Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Họa sĩ Văn Tơn - Sức sáng tạo không ngừng

Cập nhật: 07:00 ngày 24/02/2017
(BGĐT) - Tôi tới thăm họa sĩ Nguyễn Văn Tơn, người nhiều năm là Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật tỉnh, hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Bắc Giang, nhân dịp ông vừa được nhận giải B (Huy chương Bạc) tại triển lãm Mỹ thuật khu vực Tây Bắc - Việt Bắc (gồm 15 tỉnh).
{keywords}

Tác phẩm "Chơi quay" của họa sĩ Văn Tơn.

Thực ra với Văn Tơn, đoạt giải cao ở khu vực và toàn quốc cũng như có tranh tại triển lãm trong và ngoài nước là chuyện rất đỗi bình thường. Ông là người đứng đầu trong giới mỹ thuật tỉnh nhà về nhận giải thưởng toàn quốc của Hội Mỹ thuật Việt Nam và khu vực. Điều tôi mừng sau ba, bốn năm, tính từ khi ông được trao giải tác phẩm "Cấy lúa" - giải thưởng duy nhất với Mỹ thuật Bắc Giang - tưởng như im hơi lặng tiếng, nay lại cất lời. 

Bao năm nay, Văn Tơn cùng với Lưu Thế Hân (Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang) đều quê ở Cảnh Thụy (Yên Dũng) đã nổi tiếng, tạo một "thương hiệu" riêng. Nếu Lưu Thế Hân có thế mạnh và được vinh danh về khắc gỗ thì Văn Tơn lại ở sơn mài. Với chất liệu này, Văn Tơn sành sỏi, hoàn toàn làm chủ kỹ thuật, đạt đến mức mà thầy dạy họa của anh cũng phải tấm tắc khen. Văn Tơn sử dụng sơn mài điêu luyện, đặc biệt là màu xanh. 

Tôi ngồi lâu, lặng lẽ chăm chú nhìn bức tranh sơn mài "Chơi quay" vừa được giải thưởng của ông. Đề tài dường như không có gì mới, chỉ là trò chơi dân gian quen thuộc của trẻ nhỏ. Đám trẻ chơi quay. Đứa bổ quay, đứa vừa buông dây. Những con quay hoặc đang quay tít hoặc nằm ngả nghiêng trong vòng tròn. Chọn con quay, họa sĩ muốn nói điều sâu xa về cuộc sống, cuộc đời con người. Chao ôi, con người cũng giống như con quay ấy. Có thịnh, có suy. Và kết cục giống nhau. Đúng là tác phẩm ẩn chứa sự thật sâu sắc hiển nhiên mà nhiều lúc ta ít hoặc chưa nhận ra. Đằng sau bố cục, hình họa, sắc màu phẳng lặng êm ả đã chậm rãi lên tiếng.

Được một bức tranh sơn mài, ngoài trí tuệ, công sức bỏ ra cũng tốn kém tiền của. Ví như bức tranh này, tác giả cũng phải bỏ ra 5-6 triệu đồng. Nào quỳ vàng, quỳ bạc. Nào son, các loại sơn ta, sơn thu, bột màu… Ấy là chưa tính công tỉ mẩn, nhọc nhằn từ ghép, sơn đến mài, ủ tranh. Tôi nhìn bộ giàn đồ sộ giữ ẩm tranh để ủ chiếm nửa gian trên gác mà phát hoảng. Thì ra cánh nhà văn, nhà thơ chúng tôi thế mà sướng. Chỉ cần mấy tờ giấy trắng với cây bút là xong! Ngẫm, mọi sự thành đạt đều có giá của nó.

Thổ lộ với tôi, Văn Tơn cho rằng sáng tác là sáng tạo không cùng, nhưng phải tạo một phong cách riêng, không lẫn với ai. Người ta chỉ cần nhìn vào tác phẩm mà khẳng định ngay tác giả. Bây giờ có rất nhiều trường phái hội họa, dẫu có thể cũ người mới ta, đang chiếm lĩnh thị trường: Trừu tượng, ấn tượng, lập thể, hiện đại, hậu hiện đại… 

Với Văn Tơn và nhiều họa sĩ khác, đề tài và phong cách truyền thống vẫn là chủ đạo trong sáng tác. Điều cốt yếu với các họa sĩ không phải là đề tài mà là sáng tạo - từ tư duy đến biểu hiện. Muốn có tác phẩm để đời phải có tài năng, cá tính mà tài năng ngoài thiên bẩm phải lao động đích thực, là làm việc không ngừng. Văn Tơn hiểu rằng, thành công của hôm qua không chắc hẳn đã là thành công của hôm nay và ngày mai.

Ngoài những tác phẩm đang trưng bày tại Thủ đô, bán cho khách và Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia - kể cả bức "Chơi quay" - Văn Tơn có hàng loạt tranh sơn dầu được bày đặt, treo khắp các gian tường. Năm tới, Vĩnh Phúc sẽ là địa điểm đăng cai Triển lãm Mỹ thuật khu vực Tây Bắc - Việt Bắc. Cùng nhiều họa sĩ khác, ông đang bước đầu phác thảo tác phẩm mới. Hy vọng ông và các họa sĩ tỉnh nhà sẽ có thêm tác phẩm vượt lên chính mình, giành giải thưởng cao.

Đỗ Nhật Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...