Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Độc đáo tục cưới hỏi của người Sán Chí

Cập nhật: 09:41 ngày 06/01/2017
(BGĐT) - Sán Chí là một trong 7 thành phần dân tộc chủ yếu sinh sống tại Bắc Giang. Người Sán Chí có nguồn gốc, phong tục, tập quán riêng, một trong những bản sắc văn hóa độc đáo là tục cưới hỏi. 
{keywords}

Hát đối giữa nhà gái và nhà trai trong đám cưới của người Sán Chí.

Trước khi đi tới hôn nhân, người Sán Chí thực hiện trang trọng các nghi lễ: Dạm ngõ, ăn hỏi, thách cưới, dẫn cưới và đón dâu, trong đó lễ ăn hỏi (lễ đặt gánh) rất độc đáo. Nghi lễ thường được tổ chức vào mùa xuân hay dịp nông nhàn, mục đích là để hai họ bàn bạc, quyết định đồ sính lễ cho ngày cưới. Ngày đó, nhà trai cử ông mối và 4 thanh niên phụ lễ mang đồ lễ đến nhà gái xin đặt gánh. Ông mối phải là người khác họ tộc, là người chủ gia đình, còn đủ đôi, con cái đông đúc, được mọi người kính trọng, thạo ăn nói, am hiểu phong tục, tập quán dân tộc. 

Khi mọi thủ tục trong lễ ăn hỏi đã xong, trước khi rời khỏi nhà gái, các thành viên trong đoàn ăn hỏi, trừ ông mối đều được quệt nhọ vào mặt để đi đường gặp nhiều may mắn và ma quỷ không nhận ra. Bà Lý Thị Năm ở xã Kiên Lao (Lục Ngạn) cho biết, sau lễ đặt gánh là thời kỳ ăn giá bạc, tức thời gian hai họ đi lại và đôi trai gái tìm hiểu về nhau. Thời gian này có thể kéo dài từ một đến ba năm. "Như bản thân tôi, ăn hỏi xong đúng ba năm mới tổ chức cưới. Trong ba năm, ông ấy đi học còn tôi ở nhà. Ai ở nhà người đó. Đến năm tôi 20 tuổi mới tổ chức cưới. Việc này nhằm thể hiện là mình đã được họ chấm rồi thì không nhà nào được ngó đến nữa và cũng để mình phát triển trưởng thành"- bà Năm chia sẻ.

Khác với nhiều dân tộc, người Sán Chí không thách cưới bằng quần áo cho con gái mình mà do cô gái tự trồng bông dệt vải, may vá trong ba năm chờ đợi ngày cưới. Trước ngày cưới một hôm, nhà trai mang đồ dẫn lễ sang để nhà gái làm cỗ mời họ hàng, bạn bè. Ông Lý Văn Mạc, trưởng thôn Họ, xã Kiên Lao cho biết, buổi chiều cùng ngày, nhà trai cử đoàn đến nhà gái xin dâu. 

"Họ nhà trai đi đón dâu gồm một ông mối và hai bé gái. Đồ lễ gồm chăn màn, con gà, con trâu. Họ nhà trai mang sang họ nhà gái 1,4 tạ thịt lợn, một gánh gạo nếp, một gánh gạo tẻ để nhà gái nấu ăn, ngoài ra còn trầu cau, vài chục chai rượu" - ông Mạc lý giải. Sáng hôm sau, khi về đến nhà trai, cô dâu cùng bạn bè không vào nhà ngay mà quây quần ở bên ngoài. Họ nhà trai sẽ cử một người mang trầu cau ra mời nhưng với điều kiện phải tìm được cô dâu thì bạn bè mới nhận miếng trầu cau, lúc đó mới hoàn thành nhiệm vụ mời họ nhà gái vào nhà.

Ngày cưới của một gia đình người Sán Chỉ cũng là ngày vui chung của cả thôn bản. Tối đến trai gái quây quần hát đối đáp mừng cô dâu chú rể. Tiếng hát lúc rộn ràng như lời chúc đôi vợ chồng trẻ trăm năm hạnh phúc, khi thủ thỉ như lời dặn dò họ hãy yêu thương, sống vẹn nghĩa trọn tình. Tiếng hát kéo dài cả đêm thể hiện sự chân tình của tất cả mọi người dành cho đôi vợ chồng trẻ bước vào cuộc sống mới.

Lan Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...