Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Chung tay bảo tồn di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ

Cập nhật: 14:41 ngày 04/12/2016
(BGĐT) - Ngày 1-12, tại phiên họp Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO), di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL).

{keywords}

Tiết mục hát chầu văn  tại  sự kiện văn hóa  của tỉnh.

Thưa ông, ông cảm nhận như thế nào về sự kiện Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ?

Việc UNESCO ghi danh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là vinh dự cho di sản văn hóa Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành (trong đó có Bắc Giang) nói riêng. Điều này, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của di sản đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh văn hóa đa màu sắc của Việt Nam và của nhân loại. 

Đồng thời, khẳng định những nỗ lực của các cấp, ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Đây cũng là cơ sở để tỉnh Bắc Giang sẽ tham gia tích cực vào các chương trình hành động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa này. 

Ở Bắc Giang, tín ngưỡng này có nét đặc trưng  gì, thưa ông?

Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ- một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ. 

Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành nét sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Các thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao... thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ kết hợp phong phú các yếu tố âm nhạc, trang phục, diễn xướng, hát chầu văn… được thể hiện trong nghi thức hầu đồng và trong các lễ hội. 

Đối với tỉnh Bắc Giang, việc thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn (bà chúa trên rừng) trong dân gian có lẽ được thể hiện rõ nét nhất bởi điều này gắn liền với đặc trưng của vùng rừng, núi. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe...

Được biết, trước khi được UNESCO vinh danh, hoạt động Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm bảo tồn, xin ông cho biết về hoạt động bảo tồn này? 

Tỉnh Bắc Giang có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh và có nhiều nghệ nhân cũng như những hoạt động liên quan đến thờ Mẫu tam phủ, tập trung nhiều ở các huyện Lục Nam, Yên Thế. Song, có thời điểm vẫn còn những ý kiến khác nhau về hoạt động tín ngưỡng này. 

Trên thực tế, ở một số nơi đã có những biểu hiện biến tướng như hầu đồng để trục lợi. Trải qua quá trình nghiên cứu một cách bài bản, khoa học của các chuyên gia, nhất là sau khi di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ được Việt Nam đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều hoạt động quan tâm bảo tồn. 

Cụ thể, năm 2013, Sở VH-TT&DL chỉ đạo Bảo tàng tỉnh tổ chức Hội thảo về nghi lễ chầu văn của người Việt ở tỉnh Bắc Giang; năm 2015, tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát văn tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất có mở rộng mời các đoàn: Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Ninh về giao lưu. Năm 2016, tổ chức Hội thi hát văn huyện Lục Nam mở rộng tại Lễ hội đền Suối Mỡ…

Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thời gian tới, Sở VH-TT&DL có những giải pháp như thế nào, thưa ông? 

Sở VH-TT&DL sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan cùng Phòng Văn hóa- Thông tin, Trung tâm Văn hóa- Thể thao các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, phương án bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này. 

Trước mắt, chỉ đạo Trung tâm Văn hóa- Thể thao TP Bắc Giang tổ chức Liên hoan hát văn TP mở rộng năm 2016, dự kiến tổ chức từ ngày 10 đến 11-12; Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Lục Nam tiếp tục duy trì các Hội thi, Liên hoan hát văn tại đền Suối Mỡ vào ngày tổ chức Lễ hội Suối Mỡ. 

Cùng đó, tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát văn tỉnh Bắc Giang lần thứ II năm 2017 để tuyên truyền, quảng bá và giúp du khách hiểu rõ hơn về loại hình văn hóa tín ngưỡng đặc sắc này cũng như những nét độc đáo và đa dạng của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt ở tỉnh Bắc Giang. 

Xin  cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Đình Bưu, nguyên Giám đốc Sở VH-TT Bắc Giang:

Quan tâm, khai thác hiệu quả giá trị 

tín ngưỡng thờ Mẫu 

{keywords}

Thờ Mẫu tam phủ là tín ngưỡng thờ cúng người mẹ có từ trong tâm thức của người dân từ xa xưa như mẹ Rừng, mẹ Nước, mẹ Trời có chức năng che chở, bao bọc, dạy dỗ cho người con. Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện tư tưởng rất nhân văn của dân tộc và nhân loại, một đạo lý, truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây". 

Ngày nay, khi đạo đức trong xã hội có phần bị sa sút thì việc thờ Mẫu cần được tôn lên, là ánh sáng làm cho tâm trí, cuộc sống con người thêm tốt đẹp. Đối với hình thức diễn xướng, tín ngưỡng này là nguyên hợp gồm nhiều thành phần nghệ thuật cùng tham gia như điệu múa, lời ca, tiếng hát, trang phục, màu sắc với những dáng vẻ riêng của từng nhân vật. Sức mạnh của nhân vật thông qua các động tác như phun lửa, đi lên bàn chông, lớp than hồng... 

Nếu tách biệt, chúng ta thấy giống như các bộ môn xiếc hấp dẫn, đặc sắc. Điều này cũng phản ánh dấu vết của văn hóa nguyên thủy xa xưa còn để lại đến bây giờ. Nếu như được quan tâm, khai thác sâu hơn, nó sẽ trở thành kho tàng văn hóa của dân tộc và nhân loại.

Ông Đỗ Tuấn Khoa, Giám đốc Bảo tàng tỉnh: 

Tuyên truyền để người dân hiểu, cùng tham gia bảo tồn di sản

{keywords}

Chầu văn (hay còn gọi là hầu đồng) là nghi lễ chính, điển hình nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu. Không gian văn hóa hát văn thường được gắn với các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, thu hút đông du khách. 

Nếu chúng ta phát huy tốt giá trị của loại hình nghệ thuật này sẽ là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, kết hợp điều tra, khảo sát thực hiện công tác bảo tồn di sản. 

Trên cơ sở đó, có định hướng đúng trong công tác quản lý nhà nước, cần phân biệt rõ đâu là yếu tố văn hóa, đâu là biến tướng trục lợi hoặc mê tín. Từ đó, tuyên truyền để người dân hiểu và cùng tham gia bảo tồn di sản.

Ông Đặng Tiến Mạnh, Phó Chủ nhiệm CLB Bảo tồn văn hóa đạo mẫu Việt Nam tỉnh Bắc Giang:

Định hướng hoạt động thanh đồng, cung văn

{keywords}

Bản thân tôi đã tiếp cận với loại hình văn hóa nghệ thuật này cách đây gần 20 năm và hiện cũng là một cung văn. Tôi rất phấn khởi, tự hào khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Đây là điều kiện rất thuận lợi để những người đang hoạt động trong lĩnh vực này vững tâm, có nhiều cống hiến hơn nữa trong công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Qua đây, mong muốn cơ quan nhà nước sẽ có những chính sách, hướng dẫn cụ thể để bảo tồn, phát huy di sản. Cùng đó, các ngành, địa phương quan tâm quy tụ lực lượng thanh đồng, cung văn về một mối để định hướng, quản lý hoạt động hiệu quả.

Công Doanh (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...