Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyện lạ dưới tán dã hương nghìn tuổi

Cập nhật: 08:58 ngày 17/02/2017
(BGĐT) - Mới đây, tôi có dịp về vùng quê Tiên Lục (Lạng Giang) thăm cụm di tích đình, chùa và cây dã hương nghìn năm tuổi. Đây được coi là cây dã hương có tầm vóc to nhất họ long não ở nước ta và thế giới. Vua Lê Cảnh Hưng từng cấp sắc phong thần cho cây dã hương Tiên Lục với danh hiệu: “Linh ứng quốc chủ Đô mộc dã hùng tài vĩ lược thông duệ Đại vương” (nghĩa là cây dã hương lớn nhất nước).
{keywords}

Du khách thăm cây dã hương. Ảnh: Thế Đại

Đứng dưới tán lá xanh rì, tôi ngỡ ngàng cảm nhận sức sống kỳ lạ của cây dã trong hành trình nghìn năm mưa nắng. Thân cây sừng sững, vững chãi, rộng đến tám sải tay. Theo số liệu được các nhà nghiên cứu khoa học, chu vi nhỏ nhất của gốc cây hơn 8,3m, lớn nhất hơn 11m. Lá dã hương nhỏ nhưng trổ thành từng chùm dày, đan xít theo cành rồi bung ra tạo thành chiếc ô lớn, rộng đến vài trăm mét vuông. Trên lớp vỏ sần sùi ở các cành đại cơ man nào địa y, rêu, tảo… bám dày. Cạnh gốc cây đại thụ là ngôi đình Viễn Sơn sừng sững đã trải qua 264 năm tuổi. 

Trên một đầu cột cái của đình có dòng chữ nho: “Tuế thứ Nhâm Thân niên, thập nhất nguyệt, nhị thập cốc nhật, bản đình Viễn Sơn lão nhiêu Giáp Văn Quyết, tịnh thê Nguyễn Thị Nông công đức thiết lâm nhất trụ” (Tạm dịch: Năm Nhâm Thân, tháng 11 ngày 20, vị lão nhiêu Giáp Văn Quyết cùng vợ Nguyễn Thị Nông công đức một cây cột gỗ tốt). Theo sách “Dư địa chí Bắc Giang - Di sản Hán Nôm” do UBND tỉnh Hà Bắc xuất bản, ngôi đình Viễn Sơn được xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII, đời vua Lê Cảnh Hưng, luận ra cây cột kia được tín chủ cung tiến dựng đình vào năm Nhâm Thân 1752. Vậy là mái đình đã núp dưới tán dã hương gần ba thế kỷ. Được biết làng Tiên Lục có sáu vị Thành hoàng thì một trong các vị đó chính là cây dã đại thụ. 

Năm 1989, cây dã hương và cụm di tích đình, chùa Tiên Lục được công nhận là Di sản văn hóa và lịch sử cấp quốc gia. Cây được coi như một linh vật của người dân quanh vùng với nhiều giai thoại và cũng là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người dân. Các bậc cao niên đất Tiên Lục đã nghiệm ra một hiện tượng khá thú vị, đó là mối liên hệ giữa cây dã hương cổ thụ với đời sống xã hội đương thời: Cây dã hương chẳng bao giờ gãy cành vì gió bão, nhưng khi có một cành nào đó già khô rơi xuống nhường lại cho những cành mới vươn lên đều báo hiệu một sự chuyển biến lớn của đất nước. Năm 1945, cành dã hương lớn phía Đông Bắc gãy là lúc Cách mạng Tháng Tám thành công; năm 1954, cành phía Tây gãy là năm chiến thắng Điện Biên Phủ; năm 1964, cành phía Nam gãy gắn với sự kiện chiến tranh mở rộng ra miền Bắc; năm 1975, cành phía Tây gãy gắn với sự kiện giải phóng miền Nam thống nhất đất nước…

Những năm gần đây, ông Nguyễn Văn Đề - nhân viên Ban quản lý cụm di tích có sáng kiến nhân giống cây con dã hương bán cho các đoàn du khách. Hạt dã được ông thu gom, mang ươm ở ngoài ruộng rồi đóng bầu mang về vườn nhà. Mỗi năm ông xuất hàng nghìn cây con dã hương cho khách du lịch. Theo đó cây dã hương Tiên Lục đã được trồng ở tất cả các di tích quốc gia như Nghĩa trang Đồng Lộc, Chuông Bồn, nhà Bác Hồ ở Kim Liên, khu di tích Pác Bó, Đền Hùng, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khuôn viên tượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Nam, Bệnh viện Việt Đức, các đình, chùa lớn, các vườn sinh thái… khắp từ Lạng Sơn đến chóp mũi Cà Mau.

Cây dã hương không chỉ là niềm tự hào của người dân Tiên Lục mà còn là di sản quốc gia. Hàng ngày có rất nhiều đoàn khách về đây chiêm ngưỡng, cảm nhận vẻ đẹp của cây “dã đại vương” nghìn năm tuổi, để hít sâu vào lồng ngực hương thơm tinh khiết. Hơn nữa còn được nghe những câu chuyện ly kỳ mà người dân nơi đây lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên những thông điệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc về một cây cổ thụ như một biểu tượng, tượng trưng cho sức sống trường tồn của dân tộc.

Chu Ngọc Phan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...