Thứ bảy, 11/05/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xây dựng môi trường văn hóa, con người Bắc Giang trong giai đoạn mới

Cập nhật: 15:48 ngày 25/10/2016
(BGĐT) - Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả quan trọng. 
{keywords}

Giáo dục trong nhà trường có vai trò quan trọng hình thành nhân cách con người. Ảnh chụp tại Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang).

Nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội có chuyển biến, ngày càng được đề cao. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" thu được kết quả thiết thực. Năm 2000 toàn tỉnh có 151.200 gia đình văn hóa thì đến năm 2015 có 367.756/462.467 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 86,2%. 

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, văn hóa các dân tộc thiểu số được quan tâm, nhiều di sản đã được UNESCO công nhận; các di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, các giá trị di sản văn hóa ở địa phương được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Trình độ dân trí tiếp tục nâng lên; xây dựng con người mới tiếp tục được quan tâm chăm lo cả về đời sống vật chất và tinh thần.  

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, bên cạnh những mặt tích cực cũng còn nhiều vấn đề cần lưu ý trong xây dựng con người và môi trường văn hóa, nhất là văn hóa gia đình. Trong sự phát triển mạnh mẽ của mọi mặt đời sống KT-XH đất nước còn có những bất cập, trong đó môi trường văn hóa bị xâm hại, xuất hiện nhiều hiện tượng trái với thuần phong mỹ tục, nhất là trong một bộ phận thanh, thiếu niên. 

Mặt trái của cơ chế thị trường nảy sinh nhiều vấn đề tác động đến đời sống gia đình Việt Nam nói chung, ở tỉnh Bắc Giang nói riêng. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm tổn hại đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân. Một bộ phận thanh, thiếu niên có biểu hiện lệch lạc, méo mó về nhân cách, sống dựa dẫm, buông thả, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Hiện tượng những thôn, bản, xóm, làng, tổ dân phố “vắng lặng” ngày càng tăng... 

Những hạn chế trên có nguyên nhân khách quan là do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, sự giao lưu và xâm nhập của các loại văn hóa ngoại lai nhưng về mặt chủ quan là do một số cấp ủy đảng, chính quyền ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá và tính chất đặc thù của văn hoá gia đình. Đầu tư cho phát triển văn hóa chưa tương xứng với đầu tư phát triển kinh tế. 

{keywords}

Hát then truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, xã Phong Vân (Lục Ngạn).

Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội nghề nghiệp còn nặng tính hành chính và hình thức, chưa thu hút được quần chúng tham gia vào các phong trào hành động. Vai trò, chức năng của các tổ chức quần chúng trong giải quyết các vụ việc nổi cộm, bức xúc của ngành và các địa phương còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm đổi mới, có lúc, có nơi bị xem nhẹ. 

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới ở Bắc Giang theo 5 đức tính được nêu trong Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) chưa thực sự rõ nét. Công nhận danh hiệu gia đình văn hóa ở một số địa phương còn hình thức, chạy theo thành tích. 

Từ những vấn đề nêu trên và từ định hướng của Đảng trong Nghị quyết Hội nghị T.Ư 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”, trong thời gian tới, để thực hiện tốt Chương trình hành động số 75 ngày 20-4-2015 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 61 ngày 28-5-2015 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 9 (khóa XI), trước hết cần: 

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Bắc Giang. Tiếp tục chăm lo xây dựng, giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hóa, đức tính cao đẹp của người Bắc Giang với các đức tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, có lòng tự hào dân tộc, đạo đức lối sống lành mạnh, luôn khát vọng vươn lên và cống hiến cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh…

Hai là, chú trọng tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống dựng nước giữ nước, truyền thống cách mạng; giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và có nhiều giải pháp đủ mạnh để đấu tranh loại bỏ các yếu tố đang tác động tiêu cực đến môi trường văn hóa, gây tác hại, ảnh hưởng xấu đến quá trình xây dựng và phát triển của con người Bắc Giang trong giai đoạn mới.

Ba là, tập trung xây dựng môi trường văn hóa gia đình và gia đình văn hóa nhằm tạo môi trường văn hóa trong lành để giáo dục, xây dựng và hình thành chuẩn mực đạo đức, nhân cách con người ngay tại từng gia đình, xem việc giáo dục của gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến việc hình thành nhân cách, đạo đức con người.

Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong trường học. Trường học không chỉ là nơi đào tạo con người về tri thức khoa học mà còn giáo dục con người về đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống và lý tưởng cách mạng… Vì thế phải xây dựng môi trường văn hóa trường học thật sự trong lành, phải thật sự là nơi “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”. Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương tiêu biểu về đạo đức, lối sống, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, giữ gìn tư cách, đạo đức của người thầy giáo - một thiên chức được xã hội tôn vinh.

Năm là, chú trọng các biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa và nội dung các tiêu chí công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, tránh xu hướng chạy theo thành tích. Các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa phải phù hợp và có ý nghĩa thiết thực với đời sống của nhân dân, công tác bình xét danh hiệu gia đình văn hóa phải được tiến hành trên nguyên tắc công bằng, dân chủ, đáp ứng được nguyện vọng, tâm tư, tình cảm, tạo được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân. 

Sáu là, tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình gia đình văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những giá trị mới tiên tiến, cần tiếp thu chuẩn mực đạo đức tích cực của gia đình truyền thống và những tiến bộ của gia đình hiện đại trong xây dựng gia đình trong thời kỳ mới. Tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng. Nêu cao vai trò gương mẫu của bậc cha mẹ đối với con cái. 

Bảy là, phải có sự đầu tư về kinh phí, nguồn lực cho phong trào xây dựng gia đình văn hóa kết hợp với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tạo nền tảng cho sự phát triển chung của toàn xã hội. Thường xuyên tổng kết, sơ kết phong trào xây dựng gia đình văn hóa kết hợp với các phong trào khác để đạt được hiệu quả thiết thực.

Tám là, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là cấp cơ sở trong xây dựng văn hóa và con người. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức văn hóa gia đình và nội dung công tác xây dựng gia đình văn hóa cho cán bộ chỉ đạo hướng dẫn phong trào xây dựng gia đình văn hóa các cấp, nhằm trang bị kiến thức xây dựng gia đình văn hóa trong đời sống xã hội hiện đại để cập nhật trước yêu cầu đổi mới của thời đại và có định hướng hướng dẫn nhân dân thực hiện lâu dài.

Đỗ Đức Hà 

(Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...