Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 26 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tỏa sáng đất và người Hà Nội

Cập nhật: 14:01 ngày 24/12/2016
Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ II năm 2016 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (NSSKVN) phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (VHTT) tổ chức đã mang đến cho công chúng nhiều cảm xúc thăng hoa qua các  tác phẩm trên sân khấu.
{keywords}

Một cảnh trong vở diễn “Người Hà Nội” của đoàn Nhà hát kịch Quân đội.

Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ II diễn ra từ 17 đến 24-12, thu hút hơn 500 diễn viên đến từ 13 đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội với 13 vở diễn tham gia ở các loại hình như: Chèo, cải lương, kịch nói… Đây cũng là mùa diễn có nhiều nét mới với việc mở rộng phạm vi tham gia, trong đó có cả các đơn vị xã hội hóa như CLB Sân khấu Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội (SK&ĐA), Hội Nghệ thuật nhân đạo TP Hà Nội.

Đề tài và nội dung các tác phẩm tham dự liên hoan nhận được sự quan tâm lớn nhất từ khán giả, bởi gắn với mảnh đất nghìn năm văn hiến. Theo ghi nhận, Liên hoan lần này có khá nhiều vở diễn mang chủ đề anh hùng ca, có thể kể đến như “Gươm thiêng trao trả hồ thần” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Ba ngày làm vua” (Nhà hát Chèo Quân đội), “Linh khí trời Nam” (CLB Sân khấu Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Một số đơn vị mang đến các vở diễn dân gian cách tân như Nhà hát Chèo Việt Nam với “Trinh phụ hai chồng”, Hội Nghệ thuật nhân đạo TP Hà Nội với “Vua lợn”.

Nhà hát Kịch nói Quân đội đã mở màn liên hoan bằng vở diễn xúc động, lắng sâu cảm xúc hào hùng mang tên “Người Hà Nội”. Vở diễn bắt đầu từ câu chuyện một đội nữ văn công Hà Nội vào chiến trường phục vụ bộ đội. Không may, Hương Ly - cô ca sĩ nổi tiếng của đội bị thương, bị rơi vào một bệnh viện dã chiến của lính Cộng hòa. Vở diễn đề cao vai trò của những người nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Họ đã góp phần không nhỏ vào những thắng lợi trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Nỗi nhớ Hà Nội, tâm tình người Hà Nội, văn hóa Hà Nội, vẻ đẹp Hà Nội được hòa quyện ngọt ngào qua những vai diễn, truyền tới khán giả một tình yêu da diết với Thủ đô.

Ở một góc nhìn khác, vở diễn “Quẫn” các nghệ sĩ trẻ đến từ Trường SK&ĐA lại mang đến cho khán giả những cái nhìn tổng quan, sâu sắc về bản chất hai mặt của giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam. Vở diễn nói về những phần tử tư sản không chịu cải tạo theo yêu cầu của chủ nghĩa xã hội. Vợ chồng Đại Cát - nhân vật chính của kịch - tuy vào công tư hợp doanh nhưng lại tìm cách giấu vàng, sắm sửa đồ đạc, chia gia tài, cưới chồng cho con rất linh đình; thậm chí còn lo cả khoản ma chay cho bà mẹ già đang sống và cho cả bản thân vợ chồng y. Đây là lối sống hai mặt, luôn luôn tìm cách che đậy việc làm xấu xa, bản chất phản động của mình bằng cái vỏ đậy mỹ miều, giả nhân giả nghĩa, cầu tiến bộ…

Điều đặc biệt, nhiều vở diễn cũ được dựng theo hướng mới như tác phẩm “Giông tố” (tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng), “Lời nói dối cuối cùng” (tác giả Lưu Quang Vũ) của Đoàn Kịch nói Công an nhân dân, Trường SK&ĐA, Nhà hát Tuổi trẻ vẫn mang màu sắc khác, khai thác những khía cạnh ngày hôm nay nên vẫn luôn có tính thời sự.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, Liên hoan Sân khấu Thủ đô là sự kiện văn hóa lớn của Hà Nội, các nghệ sĩ được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, cùng chung sức, chung lòng sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc, tôn vinh các phẩm chất của người Hà Nội, Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình ngàn năm văn hiến.

Theo Tuấn Dũng (báo Lao động Thủ đô)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...