của văn nghệ sĩ Bắc Giang đã được công bố, hòa trong dòng chảy của nền VHNT toàn quốc.

Hướng tới tương lai

Hoạt động của Hội VHNT Bắc Giang đang ngày càng đạt được nhiều thành tựu mới. 5 năm qua, Hội và hội viên đã xuất bản 111 cuốn sách, 17 CD, VCD ca nhạc, xét và tài trợ cho 58 tác phẩm, tác giả. Tổ chức 26 trại sáng tác, 14 chuyến đi thực tế, 27 lượt hội viên dự trại sáng tác do T.Ư tổ chức, thu hút hơn 1 nghìn lượt hội viên tham gia. Kết nạp 37 hội viên mới. Tổ chức 10 hội nghị cộng tác viên và 2 buổi toạ đàm chuyên đề Tạp chí Sông Thương, 5 ngày thơ Việt Nam. 

5 năm qua, các hội viên đoạt  51 giải thưởng quốc gia và khu vực về VHNT; Hội và hội viên được Nhà nước tặng 4 Huân chương Lao động hạng Ba, 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh và các Hội T.Ư tặng 47 Bằng khen. 

Tham dự 5 hội báo xuân, 10 cuộc triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, 5 liên hoan âm nhạc khu vực miền Bắc. Phối hợp tổ chức nhiều chương trình văn nghệ, giới thiệu tác giả, tác phẩm trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT&TH tỉnh, Báo Bắc Giang, tạp chí VHNT các tỉnh và T.Ư...

Với vai trò thành viên của Uỷ ban MTTQ tỉnh, Hội VHNT đã góp phần tuyên truyền đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư". 

Trong hoạt động sáng tạo và phát triển, Hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự giúp đỡ phối hợp của các Hội T.Ư, ban, ngành trong tỉnh và hội tỉnh bạn. VHNT Bắc Giang được UBND tỉnh sớm ra quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT (năm 2003) và Giải thưởng Sông Thương định kỳ 5 năm xét thưởng một lần.  

Đại hội Hội VHNT tỉnh khóa VI (nhiệm kỳ 2014-2019) tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI) về “Xây dựng, phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam”; các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới”. 

Hội VHNT Bắc Giang luôn coi trọng việc học tập nâng cao bản lĩnh chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh cho hội viên; khuyến khích hội viên đi thực tế vùng sâu, miền núi để khai thác chất liệu cuộc sống, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Hằng năm, Hội tiếp tục tổ chức các hội thảo, toạ đàm, mở trại sáng tác, xuất bản… Sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT. Quan tâm nghiên cứu, sưu tầm, nâng cao chất lượng lý luận phê bình văn học, Tạp chí Sông Thương, chăm lo đời sống hội viên, làm tốt công tác thi đua khen thưởng... 

Ý kiến hội viên

{keywords}
Nhà thơ Tô Hoàn, Chi hội trưởng Chi hội Văn học: Thâm nhập muôn mặt đời sống xã hội

Trước Đại hội lần này, mừng và lo là tâm trạng của tôi. Mừng vì tới đây Hội bước sang những ngày mới, có không khí mới để lộc non, chồi biếc hẹn mùa. Lo vì nhiều tác giả của Chi hội Văn học tuổi đã cao, sức đã yếu. Số hội viên trẻ ít, mà cuộc sống làm cho họ căng mình, phân thân. Vì thế, tôi đề xuất: Tăng cường tổ chức đi thực tế sáng tác cho văn nghệ sĩ thâm nhập sâu rộng nhiều mặt của đời sống xã hội, nhất là người lao động trong tỉnh để có được những tác phẩm phục vụ công chúng một cách thiết thực. 

Đội ngũ làm văn học ngoài tài năng cần học tập nâng cao trình độ, hiểu biết xã hội để tránh tụt hậu. Khẩn trương phát hiện, bồi dưỡng, chăm lo đến đội ngũ sáng tác trẻ, tạo nguồn cho dài lâu. Hội và các ban, ngành liên quan cần đầu tư hơn nữa cho đội ngũ sáng tác văn học, nhất là đầu tư chuyên sâu để có được tác phẩm xứng tầm quê hương, đồng thời nâng cao đời sống người làm văn học...

{keywords}
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Linh Giang: Không chạy theo số lượng tác phẩm

Cùng với sự phát triển chung của VHNT, nhiếp ảnh Bắc Giang có những bước phát triển đáng khích lệ, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Tuy nhiên, số lượng giải thưởng của nhiếp ảnh Bắc Giang trong vài năm trở lại đây còn ít. Phần lớn hội viên Chi hội Nhiếp ảnh tuổi đời khá cao, hội viên trẻ nhất đã ngoài bốn mươi tuổi. Tôi tin tưởng nhiệm kỳ mới sẽ mở ra trang mới trong hoạt động nghệ thuật với nhiều tác phẩm đậm tính nhân văn, xứng tầm với vai trò, vị trí của nhiếp ảnh trong đời sống xã hội. 

Tôi cũng mong Hội đổi mới phương hướng, cách thức hoạt động, không nên chạy theo số lượng mà tập trung vào những sáng tác mang chất lượng chuyên sâu ở từng mảng, lĩnh vực. Tạo điều kiện mở nhiều lớp tập huấn, trại sáng tác tổ chức tham quan thực tế để hội viên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm... Tôi nghĩ, việc tập trung phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố trẻ sẽ là điều rất cần thiết trong hành trình phát triển VHNT của tỉnh. Không chỉ riêng trong nhiếp ảnh, khá nhiều bộ môn nghệ thuật cũng cần lực lượng kế cận trẻ trung, năng động để cùng làm nên diện mạo VHNT Bắc Giang trong tương lai.

{keywords}
Nghệ sĩ chèo Quỳnh Mai: Quan tâm, động viên nghệ sĩ nhiều hơn

Là nghệ sĩ công tác tại Nhà hát Chèo Bắc Giang đồng thời là hội viên Hội VHNT tỉnh, tôi thấy Hội đã quan tâm đến các nghệ sĩ chuyên ngành biểu diễn, hằng năm tổ chức gặp mặt, dàn dựng thu thanh kịch bản sân khấu cho tác giả và hội viên biểu diễn, tổ chức tổng kết, động viên những người làm công tác văn hóa, văn nghệ. Song thực tế, vai trò của Hội trong việc bảo đảm quyền lợi cho người nghệ sĩ chưa mấy phát huy hiệu quả. 

Nhiệm kỳ tới, tôi mong muốn Hội quan tâm hơn nữa đến các nghệ sĩ trẻ, tạo điều kiện để mỗi thành viên được phát triển tài năng. Nghề diễn công phu, vất vả, thường phải sau nhiều ngày tháng khổ luyện mới biểu diễn thành công hoặc dành được những giải thưởng. Chính vì thế, Hội nên tôn vinh những cá nhân văn nghệ sĩ có giải thưởng hay thành tích cao để động viên kịp thời và khuyến khích sự sáng tạo. Nên chăng có nhiều hơn những buổi sinh hoạt chuyên môn để các thế hệ nghệ sĩ có điều kiện giao lưu, gặp gỡ, trao đổi về nghề.

   Phương - Hà - Hường (Thực hiện)

 Nhạc sĩ Tuấn Khương (Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Giang)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...