Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Người Cơ Tu bỏ tục đâm trâu

Cập nhật: 09:16 ngày 10/02/2017
Nhờ sự kiên trì vận động của chính quyền và đồng thuận của người dân, dịp Tết vừa qua, 100% bản làng ở huyện miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) không còn lễ đâm trâu, nhận thức về xây dựng đời sống văn hoá mới của người dân đã được nâng lên.
{keywords}

Đồng bào Cơ Tu ở xã Lăng tổ chức lễ hội đón xã nông thôn mới. Con trâu được buộc trong lễ hội, nhưng không bị đâm như trước kia.

Lễ đâm trâu là một trong những tín ngưỡng quan trọng của người Cơ Tu - chiếm hơn 90% dân số ở huyện Tây Giang. Nghi lễ này được tổ chức vào các dịp lễ, Tết, các sự kiện trọng đại của địa phương với quan niệm khi Giàng và các vị thần linh nhận lễ vật, nhất là trâu, sẽ giúp dân làng tránh được rủi ro, bệnh tật, tai nạn, mùa màng sẽ bội thu, cuộc sống sẽ ấm no quanh năm…

Để thực hiện thành công chủ trương bỏ lễ đâm trâu, từ nhiều năm trước, chính quyền huyện Tây Giang đã lên kế hoạch và kiên trì vận động để các già làng, trưởng bản, người dân hiểu và đồng thuận xoá bỏ.

Xã Lăng là xã đầu tiên của huyện Tây Giang xoá bỏ lễ đâm trâu. Vào ngày 18-7-2016, trong dịp tổ chức lễ hội đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới với 19/19 tiêu chí, xã đã chính thức công bố xoá bỏ nghi lễ này.

Ông Bling Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Lăng cho biết, để xoá bỏ tập tục đâm trâu, chính quyền xã đã gặp mặt, trao đổi với già làng trước khi tổ chức họp dân: “Khi già làng đồng ý và người dân đồng thuận cao thì chúng tôi mới thực hiện bỏ nghi lễ này”.

Theo ông Bling Hùng, khó khăn nhất là công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu việc xoá bỏ là cần thiết, vì tập tục này đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt, văn hoá, tâm linh của đồng bào từ đời này sang đời khác. Ban đầu nhiều già làng không đồng ý, song nhờ sự kiên trì động viên, giải thích từ chính quyền, dần dần già làng và bà con đã hiểu và nhận thức được “con trâu là đầu cơ nghiệp”, đâm trâu là hành vi dã man, bất nhẫn với con vật yêu quý của bản làng, vì thế cần xoá bỏ.

Già làng C’lâu Nâm, xã Lăng chia sẻ: Sau khi được chính quyền giải thích rõ, người dân địa phương đã đồng thuận với chủ trương bỏ đâm trâu trong lễ hội truyền thống của đồng bào, vì đâm trâu không còn phù hợp với văn hoá ngày nay.

“Mặc dù không có nghi thức đâm trâu, nhưng tất cả các nghi lễ, nghi thức truyền thống khác đều vẫn được giữ nguyên, thế nên văn hóa của đồng bào sẽ không mất đi, mà chúng tôi chỉ loại bỏ đi những nghi thức không hợp lý mà thôi”, già làng C’lâu Nâm giải thích thêm.

Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, ông Bhling Mia cho biết thêm trong thời kỳ hội nhập và phát triển, các hủ tục phải dần được xoá bỏ để xây dựng đời sống văn hoá mới phù hợp, văn minh hơn. Sau khi thí điểm thành công ở xã Lăng, đến nay các thôn, bản trên toàn huyện đã không tổ chức đâm trâu nữa. Bà con đã đổi lễ đâm trâu thành lễ ăn trâu, theo đó, vào dịp lễ, Tết, người dân vẫn múa, nhảy, vẫn cột trâu, nhưng không đâm trâu nữa.

Ông Bhling Mia nhấn mạnh: “Đóng vai trò quan trọng trong việc huỷ bỏ lễ đâm trâu là các già làng, trưởng bản. Các già làng, trưởng bản là ‘cầu nối’ giúp chính quyền và người dân gắn kết, hiểu nhau hơn, từ đó tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của chính quyền”.

Bắt đầu triển khai xoá bỏ lễ đâm trâu vào tháng 7-2016, đến dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, 100% bản làng ở huyện Tây Giang đã bỏ tục đâm trâu, nhưng người dân vẫn đón Tết trong không khí vui tươi,  đầm ấm.

Theo Lưu Hương/Chinhphu.vn


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...